Nông dân lo lắng giống gia cầm, thủy cầm kém chất lượng

27/06/2013 08:00

Tình trạng người chăn nuôi mua phải gia cầm, thủy cầm giống kém chất lượng đang diễn ra khá phổ biến, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi...



Được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đã tạo điều kiện cho lò ấp nở gia cầm, thủy cầm giống của
gia đình anh Dương Thái Hùng ở thôn Nội, xã Toàn Thắng (Gia Lộc) tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có khoảng 8,5 triệu con gia cầm, thủy cầm. Tuy nhiên, tình trạng người chăn nuôi mua phải gia cầm, thủy cầm giống kém chất lượng đang diễn ra khá phổ biến.


Con giống không rõ nguồn gốc

Bà Nguyễn Thị Tươi ở thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) mua của một người đi đường 30 con gà. Người bán giới thiệu là gà lai chọi, nuôi nhanh lớn, thịt ngon, bán được giá cao. Tuy nhiên, nuôi được một thời gian, bà Tươi thấy gà chậm lớn, hay ốm, tỷ lệ chết cao; khi bán gà chỉ đạt 1,6 kg/con, mình nhiều xương, ít thịt. Hỏi một số người có kinh nghiệm chăn nuôi trong xã, bà Tươi mới biết đây là gà thải loại của các cơ sở ấp nở. Ngoài bà Tươi, ở xã Hưng Đạo cũng đã có một số người gặp phải trường hợp tương tự. Ông Chu Trọng Thứ, người cùng thôn với bà Tươi cho biết: "Nhà tôi ở gần đường 391 nên có nhiều người bán gia cầm, thủy cầm rong vào chào mời. Cách đây ít ngày, có người vào chào bán ngan giống với giá 20 nghìn đồng/con. Tôi chăn nuôi từ lâu nên khi vừa nhìn thấy những con ngan này tôi biết ngay đó là vịt thải loại được người bán nhuộm màu cho giống ngan. Ngoài ra, 1 con ngan giống mua ở chợ có giá thấp nhất cũng khoảng 25 nghìn đồng".

Những tiểu thương ở chợ cũng bán gia cầm không có nguồn gốc rõ ràng. Chị Nguyễn Thị Quỳnh ở thôn Vạn, xã Minh Đức (Tứ Kỳ) cho biết: "Ngoài việc thu mua gia cầm giống của một số người dân trong làng, trong xã thì tôi còn mua của những người buôn ở chợ. Tôi không quan tâm đến nguồn gốc của gia cầm, mà chỉ nhìn bằng mắt thường thấy những con khỏe mạnh, nhanh nhẹn thì mua".
Tại chợ thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng), một người bán hàng tên Hòa cho biết: "Tôi lấy con giống của một lò ấp ở Ghẽ và cũng không biết cơ sở đó có được phép kinh doanh hay không. Tôi chỉ thấy gà, vịt khỏe mạnh thì mua về". Khi tôi hỏi, cơ sở ở Ghẽ tên là gì thì bà Hòa không trả lời được.

Cơ sở ấp nở chưa đủ điều kiện kinh doanh



Vịt, gà giống không rõ nguồn gốc được bày bán ở Chợ Cuối (Gia Lộc)


Hiện chưa thống kê được số lượng các cơ sở ấp nở trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, toàn tỉnh chưa có cơ sở nào được cấp phép kinh doanh. Tất cả các cơ sở ấp nở giống gia cầm, thủy cầm của tỉnh ta vẫn tự phát, nằm lẫn trong khu dân cư, cơ sở vật chất, phương tiện, kỹ thuật còn hạn chế. Thậm chí, một số cơ sở còn mua trứng trôi nổi ngoài thị trường về ấp. Khi con giống nở, nhiều cơ sở không có biện pháp thải loại những con kém chất lượng và tiêm phòng vắc-xin theo quy định mà bán ngay ra thị trường. Theo quy định, vận chuyển từ 100 con gia cầm, thủy cầm giống trở lên người bán phải có giấy kiểm dịch. Lợi dụng quy định này, một số người bán có thể vận chuyển dưới 100 con, trong đó trà trộn nhiều con giống kém chất lượng để bán thì cơ quan chức năng cũng không được kiểm tra. Thêm vào đó, vì lợi nhuận nhiều người mua giống gia cầm thải loại của các cơ sở ấp nở với giá thấp, khi bán lại gần bằng giá con giống có chất lượng để hưởng lợi. Lực lượng làm công tác quản lý ở các địa phương còn mỏng, chưa thể kiểm soát hết được việc buôn bán, vận chuyển gia cầm giống của người dân. Bên cạnh đó, kiến thức của nhiều người chăn nuôi còn hạn chế, thấy rẻ là mua mà chưa quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc...

