Nhiều diện tích lúa xuân ở xã Tân Phong (Ninh Giang) đang bị chuột cắn phá mạnh khiến nông dân đứng ngồi không yên.
Nhiều hộ dân ở xã Tân Phong thất thu vụ lúa xuân do chuột hại
Gia đình bà Nguyễn Thị Nhanh ở thôn Tiền Liệt có 1,5 mẫu ruộng. Mặc dù chủ động diệt chuột nhưng vụ xuân năm nay, gia đình bà mất trắng 3 sào lúa, sản lượng ở diện tích còn lại chỉ bằng 50% mọi năm do chuột cắn phá mạnh. Bà Nhanh cho biết: “Chưa năm nào tôi thấy chuột nhiều như vụ xuân này. Ngay từ khi lúa bắt đầu đẻ nhánh, chuột đã hoành hành. Những nhánh lúa bị chuột cắn rơi đầy mặt ruộng. Để khắc phục, ngoài dùng nhiều biện pháp diệt chuột, tôi phải bón thêm lân, đạm giúp lúa tăng khả năng đẻ nhánh. Tiền mua nilon, cọc tre căng quanh ruộng đã mất hơn 2 triệu đồng. Bỏ ra nhiều công sức, tiền bạc nhưng vẫn không ăn thua. Diện tích lúa bị chuột cắn không những không giảm mà ngày một tăng”.
Nhìn ruộng lúa sắp cho thu hoạch xơ xác, bông lúa lơ thơ, chị Bùi Thị Khơi ở cùng thôn nói: “Mới hơn 1 tháng trước, tôi vẫn nghĩ là vụ lúa được mùa vì cây lên đều và đẹp, còn hiện tại, tôi chỉ mong có thể gỡ gạc lại tiền cày bừa. Gia đình tôi thuê gần 2 mẫu ruộng, chi phí thuê được quy ra thóc. Mọi năm, sau khi trả 20 kg thóc/sào/vụ cho chủ ruộng, tôi vẫn thu về hơn 2 tạ thóc/sào/vụ, còn vụ này chưa được nổi 1 tạ/sào. Cứ chăm cho cây lúa phục hồi thì chuột lại phá hoại. Có ruộng bị chuột cắn 2-3 đợt nên khóm lúa bé, thấp và ít bông”.
Thông thường, khi lúa đã uốn câu cần phải tháo kiệt nước trên ruộng để rễ lúa bám chắc, cây không bị đổ khi gặp mưa to. Tuy nhiên, vụ này chị Khơi vẫn phải đưa nước vào ruộng do chuột gây hại nên lúa phát triển không đồng đều. Trong cùng một ruộng mà có khóm bông đã đỏ đuôi, có khóm mới đang vào chắc hạt. Mặt khác, đây cũng là giải pháp tình thế nhằm hạn chế chuột hại.
Lý giải về việc chuột hại lúa gia tăng, ông Trần Thanh Hương, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hữu Chung ở xã Tân Quang cho biết: Vụ đông xuân ấm đã tạo điều kiện cho chuột sinh sôi, phát triển nhanh. Trong khi đó, việc diệt chuột vẫn còn nhiều bất cập. Nông dân chú trọng sử dụng biện pháp hóa học nhưng cách làm này chỉ đem lại hiệu quả khi cây lúa ở thời kỳ bén rễ hồi xanh. Còn khi lúa đã đẻ nhánh, trỗ bông, làm đòng thì không còn phù hợp bởi chuột có nguồn thức ăn dồi dào. Trước đó, nhằm hạn chế chuột hại, HTX đã khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa P6 để thay thế cho Bắc thơm số 7. Tổ diệt chuột của thôn gồm 10 thành viên phân công nhau đi bắt chuột cả ngày lẫn đêm nhưng kết quả vẫn không khả quan. Hơn 210 ha lúa của xã đều bị chuột cắn phá. Riêng khu đồng Quê hơn 10 ha bị ảnh hưởng nặng, năng suất lúa sụt giảm nghiêm trọng.
Theo ông Bùi Văn Thưởng, Chủ tịch UBND xã Tân Phong, sở dĩ diện tích lúa của xã bị chuột gây hại mạnh một phần là do tuyến đường trục Bắc - Nam của tỉnh chạy qua địa phận xã chậm thi công. Phần đất trống phục vụ xây dựng đường trở thành nơi trú ngụ của chuột. Qua kiểm tra cho thấy, ruộng nào càng gần với trục đường Bắc - Nam thì càng thiệt hại nặng do chuột cắn phá mạnh. Để hạn chế chuột hại, xã vận động nông dân tăng cường bám sát đồng ruộng, theo dõi tình hình, lựa chọn phương pháp diệt chuột khả thi nhất với từng thời điểm. Về lâu dài, không thể bị động diệt chuột mà cần phải chủ động ngăn ngừa ngay từ đầu vụ. Có như vậy mới bảo vệ được mùa vụ, giữ ổn định năng suất lúa.
NGUYỄN MƠ