Cảm hứng thơ ca bắt đầu từ mái trường, hình ảnh người thầy hay tình cảm yêu thương sâu nặng của thầy trò xưa nay thật phong phú, thậm chí nó chan chứa và đầy ắp, cứ dạt dào như nước trong nguồn chưa bao giờ vơi cạn.
Cảm hứng thơ ca bắt đầu từ mái trường, hình ảnh người thầy hay tình cảm yêu thương sâu nặng của thầy trò xưa nay thật phong phú, thậm chí nó chan chứa và đầy ắp, cứ dạt dào như nước trong nguồn chưa bao giờ vơi cạn. Thơ về thầy giáo và nhà trường nhờ đó ngày càng được bổ sung, khắc họa sâu sắc hơn qua thời gian. Tuy vậy, để tìm một tiếng nói mới, một thi tứ độc đáo làm nổi bật được vẻ đẹp riêng về đề tài này quả là điều không dễ. May thay, giữa rừng hoa bạt ngàn hương sắc thi ca về nghề dạy học, tôi đã bắt gặp được nỗi niềm suy tư sâu lắng và nhiều trăn trở của một thầy giáo qua bài thơ Sau giờ giảng. Bài thơ không chỉ là nỗi niềm riêng của một tâm hồn người thầy mà là cảm xúc chung của mỗi chúng ta trước những đổi thay, hội nhập của nền giáo dục nước nhà hiện nay.
Thường người thầy tâm huyết với nghề, trước mỗi bài giảng bao giờ cũng là một chuỗi lo toan và chuẩn bị chu đáo để cho tiết dạy của mình được học trò cảm nhận sâu sắc, từ đó thực hành để vận dụng vào đời. Với các môn khoa học xã hội, nhất là các tiết giảng văn chương, bài giảng hay là cả một kỳ công của nhà giáo. Bốn câu thơ mở đầu là một sự trăn trở đầy trách nhiệm sau khi người thầy suy tư lại bài giảng của mình với biết bao điều bâng khuâng không dễ nói thành lời:
Trên bảng đen, những nét phấn vô tình
Có ngân nổi lời nước non sâu thẳm
Ta cằn cỗi và ta xơ cứng
Hay văn chương chưa đồng vọng với đời
Giảng cho học trò xong, nhìn trên bảng lại bắt gặp cái "nét phấn vô tình" của chính mình thì còn gì đau đớn hơn! Tôi nghĩ đây là một sự phản tỉnh, một sự tự ý thức của bản thân tác giả hay đó chính là nỗi niềm của cả một thế hệ học vẹt, học "xơ cứng" một thời. Vừa khẳng định sự sai lầm chính mình, vừa như hỏi để tìm ra chân lý về một phương pháp dạy tối ưu sao cho hiệu quả. "Cằn cỗi và xơ cứng" là một sự thật, còn văn chương đồng vọng với cuộc đời hay không lại là chuyện khác. "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", tâm trạng người thầy trong đoạn thơ đầu của Sau giờ giảng nhờ thế thật đáng quý làm sao!
