Nông dân Cẩm Giàng thắng lớn vụ cà rốt

08/04/2020 11:16

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong xúc tiến tiêu thụ cà rốt và những thuận lợi do yếu tố khách quan, người nông dân Cẩm Giàng đã có một vụ cà rốt bội thu.


Năm nay, người dân huyện Cẩm Giàng phấn khởi vì giá bán cà rốt tăng so với năm trước

Tiêu thụ dễ dàng

Huyện Cẩm Giàng có gần 490 ha cà rốt, tập trung ở các xã Đức Chính và Cẩm Văn. Là vùng cà rốt lớn của tỉnh với chất lượng tốt nên mỗi khi đến vụ thu hoạch, không chỉ thương lái trong tỉnh mà còn nhiều thương lái ngoài tỉnh và nước ngoài về đây thu mua mang đi tiêu thụ trong nước, xuất khẩu.

Năm nay, cà rốt Cẩm Giàng đầu vụ giá rẻ nhưng càng về sau giá lại càng tăng. Đầu vụ, giá bán cả 1 sào cà rốt chỉ từ 2-3 triệu đồng nhưng sau Tết tăng lên 5-6 triệu đồng và cuối vụ lên đến trên 10 triệu đồng. Năng suất cà rốt năm nay đạt khoảng 38 tấn/ha (tương đương năm trước), nhưng giá bán cao hơn từ 25-30%, người dân thu lãi 140 triệu đồng/ha, tăng 30 triệu đồng/ha.

So với những loại cây trồng khác, cà rốt có thể thu rải vụ nên người trồng không quá lo lắng về áp lực đầu ra. Người dân có thể chủ động điều chỉnh thời gian thu hoạch cho phù hợp. Gia đình chị Nguyễn Thị Duyên ở xã Đức Chính có 7 sào cà rốt trồng ở bãi ngoài. Khi cà rốt được thu hoạch nhưng giá thấp, chị không bán ngay mà hẹn thương lái đến sau Tết. "Tôi cũng lo lắng lắm vì không biết ngoài Tết giá bán thế nào nhưng vẫn cố chờ đợi. May mắn khi đó giá bán tăng mạnh. Với 7 sào cà rốt, tôi lãi trên 35 triệu đồng. Nhiều năm trồng cà rốt nhưng năm nay mới được giá bán cao như vậy", chị Duyên phấn khởi cho biết.

Năm nay, người thu mua cà rốt cũng vui mừng không kém bởi thị trường tiêu thụ dễ dàng. Từ sau Tết, Công ty CP Chế biến nông sản Tân Hương ở xã Cẩm Văn thu mua lượng cà rốt gấp 2-3 lần so với trước Tết. Số cà rốt này được công ty phân loại và xuất sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia... Anh Nguyễn Đức Mệnh, Giám đốc công ty cho biết: "Năm nay, cả vụ tôi thu mua được 11.000 tấn cà rốt, tăng 1.000 tấn so với năm trước. Trước đây, doanh nghiệp phải xuất khẩu qua đối tác là người Trung Quốc nhưng gần đây có thể xuất trực tiếp nên lợi nhuận cao hơn".

Nắm vững cơ hội

Khắc phục tình trạng "được mùa mất giá và mất mùa được giá" như nhiều loại cây trồng khác, ngay khi bắt đầu vụ cà rốt, huyện Cẩm Giàng đã chỉ đạo người dân tiếp tục duy trì và mở rộng sản xuất theo quy trình sạch, góp phần nâng cao chất lượng cây trồng, khẳng định giá trị trên thị trường. Năm nay, huyện có gần 49 ha cà rốt sản xuất theo quy trình VietGAP, trong đó xã Đức Chính gần 34 ha, còn lại ở xã Cẩm Văn.

Bên cạnh sản xuất, huyện chú trọng tiêu thụ sản phẩm cho người dân, coi đây là khâu quan trọng nhất trong nâng cao hiệu quả của cây trồng. Đây là năm đầu tiên UBND huyện Cẩm Giàng phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ cà rốt. Qua đó đã có nhiều doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh biết đến và tham gia tiêu thụ sản phẩm.

Ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện, thương lái Trung Quốc không sang thu mua, lãnh đạo xã Đức Chính không lo lắng mà nhận định đây sẽ là cơ hội để cà rốt của xã xuất trực tiếp ra thị trường nước ngoài. Xã chỉ đạo chủ các cơ sở thu mua phải nắm bắt thật tốt cơ hội này. Trong xuất khẩu không được gian dối mà nghiêm túc tuân thủ các quy định của phía đối tác về chất lượng, mẫu mã, sản lượng. "Chúng tôi yêu cầu người dân nghiêm túc giữ chữ tín để khách hàng tin tưởng và quay lại tiếp tục hợp tác. Có như vậy, những năm sau cà rốt Đức Chính không bị phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc", ông Vương Đức Dũng, Bí thư Đảng uỷ xã Đức Chính cho biết.

Vụ tới huyện Cẩm Giàng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mời gọi nhiều doanh nghiệp về thu mua cà rốt, giúp người dân yên tâm mở rộng sản xuất.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân Cẩm Giàng thắng lớn vụ cà rốt