Nông dân Kim Thành cấp tập bán thóc nếp tươi

01/06/2017 08:02

Hơn 10 ngày nay, nhiều thương lái đến các xã của huyện Kim Thành để thu mua thóc nếp tươi tại ruộng. Tuy giá thu mua thấp nhưng người dân vẫn bán cho thương lái.



Cơ sở xay xát của gia đình ông Đỗ Văn Phòng ở thôn Giữa, xã Cổ Dũng (Kim Thành)
 mỗi ngày thu mua 20 tấn thóc nếp tươi


Bán gấp

Bà Vũ Thị Thơ ở thôn Xuân Mang (xã Tuấn Hưng) đang thu mua thóc nếp tươi ở nhiều xã trong huyện. Theo bà Thơ, lý do năm nay thương lái thu mua thóc nếp tươi vì một số lò sấy ở Hưng Yên cần một lượng thóc nếp lớn để xuất khẩu sang Trung Quốc. Năm nay, Kim Thành cấy nhiều lúa nếp hơn mọi năm, lại cho thu hoạch sớm hơn so với những nơi khác nên thương lái đổ dồn về đây thu mua cho kịp đơn hàng xuất khẩu.

Ông Đỗ Văn Phòng ở thôn Giữa (xã Cổ Dũng) là chủ cơ sở thu mua thóc tươi lớn ở Kim Thành. Chỉ trong 10 ngày, cơ sở của ông đã thu mua được 200 tấn thóc nếp tươi tại nhiều xã trong huyện. Ông Phòng cho biết: “Với số thóc thu mua được, một nửa tôi bán cho các lò sấy ở Hưng Yên để xuất khẩu, còn lại tôi thuê họ sấy rồi chuyển về xay xát để bán đi các tỉnh, thành phố khác. Hiện cơ sở mua trực tiếp của bà con nông dân với giá 550.000 đồng/tạ thóc nếp tươi, còn nếu mua lại của thương lái khác thì giá 570.000 đồng/tạ”.

Với mức giá này, nhiều nông dân cấy lúa nếp ở Kim Thành chỉ lấy công làm lãi, thậm chí có hộ còn bị lỗ nếu tính cả tiền thuê máy cày, công phun thuốc trừ sâu và máy gặt. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn bán thóc tươi.

Khi được hỏi vì sao thóc nếp tươi giá không cao nhưng vẫn bán ngay sau thu hoạch thì bà Nguyễn Thị Tím ở thôn Giữa (xã Cổ Dũng) trả lời: "Năm ngoái, giá thóc nếp khô đầu vụ được hơn 1 triệu đồng/ta,̣ nhưng càng cuối vụ giá càng giảm, có lúc xuống chỉ còn hơn 700.000 đồng/tạ mà rất khó bán. Trong khi đó, sau thu hoạch, chúng tôi mất rất nhiều công phơi, bảo quản thóc. Vì thế, bây giờ thấy thương lái tới tận ruộng thu mua thóc tươi nên dù chỉ có 2 sào lúa nếp tôi cũng bán luôn với giá 1,9 triệu đồng. Tuy rẻ một chút nhưng không phải phơi thóc, vận chuyển, bảo quản…”.

Bà Nguyễn Thị Gái ở thôn Xuân Mang (xã Tuấn Hưng) có hơn 1 sào lúa nếp cũng vừa bán cho thương lái được hơn 1 triệu đồng. Theo bà Gái, đầu vụ năm ngoái thóc nếp được giá, nhiều hộ bán ngay thời điểm đó có lãi. Thấy lãi nên năm nay nhiều hộ mở rộng diện tích cấy lúa nếp. Vì thế, lượng cung lớn, nhiều hộ sợ để thóc khô đến cuối vụ mới bán lại mất giá như vụ trước nên bán thóc tươi.

Cần sơ chế để nâng cao giá trị

Người dân sợ để lâu thóc mất giá, trong khi thương lái lại cần mua gấp nên những ngày này, việc mua bán thóc nếp tươi ở Kim Thành càng cấp tập. Song vì sao chủ lò sấy chỉ mua thóc nếp mà không mua thóc tẻ thì nhiều thương lái không rõ.

Ông Vũ Văn Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Thành cho biết: “Toàn huyện năm nay gieo cấy khoảng 240 ha lúa nếp, tập trung chủ yếu ở các xã Cổ Dũng, Kim Xuyên, Kim Khê, Tuấn Hưng... Tuy nhiên, gần đây thương lái đến Kim Thành thu mua thóc nếp tươi thì chúng tôi không nắm được và cũng không rõ tại sao họ chỉ mua thóc nếp”.

Như vậy, thương lái đến Kim Thành thu mua thóc nếp tươi là tự phát do một số chủ lò sấy ở Hưng Yên có nhu cầu nhập thóc nếp tươi. Vì thế, việc thu mua này chỉ mang tính thời vụ, không ổn định. Do đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Thành cần sớm kiểm tra và có những định hướng phù hợp cho bà con nông dân.

Về lâu dài, huyện cần khuyến khích người dân xây dựng lò sấy để nâng cao giá trị lúa gạo sau thu hoạch. Để làm được việc này, các cấp chính quyền cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù cho những hộ đủ điều kiện mở lò sấy. Ngoài ra, để hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững, vấn đề liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, nông dân và những người làm dịch vụ thương mại nông nghiệp cũng cần được quan tâm hơn nữa.

MAI LINH


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân Kim Thành cấp tập bán thóc nếp tươi