Nông dân vẫn phải "bám" dự án

05/03/2014 05:36

Nuôi gà, vịt giống mới đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn không thể nuôi tiếp nếu không có sự đầu tư từ dự án...



Chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn mang lại thu nhập cao. Trong ảnh: ông Nguyễn Thành Trung
ở thôn Cổ Mệnh, xã Bắc An (Chí Linh) thu lãi hơn 100 triệu đồng/5.000 con gà


Qua 2 năm thực hiện, Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học xây dựng mô hình chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh” (2012-2013) đã đạt hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên vì nhiều lý do, người chăn nuôi vẫn khó nhân rộng mô hình.


Hiệu quả thấy rõ


Ông Nguyễn Thành Trung ở thôn Cổ Mệnh, xã Bắc An (Chí Linh) tham gia dự án từ năm 2012. Năm 2012, ông Trung được hỗ trợ 5.000 con, năm 2013 được 10 nghìn con gà ri lai. Tận dụng được diện tích đất đồi rộng rãi, ông Trung nuôi gà theo hình thức chăn thả bán công nghiệp. Ông Trung cho biết, cả 2 năm tham gia dự án ông rất mừng vì gà không bị dịch bệnh, tỷ lệ sống đạt 90-95%. Chất lượng gà bảo đảm, thị trường tiêu thụ nhanh. Năm 2012, gia đình ông thu lãi hơn 100 triệu đồng từ nuôi gà ri lai, cao hơn từ 15-17 triệu đồng so với nuôi gà mía thường và gà chân lùn cùng quy mô. Cuối năm 2013, giá gia cầm giảm mạnh nên ông thu lãi ít hơn.

Cũng tham gia dự án, năm 2012, ông Nguyễn Hữu Thành ở thôn Đông, xã Cổ Dũng (Kim Thành) nuôi 700 con gà mía lai và ri lai. Ông Thành cho biết: “Ngoài hỗ trợ về giống, thức ăn chăn nuôi, chúng tôi còn được tư vấn kỹ thuật, quy trình nuôi gà theo hướng an toàn, bảo đảm chất lượng. Vì thế, gà được thị trường tiêu thụ nhanh. Năm 2012, gà được giá, tôi thu lãi gần 150 triệu đồng”. Khu vực chăn nuôi gà của nhà ông Thành rộng hơn 500 m2, sạch sẽ, thoáng mát, đủ điều kiện chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn.

 Giống gia cầm được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) chọn tạo từ Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Hà Nội). Trước khi đưa giống đến các hộ chăn nuôi, gà 1 ngày tuổi được tiêm vắc - xin phòng bệnh, kiểm dịch, các kỹ sư của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học trực tiếp lựa chọn những con giống tốt, khỏe mạnh. Gà được nuôi hơn 3 tháng thì xuất bán. Các hộ tham gia mô hình đều cam kết tuân thủ đúng quy trình chăm sóc gà như bảo đảm thức ăn chăn nuôi, không sử dụng thuốc tăng trọng, nhiệt độ, vệ sinh thú y và phòng bệnh… Họ được hỗ trợ 50% giá giống, hỗ trợ tiền thuốc thú y mức 2.000-2.500 đồng/con và được tư vấn kỹ thuật, tập huấn chăn nuôi. Do có sự phối hợp tốt giữa cán bộ khoa học và người chăn nuôi nên các mô hình đều đạt hiệu quả kinh tế cao.

Khó nhân rộng

Những năm đầu, dự án triển khai mô hình ở một số huyện như Kim Thành, Cẩm Giàng, Nam Sách. Bước sang năm 2014, mô hình sẽ ưu tiên đưa về thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn, nơi có nhiều hộ chăn nuôi gà với quy mô lớn. Tuy nhiên, do kinh phí khoa học hạn chế nên mỗi năm dự án chỉ được thực hiện ở một vài xã, khi hết thời gian thực hiện, người chăn nuôi không còn được hưởng lợi từ dự án.

Ông Dương Danh Chùng, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Cổ Dũng (Kim Thành) cho biết: “Dự án triển khai mô hình ở xã năm 2012. Năm 2013, nhiều hộ chăn nuôi muốn tiếp tục thực hiện mô hình hoặc tiếp tục mua giống gà về nuôi nhưng đều thất bại. Vì dự án chỉ thực hiện trong khoảng 1 năm, sau đó người chăn nuôi được giới thiệu lên các trung tâm để mua giống gia cầm nhưng khi mua về nuôi lại không được như mong muốn, gà bị chết nhiều. Bên cạnh đó, giá giống, giá thức ăn chăn nuôi cao nên người chăn nuôi chưa mạnh dạn đầu tư nuôi nhiều”. Ông Nguyễn Ngọc Thuế ở thôn Giữa, xã Cổ Dũng cho biết: “Năm 2012, tôi tham gia dự án. Thấy giống gà mía lai, ri lai được trung tâm đưa về nuôi mang lại hiệu quả cao nên năm 2013 tôi muốn được nuôi tiếp các giống gà này. Tôi tự mua hơn 100 con giống ngoài thị trường nhưng do giống gà không bảo đảm chất lượng, bị chết hơn 10 con. Muốn mua gà ở các trung tâm giống thì phải mua số lượng nhiều mà vốn của gia đình tôi lại ít. Một số hộ được giới thiệu mua gà giống ở các trung tâm, nhưng do không có kinh nghiệm lựa chọn, gà cũng dễ bị bệnh chết”.

Hiện nay, không phải hộ nào cũng bảo đảm được điều kiện chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn. Đất đồng bằng thường hẹp, điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh trong chăn nuôi khó khăn hơn đất đồi núi. Các gia trại chưa thể đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu chăn nuôi an toàn. Vì thế rất khó nhân rộng mô hình.

Ông Nguyễn Thế Vin, Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học) cho biết: “Hiện nay, dự án triển khai nuôi gia cầm tập trung ở các xã miền núi. Mục tiêu là tạo ra vùng chăn nuôi tập trung có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Qua đó nâng cao năng suất, chất lượng gia cầm, giúp người chăn nuôi có thu nhập cao, ổn định”.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm như hiện nay, giá gia cầm giảm, người chăn nuôi càng gặp khó. Để bảo đảm chăn nuôi an toàn, các sở, ban, ngành cần quan tâm hơn nữa tới việc đầu tư giống, cơ sở vật chất, quan tâm hỗ trợ cho nông dân vay vốn để chăn nuôi. Các hộ chăn nuôi phải được trang bị đầy đủ kỹ thuật chăn nuôi giống gà mới, phải thường xuyên vệ sinh, khử trùng chuồng trại. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc tích cực để ngăn chặn các giống gia cầm không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường...

 Năm 2014,  Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình chăn nuôi  gia cầm theo hướng an toàn góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh” triển khai mô hình ở thị xã Chí Linh và các huyện Gia Lộc và Kinh Môn với tổng số gần 40 hộ tham gia, quy mô 50 nghìn con gia cầm. Trong đó, có 30 nghìn con gà mía lai và ri lai, 10 nghìn con vịt Super M3, 10 nghìn con gà lai chọi. Dự kiến, giữa tháng 3 đầu tháng 4, khi thời tiết ấm và ổn định, dự án sẽ đưa giống về cho các hộ chăn nuôi. 



MINH NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân vẫn phải "bám" dự án