Năm 2006, xã Hưng Thái (Ninh Giang) có chủ trương chuyển đổi hơn 30 ha diện tích cấy lúa bấp bênh sang đào ao thả cá, trồng cây.
Nhiều mô hình chăn nuôi thủy sản ở huyện Ninh Giang cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Anh Bùi Công Quyền là một trong những người đầu tiên của xã mạnh dạn ra khu chuyển đổi. Tuy gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm, vốn ít, nhưng với sự cố gắng của bản thân và những người thân trong gia đình, anh đã đầu tư đào được hơn 9 sào ao. Anh Quyền cho biết, lúc đầu anh chủ yếu nuôi cá truyền thống như: trắm, chép, trôi. Đầu năm 2010, sau dự buổi tập huấn về nuôi trồng thủy sản do Hội Nông dân (HND) huyện phối hợp tổ chức, anh đưa giống cá rô phi đơn tính Đài Loan vào nuôi. Được sự giúp đỡ của các hội viên nông dân, lứa cá đầu tiên đã đem lại hiệu quả cao (anh Quyền thu lãi hơn 60 triệu đồng). Tháng 10-2011, HND xã thành lập Câu lạc bộ (CLB) về thủy sản, anh đăng ký tham gia ngay. Trong quá trình sinh hoạt CLB, anh cũng như các thành viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm phòng trừ dịch bệnh cho đàn cá, đồng thời hỗ trợ nhau lúc thu hoạch. Mỗi năm, anh thu bình quân hơn 11 tấn cá các loại, trừ chi phí lãi trên 230 triệu đồng.
Văn Hội cũng là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn của huyện với hơn 37 ha đất chuyển đổi. Chủ tịch HND xã Nguyễn Thế Chức cho biết: Trước đây, việc nuôi thủy sản ở xã mạnh ai nấy làm nên hiệu quả không cao. Giữa năm 2009, HND xã thành lập CLB thủy sản với gần 30 thành viên, chủ yếu ở thôn Tuy Lai. Sau khi thành lập CLB, HND xã thường xuyên phối hợp với các phòng, ban chức năng của huyện, tỉnh tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh. Ngoài ra, các thành viên trong CLB cũng thống nhất được chủng loại cá nuôi, thời gian cùng nhau thu hoạch. Mỗi năm, toàn xã bán ra thị trường trên 200 tấn cá, thu lãi hơn 3 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đình Tranh, Chủ tịch HND huyện cho biết: Ninh Giang có nhiều lợi thế để phát triển các mô hình nuôi thủy sản do nhiều xã có diện tích đất chuyển đổi. Hiện nay, huyện có hơn 1.000 ha mặt nước để nuôi thủy sản, tập trung nhiều ở các xã An Đức, Hồng Đức, Văn Hội, Hưng Thái… Hằng năm, HND huyện phối hợp với các trung tâm dạy nghề của tỉnh, huyện tổ chức các lớp tập huấn về nuôi thủy sản cho nông dân. Năm 2011, HND huyện đã phối hợp tổ chức 5 lớp tập huấn cho gần 200 hội viên nông dân. Các cơ sở hội cũng phối hợp với các HTX dịch vụ nông nghiệp và các đoàn thể tổ chức 67 buổi tập huấn kỹ thuật về nuôi thủy sản cho hơn 4.300 lượt người. Đặc biệt, để tạo điều kiện cho việc tiếp nhận chuyển giao khoa học, kỹ thuật, tìm nguồn giống, thức ăn cũng như tiêu thụ sản phẩm, HND huyện chỉ đạo những xã có diện tích nuôi thủy sản lớn thành lập CLB. Từ năm 2009, HND huyện đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, chỉ đạo HND các xã, thị trấn rà soát các tiêu chí để thành lập CLB. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 10 CLB, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực. Tham gia CLB, các hội viên có điều kiện giúp nhau về kỹ thuật, giống, vốn, thức ăn cho cá. Đặc biệt, các thành viên trong CLB đã thống nhất việc nuôi từng loại cá của từng hộ, thời gian thu hoạch. Việc thành lập CLB còn giúp việc nuôi thủy sản của các thành viên theo mô hình khép kín, trong đó các thành viên trong CLB tự cung cấp con giống cho nhau, cùng nhau tìm hướng tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình. Hằng năm, HND huyện nhận ủy thác từ các ngân hàng và Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp gần 100 tỷ đồng cho các hộ nông dân vay để sản xuất, trong đó ưu tiên cho những thành viên CLB nuôi thủy sản vay. Hầu hết các hộ thành viên của CLB đều làm ăn hiệu quả; nhiều hộ thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
MINH MẪN