Ngoài lương giáo viên thì chất lượng đội ngũ là vấn đề được các sở Giáo dục và Đào tạo quan tâm nhất.
Đại diện trường đại học đóng góp ý kiến cho dự thảo luật giáo dục đại học. Ảnh: Nghiêm Huê
Tại hội thảo góp ý hai dự thảo luật sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục Đại học (ĐH) và Luật Giáo dục dành cho các đơn vị khu vực miền núi phía Bắc, ngoài lương giáo viên thì chất lượng đội ngũ là vấn đề được các sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quan tâm nhất. Còn với các trường ĐH, điều băn khoăn nhất hiện nay đó là hội đồng trường.
Theo Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục lần này tập trung vào ba nội dung chính là điều chỉnh theo hướng mở, phân luồng và cụ thể hóa bằng các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.
Một trong những đề xuất sửa đổi lần này đó là nâng chuẩn giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng. Báo cáo của Vụ giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, hiện cả nước có 33/63 tỉnh thành có tỷ lệ giáo viên tiểu học trình độ CĐ đạt 90%, có 3 tỉnh ở mức thấp nhất cả nước là trên 60%. Tuy tỷ lệ chưa đạt chuẩn của các tỉnh không cao nhưng đạt như quy định của dự thảo luật không dễ, nhất là với các tỉnh khó khăn.
Ông Nguyễn Thế Bình, phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang cho biết việc nâng chuẩn giáo viên tiểu học là cần thiết. Tại Hà Giang, trình độ của giáo viên tiểu học vượt xa quy định cũ, với tỷ lệ vượt 70%. Tuy nhiên, Hà Giang có nhiều khó khăn hơn các vùng khác đó là vừa là tỉnh miền núi, vừa có biên giới, vừa có dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, nếu được thông qua, phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang đề nghị khi hướng dẫn, Bộ GD&ĐT cần có lộ trình để thực hiện.
Bà Trương Thị Yến, hiệu trưởng trường tiểu học Lãng Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang nêu lên thực tế khác đó là việc nâng chuẩn đối với đội ngũ giáo viên lớn tuổi rất khó khăn, vất vả. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần có lộ trình cho đội ngũ này.
Cũng liên quan đến chất lượng đội ngũ, đứng từ góc độ người sử dụng lao động, ông Nguyễn Văn Bông, Hiệu trưởng trường THPT Việt Yên số 2, Bắc Giang cho biết qua các đợt nhận giáo sinh về thực tập, nhận thấy chất lượng rất yếu. “Thậm chí có hiệu trưởng còn nói với tôi là không nhận giáo sinh thực tập. Tôi cũng rất trăn trở, làm thế nào để thu hút được học sinh học giỏi vào ngành sư phạm. Về lương thì dự thảo Luật sửa đổi đã đưa ra nhưng theo tôi nên quan tâm sâu hơn đến người học. Ở bậc THPT, nếu học sinh học giỏi, cam kết vào sư phạm thì miễn học phí cho các em” - ông Nguyễn Văn Bông đề xuất.
Xác định thực quyền cho Hội đồng trường
Đối với dự thảo Luật giáo dục ĐH, vấn đề được các trường quan tâm đó là xác định quyền lực thực sự cho các Hội đồng trường. Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết thực tế có hội đồng trường được thành lập nhưng không có thực quyền. Luật sửa đổi lần này sẽ phải giải quyết được vấn đề này. Đại diện của trường ĐH Nông lâm, ĐH Thái Nguyên cho rằng việc bổ nhiệm chủ tịch hội đồng trường nên giao về cho cơ quan quản lý có thẩm quyền.
“Bộ GD&ĐT công nhận cũng tốt nhưng theo tôi nên giao cho cấp quản lý có thẩm quyền. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ nên ban hành những tiêu chí giám sát, kiểm tra thực hiện các tiêu chuẩn” - đại diện của ĐH Nông lâm đề xuất. Vị đại diện này cũng cho rằng hội đồng trường trong dự thảo vai trò rất lớn, quan trọng. Nhưng nên để các thành viên ngoài trường chiếm khoảng 20% thành viên trong Hội đồng trường.
Ông Nguyễn Bá Đức, hiệu trưởng ĐH Tân Trào cũng đặt câu hỏi làm thế nào để hội đồng trường có thực quyền? Sửa điều này trong Luật Giáo dục ĐH là điều đáng mừng. “Tuy nhiên, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung quy định 8 nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường nhưng chủ yếu theo giai đoạn hàng năm, hoặc 5 năm. Như vậy hoạt động này không thường xuyên. Còn giám sát lại trùng với nhiệm vụ của thanh tra nhân dân. Thứ hai, dự thảo cũng quy định bộ máy giúp việc trong hội đồng trường được quy định trong quy định của hội đồng trường. Vậy thêm bộ máy nữa trong điều kiện đang cần giảm biên chế hiện nay có hợp lý không? Rồi dự thảo quy định hàng năm hội đồng trường họp định kỳ 3 tháng/lần. Vậy nội dung họp là gì?...” - ông Nguyễn Bá Đức nêu lên một loạt vấn đề cần ban soạn thảo giải thích. Mặt khác, ông Đức cho rằng quy định phải có sinh viên tham gia hội đồng trường là điều không cần thiết và sinh viên không thể tham gia được hội đồng trường. Sinh viên có thể nói lên tiếng nói của mình ở rất nhiều quy định khác.
Trong khi đó, đại diện một trường ĐH thuộc Bộ Công thương cho biết đến nay, chưa có trường ĐH nào thuộc bộ có chủ tịch hội đồng trường. Vị đại diện này đề xuất chủ tịch Hội đồng trường phải nằm ngoài trường. Còn nếu đưa bất kỳ ai trong trường lên làm chủ tịch thì chắc chắn, quyền lực sẽ không qua được hiệu trưởng. Mô hình hội đồng trường đối với trường công phải như mô hình hội đồng quản trị của các trường ngoài công lập thì mới phát huy được hết vai trò mà xã hội kỳ vọng.
NGHIÊM HUÊ (Tiền phong)