Hiện nay trên 7.000 ha lúa chiêm xuân ở huyện Ninh Giang đang trong thời kỳ đẻ nhánh.
Nông dân thôn Cáp, xã Hồng Dụ (Ninh Giang) dùng ni-lông quây ruộng nhằm ngăn chuột phá lúa
Tuy nhiên nông dân các địa phương trong huyện đang phải đối mặt với nạn chuột gây hại.
Những ngày này, trên khắp các cánh đồng ở huyện Ninh Giang trắng ni-lông ngăn chuột phá lúa. Tại cánh đồng lúa trước cửa trường học thôn Đoàn Xá, xã Tân Quang, chúng tôi gặp không ít nông dân đang dùng cọc tre và ni-lông quây ruộng. Trên ruộng lúa P6 rộng gần 2 sào đang lên xanh tốt của gia đình chị Vũ Thị Yểng có nhiều đám lúa bằng manh chiếu bị chuột cắn phá. Chị Yểng cho biết: "Để ngăn chuột cắn phá lúa, gia đình tôi cũng như nhiều gia đình nông dân khác phải đầu tư mỗi sào gần 100 nghìn đồng mua ni-lông và cọc tre về quây. Vụ này, tôi cấy 5 thửa với diện tích 1 mẫu thì đến nay cả 5 thửa đều phải sử dụng ni-lông ngăn chuột, nhưng vẫn không hiệu quả. Sáng sớm hằng ngày, tôi phải thường xuyên ra đồng kiểm tra, tìm đường chuột chui vào để ngăn lại. Mặc dù HTX nhiều lần tổ chức đánh bắt chuột song diện tích lúa xuân bị chuột gây hại vẫn ngày một nhiều thêm".
Cánh đồng lúa thôn Cáp, xã Hồng Dụ cũng có rất nhiều thửa ruộng chăng ni-lông. Chị Phạm Thị Ngắn khom lưng vơ lượm những dảnh lúa đang thời kỳ “con gái” bị chuột cắn ngang thân cho biết: "Do bận công việc gia đình nên chỉ 2 ngày không ra thăm đồng, vậy mà thửa ruộng 2 sào 8 thước cấy giống PC15 của tôi đã bị chuột cắn phá nhiều đám. Xót ruột quá anh ạ". Ngay cạnh thửa ruộng nhà chị Ngắn, chị Hà Thị Ninh đang cắm những cọc tre chăng ni-lông ngăn chuột ở thửa ruộng gia đình mình cho biết: “Tính ra từ đầu vụ đến nay, ngoài công cấy, công chăm bón, nông dân chúng tôi đã phải chi phí tới trên 800 nghìn đồng/sào ruộng để thuê máy làm đất, giống, phân bón, nay lại phải bỏ tiền ra mua ni-lông quây ngăn chuột. Cứ tình trạng chuột cắn phá thế này không chắc đã được ăn”.
Trên cánh đồng lúa ở các xã Tân Hương, Đông Xuyên, Hoàng Hanh, Văn Hội, ni-lông ngăn chuột cũng gần như kín đồng. Ông Phạm Hữu Khoản, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Văn Hội cho biết: “Vụ chiêm xuân năm nay, xã Văn Hội gieo cấy 238 ha, trong đó 30% diện tích trà xuân sớm, 70% trà xuân muộn. Từ đầu vụ đến nay, Ban Quản trị HTX đã trích trên 40 triệu đồng từ quỹ bảo vệ thực vật tổ chức 8 đợt diệt chuột bằng thuốc vi sinh, 1 đợt đánh bắt thủ công. Để khuyến khích xã viên tham gia đánh bắt chuột, HTX thu mua tới 5.000 đồng/con. Tuy nhiên qua kiểm tra cho thấy, nạn chuột gây hại vẫn đang là vấn đề đáng quan tâm. Toàn xã có trên 20 ha bị chuột cắn phá với tỷ lệ hại nơi cao lên tới 20% số dảnh, trung bình từ 5 - 10% số dảnh. Để hạn chế chuột hại, HTX phát động xã viên một mặt phát quang bụi cây, cỏ dại nơi chuột trú ngụ, mặt khác dùng đèn soi bắt chuột vào ban đêm".
Theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ninh Giang đến nay diện tích lúa chiêm xuân bị chuột đồng gây hại rải rác lên tới hơn 100 ha, ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện. Mặc dù ngay từ đầu vụ, các cơ quan chức năng đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các HTX dịch vụ nông nghiệp triển khai nhiều biện pháp diệt chuột như đào bắt thủ công, dùng bẫy, diệt chuột bằng thuốc vi sinh… nhưng nạn chuột hại lúa và hoa màu vẫn có chiều hướng gia tăng.
Thực tế cho thấy, việc chăng ni-lông ngăn chuột chỉ là giải pháp tình thế vừa tốn kém, vừa không mang lại hiệu quả. Ở Ninh Giang, nhiều HTX đã thành lập được tổ, đội chuyên diệt chuột nhưng một số nơi chỉ hoạt động cầm chừng, trong khi đó chuột thì ngày càng sinh sôi, phát triển và gây thiệt hại không nhỏ đến sản xuất. Vì vậy, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ, đội diệt chuột. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra các cơ sở cung cấp thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là thuốc diệt chuột vì hiện nay nhiều địa phương sử dụng thuốc diệt chuột nhưng hiệu quả mang lại không cao.
MINH PHƯƠNG