Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, các mô hình sản xuất nông nghiệp của nông dân trong tỉnh đã khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường...
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, trang trại trồng hoa và cây giống của chị Nguyễn Thị Thụy
ở thôn Ngọc Trì, phường Ái Quốc (TP Hải Dương) thu lãi gần 500 triệu đồng/năm
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, các mô hình sản xuất nông nghiệp của nông dân trong tỉnh đã khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất, hạn chế dịch bệnh và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Hỗ trợ hiệu quảTheo sự giới thiệu của Hội Nông dân (HND) tỉnh, chúng tôi tới thăm gia đình anh Phạm Văn Vương ở khu chuyển đổi gần sông Cửu An thuộc thôn Tòng Hóa (xã Đoàn Kết, Thanh Miện). Sau nhiều năm làm nông nghiệp nhưng không hiệu quả, năm 2005, xã có chủ trương chuyển đổi khu vùng trũng gần sông Cửu An để làm vùng nuôi thủy sản tập trung. Anh Vương đã đăng ký tham gia để chăn nuôi thủy sản. Với sự giúp đỡ của HND huyện, anh được đi học lớp chăn nuôi, thủy sản và tham quan, học tập kinh nghiệm ở nhiều mô hình trong tỉnh. Nhờ áp dụng phương pháp chăn nuôi đúng cách nên việc sản xuất của gia đình anh gặp nhiều thuận lợi. Đến nay, anh đã có trên 1 mẫu ao nuôi thủy sản tập trung, mỗi năm thu hoạch 2 vụ cá, trừ chi phí thu lãi gần 200 triệu đồng. Từ nghèo đói, đến nay, kinh tế gia đình anh đã khấm khá, khu chăn nuôi thủy sản ngày càng được mở rộng.
Gia đình ông Đồng Văn Thảo ở thôn Hải Ninh (Kim Tân, Kim Thành) cũng có hoàn cảnh khó khăn. Để cải thiện cuộc sống, ông tập trung chăn nuôi lợn thịt. Trước đây, ông thường nuôi từ 2-3 con lợn nái để sinh sản và từ 30 - 40 con lợn thương phẩm. Sau khi lợn đẻ, ông lấy lợn con làm giống, nuôi thành lợn thịt. Tuy nhiên, việc chăn nuôi như vậy vất vả mà lợi nhuận không cao. Năm 2012, gia đình ông Thảo được HND huyện giúp đỡ, tạo điều kiện tham gia chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường”. Tham gia chương trình, gia đình ông được tặng một phiếu thức ăn chăn nuôi GreenFeed trị giá 2 triệu đồng và được vay 12 triệu đồng không lãi suất trong thời gian 2 năm. Trong quá trình chăn nuôi, ông được HND các cấp thường xuyên quan tâm, tư vấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Nhờ vậy, đàn lợn của gia đình ông ngày càng đem lại hiệu quả cao, hầu như không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Do có kinh nghiệm cùng với việc tích cực tham gia các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật nên việc chăn nuôi của gia đình ông có nhiều thuận lợi. Trung bình mỗi năm ông bán khoảng 200 con lợn giống, sau khi trừ chi phí, thu lãi trên 80 triệu đồng. Ông Thảo phấn khởi cho biết: “Nhờ HND hỗ trợ vốn và kỹ thuật nên việc chăn nuôi sản xuất của gia đình tôi gặp nhiều thuận lợi, kinh tế gia đình cũng được phát triển. Thời gian tới, tôi mong được HND tiếp tục hỗ trợ vốn, kỹ thuật để mở rộng quy mô chăn nuôi”.
Bảo vệ môi trườngViệc áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi không chỉ giúp bà con nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, cho thu nhập cao mà còn bảo vệ môi trường. Việt Hưng là xã có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp của huyện Kim Thành. Bên cạnh cây lúa thì chăn nuôi cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân. Tuy nhiên, tình trạng chất thải chăn nuôi chưa được xử lý, thải trực tiếp ra ngoài còn khá phổ biến, gây mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Giữa năm 2014, xã Việt Hưng được HND tỉnh chọn thí điểm chăn nuôi lợn trên đệm lót sinh học (ĐLSH). Tham gia dự án, ngoài việc được hỗ trợ về vốn đầu tư, các hộ nông dân còn được cán bộ kỹ thuật đến từng gia đình chuyển giao kỹ thuật xây dựng chuồng trại, cách tự làm đệm lót, quy trình đảo đệm…
Gia đình ông Nguyễn Văn Đức ở thôn Can Thượng đã chăn nuôi lợn từ nhiều năm nay. Khu chăn nuôi được xây dựng liền kề nhà do diện tích đất của gia đình hẹp. Mỗi năm, gia đình ông nuôi từ 3-4 lứa, mỗi lứa 10 con. Chính vì vậy, lượng phân chuồng thải ra nhiều, ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, nhất là những ngày nắng nóng. Khi xã triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi lợn trên nền ĐLSH, ông Đức đã đăng ký tham gia xây dựng với diện tích gần 40 m2, gồm 4 chuồng. Được cán bộ HND huyện, xã hướng dẫn cụ thể, chi tiết về tỷ lệ, cách thức làm đệm lót, xây dựng chuồng trại, sau vài tháng thực hiện ông thấy hiệu quả rõ rệt. Ngoài việc bảo đảm vệ sinh môi trường, chi phí chăn nuôi cũng tiết kiệm, chủ động được nguồn nguyên liệu, thời gian từ lợn con đến lợn trưởng thành để xuất chuồng giảm được gần 1 tháng/con. Cũng là một trong số các hộ được lựa chọn tham gia dự án, gia đình ông Vũ Văn Cầu ở thôn Can Đông đã xây dựng 5 chuồng nuôi hơn 40 con lợn với tổng diện tích gần 50 m2. Trước đây, khi chưa áp dụng mô hình chăn nuôi bằng ĐLSH, ông phải thường xuyên quét dọn phân lợn. Tuy nhiên, mùi hôi, ruồi muỗi vẫn không được cải thiện, gây ô nhiễm môi trường xung quanh, ảnh hưởng sức khỏe gia đình. Ông Cầu cho biết: “Từ khi áp dụng mô hình chăn nuôi sử dụng ĐLSH, môi trường chăn nuôi được cải thiện đáng kể, phân lợn được phân hủy tại chuồng, mùi hôi và ruồi muỗi cũng giảm đi đáng kể. Các bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp thường xuất hiện ở lợn cũng giảm đáng kể”.
Cùng với việc mở rộng quy mô sản xuất, người nông dân trong tỉnh đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả cao. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của HND các cấp trong tỉnh.
ĐỨC TÂM