Nhờ mạnh dạn thuê đất làm ăn lớn, tích cực đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào canh tác nên mỗi năm anh Thường thu lãi 100-200 triệu đồng từ sản xuất nông nghiệp...
Mỗi năm, anh Thường thu lãi 100-200 triệu đồng từ sản xuất nông nghiệp.
Trong ảnh: Anh Thường làm đất trồng cà rốt vụ đông
Trồng cà rốt rải vụTrong những năm tới, tôi dự định mở rộng diện tích nhà lưới để sản xuất cây trồng mới. Đối với cây cà rốt, tôi muốn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để có sản phẩm an toàn. Hiện nay, việc sản xuất trong nhà lưới khá mới mẻ nên tôi mong được các cơ quan chức năng hỗ trợ về kỹ thuật và tìm thị trường tiêu thụ”. Anh Vũ Văn Thường (xã Minh Tân, huyện Nam Sách) |
|
Mùa này, đi qua xã Minh Tân (Nam Sách) đã thấy từng vạt cà rốt vụ đông lên xanh mơn mởn. Trên một khu ruộng ngoài đê sông Thái Bình ở thôn Uông Hạ, xã Minh Tân, hơn hai chục nhân công đang miệt mài lên luống đất, gieo hạt cà rốt. Với sự giúp sức của một chiếc máy làm đất lớn, chẳng mấy chốc những ruộng cà rốt đã hình thành. Anh Vũ Văn Thường, chủ nhân của những ruộng cà rốt này đang tất bật phun thuốc phòng bệnh cho diện tích cà rốt đã gieo hạt xong. Khi tôi hỏi vì sao cà rốt ở nơi khác đã lên xanh mà giờ anh mới bắt đầu trồng, anh Thường cười bảo: “Tôi phải trồng nhiều trà khác nhau, rải vụ để tránh tình trạng thu hoạch cùng lúc, dễ dẫn tới ế thừa sản lượng, mất giá”. Ở xã Minh Tân này, anh Thường là một nông dân sản xuất giỏi, đi đầu về thuê đất với diện tích lớn và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp.
Những năm 1990-1993, anh Thường cùng một số anh em khác thuê 13 mẫu ruộng bãi ven sông Thái Bình ở thôn Mạc Xá để trồng mía. Khi ấy, nhiều diện tích bãi sông bỏ hoang, cỏ mọc cao hơn đầu người. Sau khi trồng mía không có hiệu quả cao, anh Thường chuyển sang trồng bí xanh, dâu tằm. Do bị ảnh hưởng của khói lò gạch nên việc trồng dâu, nuôi tằm cũng thất bại.
Sau nhiều lần tìm kiếm, vụ đông năm 2000, anh trồng thử nghiệm hơn 1 mẫu cà rốt. Anh học hỏi kỹ thuật trồng cà rốt từ nông dân ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng). Đất không phụ công người, vụ cà rốt đó đã thắng lợi, cho lãi 2 triệu đồng/sào. Từ thắng lợi ban đầu, những năm tiếp theo, anh Thường mở rộng sản xuất. Ở diện tích bãi, anh bố trí canh tác theo công thức rau màu xuân hè + cà rốt vụ đông. Không dừng lại ở diện tích thuê đất ban đầu, đến nay, anh Thường cùng một người anh ruột đã thuê khoảng 55 mẫu đất bãi sông, với giá thuê hiện ở mức 300-400 nghìn đồng/sào/năm. Anh Thường trực tiếp canh tác 2,5 mẫu, diện tích còn lại cho nhiều người khác thuê lại. Vào thời vụ gieo trồng, thu hoạch cà rốt, anh Thường thuê hàng chục nhân công lao động. Anh còn mua 1 chiếc máy làm đất cỡ lớn, máy phun thuốc trừ sâu, bệnh để tăng năng suất lao động. Không chỉ trồng cà rốt, anh Thường còn trực tiếp thu mua loại sản phẩm này.
Anh Thường có 1 sào nhà lưới trồng dưa lê Kim Cô Nương, hoa ly
Trồng dưa lê Kim Cô NươngLà người luôn tìm tòi cái mới, cuối năm 2011, anh Vũ Văn Thường “thử sức” với một loại cây trồng còn rất mới lạ ở tỉnh ta, đó là cây dưa lê Kim Cô Nương. Giống dưa này do Viện Cây lương thực và cây thực phẩm chọn tạo, quả chín có trọng lượng bình quân 1,2 kg, vỏ vàng, ruột trắng, chất lượng ngon. Anh Thường đầu tư gần 300 triệu đồng để xây dựng nhà lưới trên diện tích 1 sào trồng dưa lê Kim Cô Nương. Do đây là mô hình mới nên UBND huyện Nam Sách hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng nhà lưới.
Hệ thống nhà lưới là kỹ thuật hiện đại trong canh tác. Anh Thường làm nhà lưới bằng khung sắt, có 1 lưới chắn côn trùng, 1 lớp ni-lông để che mưa, nắng. Trong nhà lưới áp dụng chế độ tưới nước tự động bằng hai hình thức: tưới phun sương (ở trên cao) và tưới nhỏ giọt (ở gốc cây). Vụ xuân năm nay, anh bắt đầu trồng 700 cây dưa lê Kim Cô Nương. Mỗi cây dưa lê được trồng ở một bồn nhỏ. Trong mỗi bồn có đựng đất phù sa trộn lẫn với bột xơ dừa, phân bón. Khi bón phân cho cây, anh Thường chỉ cần bỏ phân vào một bồn chung, sau đó hệ thống sẽ tự hoà tan phân bón và tưới nhỏ giọt vào gốc cây. Ở vụ dưa đầu tiên, anh Thường thu hoạch khoảng 5 tạ quả, bán được 10 triệu đồng. Do là sản phẩm mới nên anh vẫn phải bán lẻ dưa lê Kim Cô Nương ở một số chợ tại huyện Nam Sách với giá khoảng 20 nghìn đồng/kg. Sau thành công ban đầu, anh tiếp tục trồng thêm 1 vụ dưa hè. Hiện nay, anh đang chuẩn bị trồng hoa ly trong nhà lưới để bán vào dịp Tết.
Ngoài canh tác cây trồng, anh có 2,5 mẫu ao nuôi cá trắm, chép, trôi… Anh tận dụng lá, củ cà rốt, bắp ngô thải loại để nuôi cá. Mỗi năm, anh bán khoảng 5 tấn cá. Đây là một nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.
Nhờ mạnh dạn thuê đất làm ăn lớn, tích cực đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào canh tác, chịu khó lao động nên mỗi năm anh Thường thu lãi 100-200 triệu đồng từ sản xuất nông nghiệp. Anh không chỉ làm giàu cho gia đình mình mà còn tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Tháng 7 vừa qua, anh Thường là một trong hai hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh ta được dự buổi gặp mặt ở trung ương có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đến dự.
NINH TUÂN