Châu Á nói chung và biển Đông nói riêng tuần này tiếp tục là điểm “nóng” nhất của thế giới với cuộc đua vũ khí, tàu chiến quyết liệt của các cường quốc hàng đầu.
Trung Quốc “nổ” phát súng đầu tiên
Trung Quốc là nước “nổ” phát súng đầu tiên khơi mào cho cuộc đua vũ khí ở biển Đông tuần này. Ngay trong ngày đầu tuần, tờ Chinapost đưa tin, Trung Quốc đang triển khai một loạt máy bay chiến đấu và tên lửa đất đối không đến một căn cứ không quân mới của nước này. Đây là nơi mà các vũ khí của Trung Quốc có thể “bao trọn” Taipei và các hòn đảo tranh chấp trên biển Đông. Động thái này đã khiến cho căng thẳng ở biển Đông leo thang thêm một bước nữa.
Theo tin từ Chinapost cho biết hôm 26-5, những vũ khí được triển khai đến gần biển Đông gồm chiến đấu cơ Jian 10, Sukhoi Su-30; các máy bay tấn công không người lái và một loạt hệ thống phòng không hiện đại S-300. Vị trí mà Trung Quốc đang triển khai vũ khí tới là Căn cứ Không quân Shuimen. Căn cứ này đang được xây dựng ở độ cao 364m trên mực nước biển. Nó tọa lạc trên một quả đồi được san phẳng ở khu vực phía bắc tỉnh duyên hải miền đông Phúc Kiến. Đây là khu vực có thể giám sát biển Đông.
Giới chuyên gia quân sự tin rằng, kế hoạch triển khai một loạt chiến đấu cơ, tên lửa nói trên của Trung Quốc nhằm vào Vùng lãnh thổ (VLT) Đài Loan thì ít mà phần nhiều là để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các lực lượng nước này trong trường hợp xảy ra xung đột ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Ngoài kế hoạch trên, trong ngày cuối cùng của tháng 5, Trung Quốc còn tung tin, nước này sắp trình làng một tàu tấn công đổ bộ “khủng” có lượng giãn nước lên tới 22.000 tấn. Một số chuyên gia quân sự tin rằng, tàu chiến mới của Trung Quốc có thể tạo ra một sự “thay đổi chiến lược” ở biển Đông.
Tàu tấn công đổ bộ Type 081 có chiều dài 211m, lượng giãn nước 22.000 tấn và đạt vấn tốc tối đa khoảng 43 km/h. Tàu Type 081 có thể mang theo 8 trực thăng trên boong cùng với 4 trực thăng và tàu đệm không khí trong nhà chứa máy bay. Tàu chiến mới của Trung Quốc có khả năng chở 1.068 lính thủy đánh bộ. Hệ thống vũ khí của tàu gồm hệ thống radar nhiều tầng, 4 tên lửa phòng không tầm ngắn và những vũ khí chồng tàu ngầm. Tầm hoạt động của tàu tấn công đổ bộ Type 081 được ước tính là vào khoảng 13.000km, với khả năng tác chiến trên biển liên tục trong 30 ngày.
Dự kiến, Hải quân Trung Quốc sẽ đón nhận chiếc tàu Type 081 đầu tiên vào đầu năm 2014. Một số nguồn tin tiết lộ, Hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) có kế hoạch mua 3 chiếc tàu chiến loại này để phục vụ cho hoạt động của họ trên biển. Giới chuyên gia quân sự VLT Đài Loan nhận định, tàu chiến Type 081 có thể làm thay đổi “cuộc chơi” trong bất kỳ chiến dịch tấn công đổ bộ nào vào vùng lãnh thổ này cũng như các đối thủ khác của Trung Quốc ở biển Đông.
Mỹ, Nhật bủa vây Trung Quốc?
Cuộc “đua” vũ khí ở khu vực châu Á nóng bỏng với sự góp mặt của cả Mỹ và Nhật Bản. Hôm 30-5, Mỹ đã khởi động một cuộc tập trận hải quân chung với Indonesia. Cuộc tập trận chung Mỹ-Indonesia sẽ kéo dài 8 ngày với mục đích củng cố mối quan hệ quân sự song phương, đồng thời tăng cường tính chuyên nghiệp trong các hoạt động của hải quân hai nước. Hải quân Mỹ đã cử 830 lính thuỷ đánh bộ cùng với 3 tàu chiến gồm USS Germantown (LSD-42), USS Vandegrift (FFG-48) và USCG Waesche đến tham gia cuộc tập trận mang tên Phối hợp Sẵn sàng chiến đấu và Huấn luyện trên biển (CARAT) này.
Trong khi đó, Hải quân Indonesia điều động 3 tàu quân sự gồm KRI Diponegoro- 365, KRI Banjarmasin-592 và KRI Sutedi Senoputra-378, cùng với một loạt trực thăng và máy bay do thám hải quân đến tập trận chung với Mỹ. Hải quân Indonesia còn triển khai khoảng 1.244 lính thuỷ đánh bộ trong cuộc tập trận CARAT.
Chưa hết, hôm 2-6, Mỹ lại khiến Trung Quốc “giật mình thon thót” khi thông báo một động thái quân sự gây sốc. Theo đó, Lầu Năm Góc sẽ triển khai 60% hạm đội tàu chiến hùng hậu của nước này đến châu Á-Thái Bình Dương trong vài năm tới. Dự kiến, vào năm 2020, sẽ có khoảng 150 tàu chiến Mỹ đóng tại khu vực. Đây là một phần trong chiến lược tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở châu Á. Hải quân Mỹ cũng sẽ tiếp tục duy trì hơn một nửa trong số tàu sân bay khổng lồ của Mỹ ở Thái Bình Dương. Hiện tại, đang có 6 trong số 11 tàu sân bay hùng mạnh của Mỹ đang làm nhiệm vụ ở châu Á.
Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang cân nhắc khả năng triển khai một loạt tàu khu trục Aegis tối tân của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải đến vùng biển quốc tế ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Đây là khu vực nằm ngay cửa ngõ Trung Quốc.
Với những tàu chiến trên, Nhật Bản có thể tăng cường sự hiện diện của họ ở vùng biển gần Triều Tiên và Trung Quốc. Những tàu chiến được Tokyo dự định điều động đến gần bán đảo Triều Tiên được trang bị những hệ thống radar tối tân có tầm hoạt động lên tới 1.000km. Điều này đồng nghĩa với việc, Nhật Bản có thể dễ dàng giám sát hoạt động huấn luyện liên quan đến tên lửa ở các căn cứ quân sự trên bờ biển phía đông Trung Quốc cũng như hoạt động đào tạo lực lượng không quân nước này.
Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (MSDF) khẳng định, tàu của họ đến khu vực chỉ để thu thập thông tin tình báo. Tuy nhiên, lời khẳng định này chẳng thể khiến Trung Quốc an lòng. Rõ ràng, Bắc Kinh không thể không quan ngại khi ngay cửa ngõ họ xuất hiện một loạt tàu khu trục được trang bị hệ thống chiến đấu tối tân.