Nông dân ở các huyện Thanh Miện, Bình Giang, Cẩm Giàng, Gia Lộc đang phải thuê nhân công buộc lúa bị đổ do ảnh hưởng của bão số 3 với giá từ 400-450 nghìn đồng/sào.
Ở những chân ruộng trũng, lúa đổ rạp nhiều giá công buộc cao hơn từ 50-100 nghìn đồng/sào. Riêng ở xã Cổ Bì (Bình Giang), giá công buộc lúa đã lên đến 500 nghìn đồng/sào mà nhân công vẫn khan hiếm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo ở những diện tích lúa bị đổ còn xanh nông dân cần giữ mực nước trong ruộng phù hợp để lúa tiếp tục vào mẩy. Trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố cần hướng dẫn nông dân kiểm tra và phun kịp thời thuốc trừ rầy tại những chân ruộng bị đổ do bão.
* Sau bão số 3, lúa mùa ở Cẩm Giàng bị đổ từ 65-75%, có xã bị đổ tới 95%, tạo điều kiện cho rầy nâu phát triển gây hại.
Hiện nay, rầy lứa 6 đang nở rộ, mật độ rất cao, trung bình từ 1.500 - 2.000 con/m2, nơi cao từ 3.000 - 5.000 con/m2 và tiếp tục tăng nhanh trong những ngày tới. Tỷ lệ rầy cám chiếm 85%, rầy trưởng thành bụng chửa chiếm 15%. Rầy phân bố trên diện rộng khoảng 1.200 ha tập trung ở các giống: Bắc thơm số 7, Hương thơm số 1, KD18, nếp, Q5, BC15… Tất cả các xã, thị trấn đều có diện tích bị nhiễm rầy, nếu không tập trung phun trừ kịp thời sẽ dẫn tới cháy rầy, làm giảm năng suất hoặc bị mất trắng.
HẢI MINH - LÊ SƠN