Nông dân đi học

06/01/2011 04:54

Các lớp dạy nghề trang bị cho nông dân những kiến thức cơ bản về phương pháp trồng trọt, chăn nuôi. Từ đó, giúp học viên nắm vững kiến thức, áp dụng hiệu quả khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất.


Hướng dẫn học viên cách kiểm tra nguồn nước nuôi thủy sản tại lớp nghề nông nghiệp ở xã An Lạc (Chí Linh)

Chúng tôi tới Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm của Hội Nông dân (HND) tỉnh vào những ngày cuối năm. Các giảng viên của trung tâm đang xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp học nghề cho nông dân trong năm mới. Anh Phạm Đức Hội, Trưởng phòng Đào tạo trung tâm cho biết: Do đối tượng được đào tạo nghề tại trung tâm chủ yếu là nông dân, trình độ, khả năng nhận thức của mỗi học viên khác nhau, nên đòi hỏi các thầy, cô giáo phải luôn đổi mới cách giảng dạy cho phù hợp với học viên và phải có lòng nhiệt tình đứng lớp... Cũng vì đối tượng học viên là nông dân nên việc tổ chức các lớp học cũng có đặc thù riêng. Khi tổ chức một lớp học nghề nông nghiệp cho nông dân, trung tâm tìm hiểu trước tình hình thực tế cũng như nhu cầu học nghề của người dân để mở các lớp phù hợp. “Không phải cứ mở lớp ra là nông dân hưởng ứng ngay, nhiều khi cả cán bộ HND xã và cán bộ trung tâm phải đến từng nhà vận động thì mới đủ số học viên tới lớp”, anh Hội cho biết thêm.

Tổ chức các lớp học nghề cho nông dân, các thầy, cô giáo phải chuẩn bị cả sách bút, tài liệu cho học viên. Các lớp học nghề nông nghiệp thường chỉ kéo dài trong 2 tháng, số buổi thực hành gấp 2-3 lần số buổi học lý thuyết trên lớp. Có những buổi thực hành ngay tại lớp, có buổi học ngoài đồng hoặc tại gia đình của học viên. Các thầy cô giáo "cầm tay chỉ việc" từ việc đỡ đẻ cho gia súc, tới việc tiêm phòng, cách chăm sóc cây, con. Chính những buổi học thực tế đó đã giúp cho học viên tiếp thu bài nhanh hơn và áp dụng khoa học, kỹ thuật mới vào trồng trọt, chăn nuôi. Cô giáo Ngô Thị Thơ, giảng viên bộ môn chăn nuôi, thú y cho biết: Học viên đa phần là những người lớn tuổi hơn, có nhiều kinh nghiệm thực tế, nên trong buổi học, các học viên đặt rất nhiều câu hỏi, nếu chuyên môn không vững thì khó lòng làm cho học viên tin tưởng. Trong các buổi học, học viên và giáo viên được trao đổi thoải mái, các thầy cô giáo sẽ trả lời mọi khúc mắc của học viên về bài học. Thông qua đó, các thầy, cô giáo cũng học hỏi thêm những mô hình, kinh nghiệm hay của xã này để tuyên truyền cho các xã khác...

Ông Ngô Văn Trọng, nông dân nghèo ở thôn Tống Thượng, xã Quang Trung (Kinh Môn) có 6 sào ruộng thì hơn một nửa là ruộng trũng, cấy một vụ lúa bấp bênh, số còn lại trồng hành vụ đông. Ông cùng người em trai nhận thầu 7 sào đầm vừa thả cá vừa kết hợp chăn nuôi lợn để tăng thu nhập. Vốn ít nên việc đầu tư không nhiều, thêm vào đó dịch bệnh thường xuyên xảy ra, nên cái nghèo cứ đeo đuổi gia đình ông mãi. Đầu năm 2010, khi trung tâm về mở lớp dạy nghề nông nghiệp cho hội viên nông dân nghèo, ông Trọng hăng hái đăng ký đi học, bởi ông biết, kinh nghiệm của ông không thể cứu được đàn lợn, đàn gà bị dịch. Những bài học mới được ông về áp dụng ngay. Ông Trọng nuôi gà bao nhiêu năm rồi, nhưng cứ mùa gió đông về, gà bị chết hàng loạt ông cũng chỉ biết ngồi mà tiếc của. Nhưng từ ngày đi học, chỉ cần nhìn màu phân gà là ông có thể biết gà có bị bệnh hay không và bị bệnh gì. Ông cho biết: “Các thầy, cô giáo trẻ mà giỏi quá. Trước các cụ ta cứ phải chờ gà lớn rồi mới biết gà trống hay mái, nhưng giờ thầy, cô chỉ cho tôi biết gà trống hay mái ngay từ khi gà vừa nở”... Rồi cây hành của ông cũng lắm loại bệnh, phun bao nhiêu thuốc cây héo vẫn hoàn héo. Từ ngày được các thầy, cô hướng dẫn kỹ thuật từ lúc làm đất cho tới việc chọn giống cách gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ các loại bệnh. Các loại thuốc, tên thuốc toàn bằng tiếng nước ngoài, ông không hiểu nên đã ghi lại rất cẩn thận, để khi cần mang ra “tra cứu” ngay. Những người như ông Trọng đi học không mất tiền mà lại được nhiều quá đều mong có thêm nhiều lớp học nghề.

Ông Nguyễn Ngọc Tuyến, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm HND tỉnh cho biết: “Trong năm qua, trung tâm đã tổ chức được 51 lớp dạy nghề, trong đó, 14 lớp nghề phi nông nghiệp và 37 lớp học nghề nông nghiệp với hơn 1.530 học viên nông dân theo học và nhận được sự ủng hộ của các cấp hội và hội viên. Trong năm tới, trung tâm tiếp tục mở thêm 50 lớp dạy nghề ngay tại cơ sở trong đó có 36 lớp nghề nông nghiệp, phấn đấu đào tạo nghề cho trên 1.500 học viên, góp phần thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của tỉnh.

THANH HOA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân đi học