Nhiều hộ dân ở các xã, thị trấn của huyện Nam Sách đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phá vỡ thế độc canh cây lúa.
Các mô hình kinh tế giúp nâng cao thu nhập cho người dân Nam Sách và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương
Từ đó tạo nên các vùng chuyên canh, hình thành tổ, nhóm sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế, cải thiện đời sống.
Tích cực chuyển đổiÔng Lê Văn Trăm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hồng đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng chuyên trồng rau mùi tàu của xã. Ông cho biết, toàn xã có khoảng 40 hộ chuyên trồng mùi tàu với diện tích trên 30 mẫu. Chục năm về trước, chỉ có từ 5-7 hộ trồng loại cây này. Sau vài năm, nhận thấy giá trị kinh tế cao, lại có 2 cơ sở thu mua, chế biến rau mùi tàu cho bà con tại xã nên số hộ trồng ngày càng tăng lên. Thay vì độc canh trồng lúa như trước, 30% số diện tích đất nông nghiệp của xã Nam Hồng hiện nay đã được người dân sử dụng để trồng rau màu.
Đang thu hoạch rau, ông Nguyễn Văn Sư ở thôn Đụn chia sẻ: "Ba năm nay, gia đình tôi sử dụng toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của nhà để trồng mùi tàu. Mặc dù chăm sóc và thu hoạch vất vả hơn cấy lúa nhưng giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần, lại có người thu mua tại ruộng".
Cây mùi tàu sau khi trồng từ 5-6 tháng sẽ được bán. Mỗi sào cho thu hoạch từ 2,5-3 tấn/năm. Với giá bán hiện tại từ 8.000-10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi khoảng 20 triệu đồng/sào.
Cách thôn Đụn không xa là cánh đồng trồng dưa của thôn Đồn Bối. "Hoa nhiều thế này, hứa hẹn một mùa bội thu đây" - giữa cánh đồng nắng đổ, tiếng những người dân to nhỏ. Ba người trong gia đình ông Trần Văn Phú đang miệt mài chăm sóc luống dưa. Ông Phú phấn khởi: "Nhiều hộ dân ở đây không trồng lúa đã lâu, thay vào đó là trồng mùi tàu, dưa hoặc cà chua. Gia đình tôi có 8 sào ruộng, mỗi năm trồng từ 2-3 vụ dưa, 1 vụ cà chua. Mỗi vụ dưa cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn/sào, cà chua từ 2-2,5 tấn/sào. Hằng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi khoảng 200 triệu đồng".
Ngoài những vùng chuyên canh trồng rau màu, huyện Nam Sách còn có nhiều tập thể cùng liên kết, giúp nhau sản xuất, kinh doanh. Tại thị trấn Nam Sách có tổ trồng rau an toàn với gần chục hộ chuyên trồng rau sạch, trồng và bán cây giống... Ông Phạm Ngọc Thành ở khu Nhân Hưng trồng gần 1 mẫu rau sạch cho biết: "Cách đây gần 30 năm, khi chưa ai trồng nhiều rau thì gia đình tôi đã trồng 2 sào. Tuy nhiên, do chưa biết quy trình trồng rau sạch nên chỉ trồng và chăm sóc bình thường. Sau đó, nhận thấy giá trị kinh tế từ việc chuyên canh rau nên gia đình đã trồng hơn 9 sào rau sạch. Loại rau này có quy trình, cách chăm sóc riêng và cần được bảo vệ cẩn thận. Mặc dù vất vả nhưng nếu biết cách làm sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao". Hằng năm, gia đình ông Thành thu lãi từ 200-300 triệu đồng từ việc trồng các loại rau sạch.
Tạo việc làm tại chỗBắt đầu khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, với những đồng vốn đi vay, năm 2001 ông Phạm Quốc Vinh ở khu Nhân Hưng (thị trấn Nam Sách) đã đầu tư xây dựng mô hình VAC rộng trên 5.000 m2 để trồng rau, thả cá và nuôi gà đẻ trứng. Hiện nay, mỗi năm mô hình VAC của gia đình ông đã đem lại doanh thu trên 8 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng. Mô hình trang trại của gia đình ông còn giải quyết việc làm cho 8 lao động với thu nhập từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.
Nghề làm chổi chít của gia đình ông Lê Văn Quốc ở thôn Đầu (xã Hợp Tiến) không chỉ đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm mà còn tạo việc làm cho khoảng 30 lao động địa phương với thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Hộ ông Vũ Văn Thường ở thôn Uông Hạ (xã Minh Tân) với mô hình nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi trên diện tích khoảng 18.000 m2 đã tạo việc làm cho 10 lao động trong xã, thu lãi khoảng 400 triệu đồng mỗi năm.
Nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Bến ở thôn Mạn Đê (xã Nam Trung) đã đứng ra thu mua hành, tỏi, mủa, gừng, riềng... của người dân trong xã để chế biến và tiêu thụ ở trong và ngoài nước. Hiện nay, các sản phẩm qua chế biến của gia đình ông đã có mặt trên thị trường cả nước và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc... Cơ sở chế biến nông sản của gia đình đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Đánh giá về những mô hình kinh tế này, ông Bùi Văn Giới, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Sách cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình kinh tế như hiện nay có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho người dân. Các mô hình đã giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Hiện nay, huyện Nam Sách có khoảng 20 mô hình kinh tế gia đình và tập thể. Huyện luôn khuyến khích phát triển và nhân rộng hơn nữa những mô hình này.
LAN NGUYỄN