Nông dân Thanh Hà sáng tạo với cây vải

22/03/2019 13:10

Dù có kinh nghiệm thâm canh cây vải nhiều năm nhưng nông dân huyện Thanh Hà vẫn chú tâm sáng tạo ra những cách làm độc đáo, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của loại cây đặc sản này.


Các hộ dân kết hợp nhiều biện pháp chăm sóc để điều chỉnh thời gian ra hoa, đậu quả của cây vải

Cải tạo giống

Các xã khu Hà Đông là vựa vải sớm của cả tỉnh. Tại đây, các giống vải sớm như u trứng, u thâm, u hồng… sinh trưởng, phát triển thuận lợi, trở thành nguồn thu nhập chính cho người dân. Qua quá trình chăm sóc, nông dân nhận biết được đặc trưng các loại vải, mỗi giống đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Với mong muốn tận dụng được hết lợi thế của từng loại vải, người dân đã sử dụng cách ghép cành giữa các giống để tạo ra cây vải có đặc tính vượt trội nhất.

Là người có thâm niên trồng vải sớm, ông Phạm Văn Hùng ở thôn Phúc Giới, xã Thanh Bính cho biết: “Trong trà vải sớm, cây u trứng cho thu hoạch sớm nhất song chất lượng lại kém hơn u hồng, u thâm. 2 giống này tuy quả thơm ngon nhưng vì chín sau nên giá bán không cao. Vì thế chúng tôi đã ghép cành vải u hồng, u thâm với gốc vải u trứng để thành cây vải vừa cho quả chín sớm, vừa cho chất lượng tốt”. Thời gian đầu, do chưa có nhiều kiến thức về kỹ thuật cắt ghép nên tỷ lệ sống của cành ghép không cao. Dù vậy, ông Hùng vẫn không nản lòng. Ngoài tìm hiểu trên sách báo, ông còn học hỏi kỹ năng ghép cành của các hộ khác trong vùng. Sau 2 năm, ông đã thực hiện thành thạo các thao tác cắt ghép. Hiện ông Hùng có 70 gốc vải sớm được ghép từ các giống khác nhau.

Thực hiện ghép cành để cải tạo giống vải được 5 năm, ông Lê Minh Hợi ở thôn Hệ Vĩnh, xã Thanh Bính thấy rõ hiệu quả kinh tế từ phương pháp này. Theo ông Hợi, ghép cành vừa tiết kiệm, vừa mang lại nhiều lợi ích. Người dân tận dụng những cành vải đốn tỉa từ cây này ghép sang gốc cây khác nên không tốn chi phí. Giai đoạn đầu có vất vả hơn vì phải thường xuyên kiểm tra từng mắt ghép, nhưng khi vết ghép đã liền thì việc chăm sóc lại đơn giản như trước. Tuy không nghiên cứu, chọn tạo giống mới song chúng tôi đã cải tạo được giống. Hơn nữa, những cây vải ghép đều được lựa chọn từ các gốc khỏe và cành tốt, không sâu bệnh nên sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. “Lúc mới làm, ai cũng lo ngại vì sợ không đạt kết quả. Nhưng nhìn những cành vải ghép sum suê, trĩu quả, ai nấy đều phấn khởi. Năm nay, vải ghép cũng ra hoa nhiều hơn so với các giống thuần. Đây là thành quả xứng đáng cho sự kiên trì, bền bỉ của người trồng vải”, ông Hợi hào hứng khoe.

Huyện Thanh Hà có hơn 1.000 ha vải sớm. Việc ghép cành giữa các giống vải sớm được người dân thực hiện hơn 5năm nay. Dù cho giá trị kinh tế cao hơn song nông dân cần cân nhắc trước khi làm vì phương pháp này đòi hỏi kỹ thuật cao. Nếu không thành công sẽ ảnh hưởng tới gốc vải cũ.


Người dân cải tạo giống vải bằng cách ghép các giống cũ với nhau

"Trẻ hóa" cây

Là cây ăn quả lâu năm nên nếu mới trồng phải mất vài năm mới có thể thu lợi, trong khi đó những cây vải khai thác nhiều năm đã thoái hóa, già cỗi  làm cho năng suất, chất lượng sụt giảm. Nhiều người dân tâm huyết, gắn bó với cây vải đã chủ động tìm cách "trẻ hóa" cho cây vải để cây tiếp tục cho hiệu quả kinh tế cao.

Trong vườn vải của gia đình ông Nguyễn Văn Nhân ở thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy có nhiều gốc vải đã gần 20 năm nhưng cây nào cũng tươi tốt, mỡ màng, không có sự khác biệt lớn giữa những cây mới trồng và cây lâu năm. Để có được điều này, ông Nhân đã phải dày công nghiên cứu tìm ra kỹ thuật canh tác phù hợp nhất. Theo ông Nhân, trước đây, người dân thâm canh vải theo thói quen, kinh nghiệm chắp vá. Chỉ giai đoạn cây ra hoa, đậu quả mới quan tâm chăm sóc, còn thời gian sau thu hoạch đến trước ra hoa thường bỏ bê. Trong khi đây mới là thời điểm quan trọng quyết định tỷ lệ ra hoa, đậu quả của cây. “Vì tập trung dinh dưỡng nuôi quả nên sau thu hoạch, cây đã suy kiệt. Nếu không bổ sung kịp thời các dưỡng chất cần thiết giúp cây phục hồi thì cây sẽ nhanh cằn cỗi. Việc tỉa cành, tạo tán phải căn cứ vào tình hình phát triển của từng cây. Thế nên chăm sóc cây vải phải linh hoạt, chứ không thể rập khuôn, công thức. Người trồng phải tính toán, lựa chọn thời gian, tỷ lệ đốn tỉa hợp lý thì mới có thể kéo dài được tuổi thọ của cây”, ông Nhân chia sẻ.

Mặc dù quá trình sinh trưởng của vải thiều lệ thuộc rất lớn vào nhiệt độ, nhưng bằng kinh nghiệm thâm canh thực tế và kiến thức trên sách vở, nông dân Thanh Hà đã biết cách hạn chế tác động của thời tiết tới quá trình ra hoa vải. Thậm chí có hộ còn biết cách điều chỉnh, kết hợp các biện pháp chăm sóc để chủ động thời gian ra hoa, đậu quả, tránh việc thu hoạch tập trung, ảnh hưởng đến giá bán. Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, nông dân đã làm chủ được các kỹ thuật chăm sóc vải tối ưu. Mặc dù vậy, khi áp dụng những kỹ thuật mới cần có sự hướng dẫn, giám sát của cơ quan chuyên môn để tránh rủi ro. Có như vậy mới có thể khai thác tối đa giá trị của cây vải.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân Thanh Hà sáng tạo với cây vải