Thủ tướng Chính phủ đã chính thức nêu rõ yêu cầu nâng mức tăng trưởng tín dụng năm nay từ dự kiến khoảng 18% ban đầu lên 21-22%.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Và cũng theo thông tin đưa ra tại buổi họp báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 30/8, tính đến ngày 21/8, tín dụng đối với nền kinh tế đã tăng 10,06% so với tháng 12/2016. Mặc dù đạt mức cao nhất cùng kỳ những năm gần đây nhưng so với định hướng 21-22% nói trên, tăng trưởng tín dụng qua 8 tháng mới chỉ thực hiện được một nửa.
Như vậy, 4 tháng còn lại, hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ phải dồn tăng nguồn tiền cho vay ít nhất bằng tốc độ của cả 8 tháng qua.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Đề phòng tăng trưởng nóng
Ngân hàng Nhà nước vừa sớm phát tín hiệu ra thị trường khi đưa dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 36 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo quy định hiện nay thì đến 1/1/2018, các tổ chức tín dụng phải giảm tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn xuống còn 40%, sau khi đã thực hiện giảm giới hạn từ 60% xuống 50% từ đầu năm 2017. Nhưng theo dự thảo trên, việc giảm giới hạn sẽ được giãn ra trong hai năm. Cụ thể, giảm từ 50% xuống 45% từ đầu năm 2018, sau đó tiếp tục giảm xuống 40% từ năm 2019.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước giải thích, việc điều chỉnh này nhằm góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay của Chính phủ. “Việc điều chỉnh giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giúp các ngân hàng có thêm thời gian để cơ cấu lại nguồn vốn huy động cũng như nắn dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất mang tính trung và dài hạn,” Ngân hàng Nhà nước giải thích.
Các chuyên gia Công ty Chứng khoán Sài Gòn (HSC) nhận định: “Ngân hàng Nhà nước có lẽ đã nhận ra rằng mục tiêu điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 50% xuống 40% trước cuối năm nay là khó khả thi.”
Thực tế, tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017 diễn ra cuối tháng Năm vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, hiện vốn trung dài hạn chỉ chiếm 13%-15% tổng huy động trong khi cho vay trung dài hạn lại chiếm tới 53%-55% tổng cho vay.
Tín dụng hiện tăng 10,06% so với đầu năm, do đó dư địa tăng trưởng còn rất lớn. Các chuyên gia lo ngại việc bơm lượng vốn lớn cấp tập để đạt mức tăng trưởng 21%-22% sẽ dẫn đến rủi ro lạm phát và nợ xấu, đặc biệt dòng tiền có thể sẽ chảy vào chứng khoán và bất động sản.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, việc đẩy tăng trưởng tín dụng lên cao sẽ cần huy động thêm một nguồn tiền lớn, nếu vậy lãi suất sẽ khó giảm và chưa chắc đã tạo nên được tác dụng tăng tổng cầu an toàn, thậm chí có thể dẫn đến lạm phát cao hơn trong những năm tiếp theo. Do đó chuyên gia đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc, tính toán thận trọng.
Dù vậy, với mức tăng trưởng như hiện nay, theo đánh giá của tiến sỹ Nguyễn Thị Mùi, mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 21-22% cũng dễ đạt được. Tuy nhiên, theo bà Mùi, tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với chất lượng tăng trưởng. Bà Mùi cũng đặt câu hỏi, tăng trưởng vào đâu để hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế vì trên thực tế, tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm vẫn tăng khá chậm.
Điều này cũng đã được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng không nên quá lo lắng bởi hiện Ngân hàng Nhà nước đang kiểm soát rất chặt dư nợ tín dụng các lĩnh vực thông qua việc liên tục yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo số liệu. Ngay cả với lĩnh vực ưu tiên là gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao, cũng không có chuyện ồ ạt cho vay bằng mọi giá.
Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã liên tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng bảo đảm cân đối nguồn vốn, kiểm soát dòng vốn đi đúng hướng vào lĩnh vực kinh doanh và kiểm soát chặt dòng tiền để tránh đi vào những lĩnh vực rủi ro cao, như bất động sản, dự án BOT.
Theo TTXVN