Nơi tri ân công lao người khởi dựng nền tự chủ đất nước

28/04/2015 10:33

Anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ là người khởi dựng nền tự chủ của đất nước, chấm dứt gần một nghìn năm Bắc thuộc.




Đền thờ Khúc Thừa Dụ được xây dựng trên khuôn viên đất cao, rộng thoáng, nhìn ra sông Luộc


Đền thờ ông ở xã Kiến Quốc (Ninh Giang) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Xây dựng chính quyền tự chủ

Cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X, nhà Đường (Trung Quốc) suy yếu, các thế lực cát cứ nổi lên đánh giết lẫn nhau. Ở An Nam, Độc Cô Tổn cai quản không cùng phe với Chu Ôn nên bị Chu Ôn dời ra đảo Hải Nam và giết chết. Do đó An Nam tạm thời không có người của nhà Đường cai trị.

Khúc Thừa Dụ (KTD) khi đó là Hào trưởng đất Hồng Châu đã tận dụng cơ hội này để dấy binh tụ nghĩa, được dân chúng ủng hộ. Ông đã tiến quân ra chiếm đóng phủ thành Đại La (Hà Nội ngày nay), tự xưng là Tiết độ sứ. Sau khi đã nắm quyền lực, ông cho xây dựng chính quyền dựa trên danh xưng của chính quyền đô hộ nhà Đường, nhưng thực chất là một chính quyền độc lập do người Việt quản lý. Ông khéo léo dùng danh nghĩa "xin mệnh nhà Đường" buộc triều đình nhà Đường phải công nhận chính quyền của ông. Ngày 7-2-906, vua Đường đã phong thêm cho Tiết độ sứ KTD tước Đồng bình chương sự (tức là đại thần cực phẩm, được cùng ngồi bàn việc quốc quân trọng sự). Sau đó, KTD phong cho con là Khúc Hạo chức vụ Tĩnh Hải hành quân tư mã quyền tri lưu hậu, có quyền chỉ huy quân đội và sẽ kế vị quyền Tiết độ sứ.

KTD được xem là người mở đầu cho chính sách ngoại giao khôn khéo của người Việt đối với triều đình phương Bắc là "độc lập thật sự, thần thuộc trên danh nghĩa". Tuy chính quyền vẫn còn mang danh nghĩa của nhà Đường, nhưng về thực chất, KTD đã xây dựng một chính quyền tự chủ, kết thúc ách thống trị gần 1.000 năm của phong kiến phương Bắc. Ngày 23-7-907, KTD mất.

Khúc Hạo thay cha đúng vào thời kỳ nhà Hậu Lương vừa thay thế nhà Đường (năm 907). Ông đã khôn khéo cho một phái bộ sang nhà Lương để giữ yên ổn phương Bắc, tập trung vào sửa sang chính sự nội trị, với mục tiêu cải thiện đời sống dân sinh. Ông đã sai con là Khúc Thừa Mỹ tới Quảng Châu làm Hoan hảo sứ để kết hiếu, thực chất là thăm dò tình hình chính quyền phương Bắc. Ngoài cải cách hành chính, kinh tế, xã hội như chia nước ta thành lộ, phủ, châu, giáp, xã, cho sửa lại chế độ điền tô, thuế và lực dịch… Khúc Hạo quan tâm tới quốc phòng, chú ý gìn giữ biên thuỳ. Ông biết lấy tình cảm để thu phục các hào trưởng miền biên viễn và xây dựng lực lượng bảo vệ đô thành, phòng thủ đất nước.

Đầu năm 917, Lưu Cung lên ngôi hoàng đế Nam Hán. Khúc Hạo đã sai con trai Khúc Thừa Mỹ và Ngô Mân mang lễ vật sang mừng để kết tình bang giao. Cuối năm ấy, Khúc Hạo qua đời, người con trai là Khúc Thừa Mỹ nối ngôi, cai quản đất nước. Biết Lưu Cung tham vọng lớn, có dã tâm tráo trở, Khúc Thừa Mỹ đã đề phòng. Tháng 10 năm Canh Dần 930, Nam Hán đem quân tiến đánh nước ta. Thế giặc quá mạnh, Khúc Thừa Mỹ không chống cự được, ông bị giặc bắt, giải về Quảng Châu.  Qua 1/4 thế kỷ xây dựng nền độc lập do dòng họ Khúc mở đầu đã hun đúc ý chí tự lực tự cường, chiến đấu giành độc lập dân tộc của các thế hệ người Việt sau này. Nhân dân tôn vinh KTD là Khúc tiên chúa.