Nhận thức lại chính mình chính là khát vọng vươn lên để tìm kiếm những điều tốt đẹp, cao quý hơn. Ở đây, tác giả đã dám mạnh dạn nhận thức rõ một thời ta dạy học chỉ là thầy đọc - trò ghi trì trệ, lỗi thời khiến cho nền giáo dục nước nhà chậm tiến. Đó là cách dạy học của mấy ngàn năm phong kiến mãi trói buộc con người làm cho học trò thiếu tính sáng tạo, thiếu kỹ năng vận dụng và vượt thoát khỏi cái bóng của thầy. Không giấu nỗi lòng mình, nhà thơ Giang Biên cứ thế bộc bạch:
Thầy đọc, trò ghi, trì trệ một thời
Như chim nhồi rơm, như thân bướm ép
Thầy ra lớp, học trò gấp sách
Khoảng cách nhân văn cứ bước xa dần
Phép liệt kê với biết bao cái "tồi tệ" một thời được tác giả đưa ra để minh chứng cho phương pháp dạy học lạc hậu. Hình tượng "Như chim nhồi rơm, như thân bướm ép" quả rất giàu sức gợi. Chim nhồi rơm, thân bướm ép là cách học giả tạo, không có sự sống. Cách học nhồi nhét, thầy đọc trò ghi chính là tạo ra một thế hệ chỉ có cái mớ lý thuyết vào đời mà thiếu sự sáng tạo, thực hành. "Thân bướm ép" cũng thế, nó là cái xác đã khô, nó không có linh hồn, nó đã chết và trở nên vô nghĩa dù hình hài vẫn còn hầu như nguyên vẹn. Dạy học đâu phải chỉ ghi chép mà người thầy phải truyền lửa vào tâm hồn tuổi thơ, khơi gợi cho các em tình yêu văn chương đích thực để rồi từ đó bồi đắp tình yêu thương, nâng cao tính nhân văn qua mỗi bài giảng. Dạy học kiểu nhồi nhét, ép uổng, ghi chép thụ động kia chính là cách giết chết tính nhân văn nhanh nhất vậy. "Thầy ra lớp, học trò gấp sách", bài giảng tan vào mây khói là hiện thực dạy học suốt một thời gian dài ở đất nước ta mà ngày nay đâu đó vẫn còn vẹn nguyên qua những bài giảng "hững hờ"!
Khổ thơ cuối bài được tác giả mở ra với hai không gian đối lập nhau. Một không gian của biển trời cao xanh mênh mang bên ngoài cửa sổ như là hiện thân của cuộc đời rộng mở thênh thang. Các từ láy "mênh mang", "rời rợi" càng tăng thêm cái sinh khí dạt dào, sống động của sự hiện hữu vô cùng mà tạo hóa mang đến trong cõi nhân sinh. Ngược lại, hình ảnh bài thơ và trang giấy trắng nằm bất động trên giảng đường sao mà xót xa đến thế! Bởi lẽ nó nói được gì đâu trước vô tận cuộc đời. Chính sự khô khan, cứng nhắc của người thầy đã không thổi được vẻ đẹp và sự thi vị của những áng văn chương ấy vào tâm hồn các em nên trở thành hờ hững, vô cảm như cái xác không hồn đến tội nghiệp:
Biển và trời bên cửa sổ mênh mang
Rời rợi xanh ập òa muôn đợt sóng
Bài thơ ngủ yên và trang giấy trắng
Thao thức không nguôi trước bài giảng hững hờ...
Nỗi "Thao thức không nguôi trước bài giảng hững hờ" là câu thơ thật hay đã gói ghém được tư tưởng của tác giả về nghề, về đời, về những suy tư thật trong sáng, chân thành trước những gượng ép, võ đoán. Từ một bài giảng văn chương không đến được với học trò, không gợi được cho các em tình yêu văn học, không đánh thức được cảm xúc nhân văn lấp lánh thẳm sâu ở mỗi hồn người, nhà thơ Giang Biên đã bộc lộ một niềm cảm khái, một cảm xúc đầy suy tư, trăn trở về nghề dạy học thật cảm động và sâu lắng. Phải chăng đó cũng là tín hiệu thẩm mỹ cho những người thầy đang dạy học ngày nay, nhất là giai đoạn đất nước ta đang tiến hành đổi mới căn bản toàn diện giáo dục để hội nhập sâu hơn với nền giáo dục toàn cầu.
LÊ THÀNH VĂN
Sau giờ giảng Trên bảng đen, những nét phấn vô tìnhCó ngân nổi lời nước non sâu thẳm Ta cằn cỗi và ta xơ cứng Hay văn chương chưa đồng vọng với đời Thầy đọc, trò ghi, trì trệ một thời Như chim nhồi rơm, như thân bướm ép Thầy ra lớp, học trò gấp sách Khoảng cách nhân văn cứ bước xa dần Biển và trời bên cửa sổ mênh mang Rời rợi xanh ập òa muôn đợt sóng Bài thơ ngủ yên và trang giấy trắng Thao thức không nguôi trước bài giảng hững hờ... GIANG BIÊN |