Tăng cường bảo đảm an toàn dịch bệnh


Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y tỉnh đã yêu cầu trạm thú y các huyện, thành phố, thị xã và các chủ cơ sở ấp nở trứng gia cầm, thủy cầm xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh cho người dân theo hướng dẫn của Cục Thú y. Điều kiện để được cấp giấy chứng nhận này thấp hơn so với cấp phép kinh doanh. Các cơ sở chỉ cần bảo đảm được các điều kiện về môi trường, gia cầm, thủy cầm bố mẹ được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, trứng có nguồn gốc rõ ràng, miễn dịch với một loại bệnh, có thể nằm trong khu dân cư... Đến nay, toàn tỉnh đã có 10 cơ sở ấp nở gia cầm giống được cấp giấy chứng nhận an toàn với bệnh Niu-cát-xơn. Gia đình anh Dương Thái Hùng ở thôn Nội, xã Toàn Thắng (Gia Lộc) là một trong 10 cơ sở ấp nở trứng gia cầm, thủy cầm được cấp giấy chứng nhận đợt vừa qua. Anh Hùng cho biết: "Hiện tại, trang trại của tôi nuôi 2.000 con gà bố, mẹ. Trung bình 4 ngày ấp nở một mẻ với 6.000 quả trứng. Trước đây, tôi còn phải bán cho người buôn để họ bán rong, nhưng từ khi được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đã có nhiều trang trại trong và ngoài tỉnh liên hệ đặt hàng, nhiều khi con giống không đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân".

Theo ông Nguyễn Văn Quynh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, hiện nay, công tác quản lý nguồn con giống vẫn còn những lỗ hổng. Vì vậy đã để xảy ra tình trạng người dân mua phải con giống kém chất lượng, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi. Việc cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn chỉ là biện pháp trước mắt. Khi mua con giống ở những cơ sở này, người dân phần nào sẽ yên tâm về chất lượng bởi chủ trang trại đã có nhận thức về vấn đề an toàn dịch bệnh, nguồn trứng được quản lý, gia cầm kém chất lượng được thải loại ngay từ đầu... Còn về lâu dài, chi cục đẩy mạnh tuyên tuyền, hướng dẫn các cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm giống thực hiện Thông tư 92 và đăng ký kinh doanh theo đúng quy định.

Hiện nay, Cục Thú y cũng đang lấy ý kiến của các địa phương để sửa đổi quy định về vận chuyển gia cầm, thủy cầm giống. Theo đó, sẽ sửa quy định về số lượng gia cầm, thủy cầm giống được phép vận chuyển cho hợp lý hơn để dễ dàng cho các cơ quan chức năng trong công tác quản lý. Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người chăn nuôi. Người chăn nuôi nên tìm đến những cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận để mua con giống, không nên mua của người bán rong.

Theo Thông tư số 92/2007/TT-BNN ngày 19-11-2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về điều kiện ấp trứng gia cầm và chăn nuôi thủy cầm thì cơ sở ấp nở phải đáp ứng được các yêu cầu: quy mô tối thiểu từ 2.000 quả trứng/mẻ ấp trở lên, nằm ngoài nội thành, nội thị, phải cách xa trường học, bệnh viện, chợ, công sở, các nơi công cộng khác tối thiểu 500m và có tường xây cách ly với nơi xung quanh, nơi ở. Gia cầm con xuất bán, vận chuyển từ cơ sở ấp trứng ra khỏi huyện, tỉnh, thành phố phải có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển của cơ quan thú y địa phương...


Share


THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân lo lắng giống gia cầm, thủy cầm kém chất lượng