Di tích lịch sử cấp quốc gia

Tháng 7-1999, khi nạo vét hồ sen trước cửa đình Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, nhân dân địa phương tình cờ tìm thấy một số viên gạch, ngói có chữ Hán và một số cột lim dưới lòng hồ. Tháng 9-1999, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức khai quật lòng hồ sen, phát hiện hàng nghìn mảnh gốm, ngói, gạch, đá và 18 đoạn gỗ có đường kính trung bình 20 cm. Trong đó có 5 mảnh ngói có chữ Hán là “Khúc Miếu”. Những hiện vật có niên đại cuối thế kỷ thứ X cho phép kết luận nơi đây đã từng tồn tại công trình kiến trúc thuộc về dòng họ Khúc, trong đó “Khúc Miếu” tức đền thờ họ Khúc hoặc đền thờ KTD. Tháng 7-2003, thông qua buổi tọa đàm “KTD và quê hương Cúc Bồ” với sự có mặt của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, nghiên cứu của Cục Di sản văn hóa, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Hán Nôm…đã xác định, nơi đây là quê hương dòng họ Khúc. Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm đúng mức để tôn vinh công lao của KTD nói riêng và dòng họ Khúc nói chung tại thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc.
Năm 2004, tỉnh đã đầu tư xây dựng đền thờ KTD. Năm 2009, đền thờ được khánh thành, thờ KTD, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ.

Đền thờ KTD được xây dựng trên đất cao, rộng thoáng, mặt trước nhìn ra sông Luộc. Chính điện và các hạng mục được bố cục đăng đối trên trục thần đạo theo hướng bắc nam. Công trình có diện tích 1,5 ha, nằm cạnh đình Cúc Bồ, nơi phối thờ KTD từ trước và được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1998. Từ ngoài vào đền thờ KTD là các công trình: nghi môn ngoại được làm kiểu tứ trụ, bằng đá xanh với hoa văn và con giống truyền thống, tiếp đến là cầu đá, sân hội, hồ sen, hai giếng mắt rồng, nhà bia phương đình 8 mái, 10 tượng linh thú, hai bức phù điêu bằng đá phiến lớn. Sau đó là nghi môn nội, nhà tả vu, hữu vu, sân lễ, đền chính có kiến trúc chữ Công, 5 gian tiền tế, 3 gian trung từ và 5 gian hậu cung. Toàn bộ ngôi đền được dựng trên bệ đá 9 bậc, xây theo phong cách cổ truyền, đầu đao déo cong các góc, mái chảy mềm mại hài hòa tạo vẻ đẹp mỹ thuật bốn phía như nhau. Chất liệu chịu lực của mái đền là cột gỗ lim đặt trên chân đá tảng vuông thót đáy. Các vì kèo có kiến trúc giống nhau kiểu chồng rường. Các con rường, bảy hiên, xà nách, đầu dư…được chạm khắc tinh xảo, theo phong cách nghệ thuật thời hậu Lê. Hậu cung là không gian thiêng đặt 3 pho tượng thờ tiên chúa KTD, trung chúa Khúc Hạo và hậu chúa Khúc Thừa Mỹ. Phía sau đền là khu đất cao với ý nghĩa gối sơn đạp thủy, cùng nhiều cây cảnh, cây ăn quả, cây cổ thụ tạo nên khu đền thờ hoành tráng, uy linh.

Cùng với đền thờ KTD, xã Kiến Quốc còn có đình Cúc Bồ, thờ Thành hoàng Dương Quý Hiển và phối thờ KTD, miếu thờ Khúc Hạo, đền thờ Khúc Thị Ngọc (Quỳnh Hoa công chúa - con gái KTD). Hằng năm, lễ hội đình Cúc Bồ được tổ chức lớn nhất vào hai kỳ: ngày 14-16 tháng giêng và lễ kỷ niệm ngày mất của KTD (23-7 âm lịch). Ngày 8-7-2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định công nhận đền thờ KTD là di tích lịch sử quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của xã Kiến Quốc mà của cả nhân dân trong tỉnh.                                                                                     

BÙI QUANG TRIỆU, Phó Trưởng Ban Quản lý đền thờ Khúc Thừa Dụ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nơi tri ân công lao người khởi dựng nền tự chủ đất nước