Nhìn nhiều hộ dân ở thôn Cao Lý bỏ ruộng hoang, tiếc của nên 20 hộ dân thôn Hoà Bình cùng ở xã Cao Thắng (Thanh Miện) đã đứng ra gom lại để trồng ngô.
Hơn 10 mẫu ruộng hoang đã được các hộ dân cải tạo lại để trồng ngô chất lượng cao
Đến cánh đồng Ụ Pháo, nhìn hơn 10 mẫu ruộng đã lên luống đều tăm tắp với những hàng ngô được gieo trồng, có lẽ không ai nghĩ cách đây chỉ vài tháng, cánh đồng này vẫn là những thửa ruộng hoang, cỏ dại mọc um tùm.
Chị Nguyễn Thị Bích - một người dân thôn Cao Lý cho biết những năm gần đây, một số hộ dân trong thôn không còn thiết tha với đồng ruộng do sâu bệnh nhiều, chi phí sản xuất cao. Nhiều hộ đã bỏ ruộng để đi làm công nhân cho các nhà máy, xí nghiệp với mức thu nhập cao hơn trồng lúa. Diện tích ruộng hoang cũng vì thế mà tăng lên theo vụ. Điều này không chỉ gây lãng phí quỹ đất mà còn làm ảnh hưởng đến các diện tích canh tác liền kề.
Không đành lòng để đồng ruộng hoang hoá, cỏ dại mọc um tùm, một số hộ dân thôn Hòa Bình đến gặp các chủ hộ ở thôn Cao Lý để thuê lại ruộng. Ban đầu chỉ 1-2 hộ ở gần khu đồng Ụ Pháo đến thuê ruộng để sản xuất nhưng đến nay đã có 20 hộ tham gia và gom được hơn 10 mẫu ruộng. Hộ thuê nhiều nhất là ông An Văn Suất với 1,5 mẫu. Đến nay, cánh đồng Ụ Pháo đã không còn ruộng bỏ hoang như trước.
Để cải tạo ruộng hoang, các hộ dân mất khá nhiều công sức do ruộng bị bỏ từ lâu, cỏ dại mọc um tùm, nhiều chuột. Do ruộng bị bỏ hoang nên việc tu bổ kênh mương cũng ít được quan tâm.
Để có thể canh tác được, các hộ dân thuê ruộng mất gần 2 tuần để vệ sinh đồng ruộng, mương máng và cải tạo đất. Bà An Thị Thạo cho biết: "Để cải tạo lại 8 sào ruộng hoang, gia đình tôi đã phải bỏ ra rất nhiều công sức và chi phí, nhất là việc dọn cỏ và khơi thông kênh mương dẫn nước. Với 10 mẫu ruộng này, chúng tôi đã thống nhất sẽ trồng chung 1 giống để bảo đảm năng suất và hạn chế sâu bệnh".
Sau khi bàn bạc, 20 hộ dân đã lựa chọn giống ngô HN88 để gieo trồng. Đây là giống ngô nếp lai ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, bắp to, dài, thơm. Giống ngô có sức đề kháng cao, chống chịu sâu bệnh tốt, chịu được hạn và rét rất tốt, thích hợp gieo trồng trên nhiều loại đất.
Ngay khi chọn được cây trồng phù hợp, các hộ dân bắt tay vào làm đất, lên luống, xuống giống... Chỉ một thời gian ngắn nữa, toàn bộ khu đồng này sẽ mướt mát màu xanh của ngô, một hình ảnh đã nhiều năm không có trên cánh đồng này.
Xã Cao Thắng hiện có 40 ha ruộng bỏ hoang, riêng ở thôn Cao Lý là 16 ha, còn lại ở các thôn Văn Khê, Hoà Bình. Để khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân canh tác trên diện tích đất bỏ hoang, UBND xã Cao Thắng chỉ đạo HTX Dịch vụ nông nghiệp quan tâm bảo đảm cung cấp bảo đảm nguồn nước tưới và hỗ trợ người dân thuốc diệt chuột. Xã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cán bộ, hội viên nông dân tham gia cải tạo diện tích đất bỏ hoang để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
PV