Theo thể thao chuyên nghiệp, chị em phụ nữ phải chịu nhiều khó khăn, vất vả, thiệt thòi, đòi hỏi sự hy sinh hơn nhiều so với nam giới.
Các nữ vận động viên cử tạ không còn thân hình mảnh mai
Hy sinh vóc dáng mảnh maiLà phụ nữ, ai cũng coi trọng "nhất dáng, nhì da" nhưng những vận động viên (VĐV) nữ tập thể thao chuyên nghiệp đành phải chấp nhận hy sinh điều này. Những bài tập thể lực chung, kỹ thuật đã làm cho vóc dáng bình thường của người phụ nữ không còn nữa, hầu hết các VĐV nữ đều có cơ bắp phát triển, nở nang không kém gì VĐV nam. VĐV môn đua thuyền rowing (rô-inh) Nguyễn Thị Hựu chia sẻ: "Chúng em cũng mong muốn có một body (thân hình) thon gọn, mềm mại nhưng từ khi tập luyện thể thao, thân hình em trở nên cơ bắp. Không kể mùa đông hay mùa hè, nắng hay mưa, chúng em luôn phải tập luyện dưới nước. Nhiều hôm trời nắng nóng 38 - 40 độ C nhưng chúng em vẫn phải tập luyện. Trên thì mặt trời thiêu đốt, dưới thì hơi nước bốc lên nóng rực làm làn da của chúng em đen sạm, không còn được trắng trẻo như trước đây".
Không chỉ bị mất đi thân hình duyên dáng, yểu điệu, nhiều VĐV nữ theo tập một số môn thể thao nặng còn có dáng người cồng kềnh quá khổ. Nhất là ở môn cử tạ, các VĐV nữ đều có cơ bắp phát triển hơn so với các môn khác, đùi to, hông to, bàn tay chai sạn, thô ráp vì hằng ngày các chị phải nâng cả chục tấn tạ. Đặc biệt, một số VĐV nữ thi đấu ở hạng siêu trọng (trên 75 kg) cần giữ ổn định cân nặng nên chế độ dinh dưỡng cao gấp đôi so với VĐV bình thường. Do đó, cơ thể VĐV tập ở hạng cân này thường rất "bự". Trước khi vào đội cử tạ, VĐV Nguyễn Thị Ngân mới nặng 70 kg nhưng sau 7 năm luyện tập, hiện cô nặng gần 100 kg.
Cũng do công việc tập luyện nặng nhọc, bận rộn nên hầu hết các VĐV nữ không có thời gian làm đẹp. Mặc dù các VĐV nữ trưởng thành đều có bộ đồ trang điểm, áo dài nhưng may ra một năm, các chị chỉ có cơ hội diện một, hai lần, có năm không. VĐV bóng chuyền Cao Thị Hồng (19 tuổi) chia sẻ: "Từ ngày vào đội đến nay, mặc dù chúng em cũng chịu khó mua sắm quần áo thời trang nhưng ít có điều kiện để mặc. Nhiều bộ em mua về nhưng không mặc một lần nào. Khi đi ra ngoài, thấy các bạn nữ cùng trang lứa ăn mặc hợp thời trang, chúng em cũng rất thích được diện như vậy, nhưng do vóc dáng không còn mềm mại, thon gọn nên đành chịu. Chúng em hầu như không dám làm tóc, sơn vẽ móng tay, móng chân vì hoạt động nặng liên tục cũng không giữ được".
Bên cạnh đó, trong quá trình tập luyện, thi đấu, VĐV nữ còn phải đối mặt với nhiều nỗi vất vả, thiếu thốn về tình cảm, sự chăm sóc của gia đình, người thân, gặp chấn thương, ít được vui chơi, giải trí...
Những niềm vuiKhi theo thể thao chuyên nghiệp, các VĐV nữ đều xác định "sinh nghề tử nghiệp" nên họ đều dành hết tâm trí cho việc tập luyện và thi đấu. Niềm hạnh phúc lớn nhất của mỗi VĐV là nâng cao thành tích và gặt hái nhiều huy chương. VĐV môn cử tạ Nguyễn Thị Ngân cho biết: "Mỗi giai đoạn tập luyện, khi thành tích tiến bộ, em rất vui sướng vì đã vượt lên chính mình. Để có thành tích tốt, mỗi buổi tập, em đều tập trung cao độ, kiên trì thực hiện các động tác đúng kỹ thuật. Vào đội từ năm 2007 đến nay, em đã giành được 3 huy chương vàng tại giải vô địch trẻ toàn quốc và nhiều huy chương bạc, đồng ở giải vô địch toàn quốc.
Để vượt lên khó khăn, các VĐV nữ trong mỗi đội luôn đoàn kết, gắn bó, chia sẻ những lúc khó khăn và cùng nhau chung hưởng niềm vui. Bằng sự nỗ lực tập luyện, thi đấu, những năm qua, VĐV Nguyễn Thị Hựu đã mang về nhiều huy chương vàng ở giải quốc gia, khu vực. Đặc biệt, cô đã giành tấm huy chương bạc ở Đại hội Thể thao châu Á (Asiad) năm 2010. VĐV Nguyễn Thị Hựu cho biết: "Theo thể thao chuyên nghiệp, ngoài những thiệt thòi, chúng em cũng có cơ may được đi đến nhiều nơi trong nước và quốc tế như: Úc, Trung Quốc, Thái Lan, Xinh-ga-po, In-đô-nê-xi-a... Mỗi lần đi, chúng em có thêm hiểu biết về lịch sử, văn hóa, con người nơi đó. Được va chạm, tiếp xúc với nhiều người, chúng em có điều kiện tích lũy thêm kinh nghiệm, vốn sống cho mình và có thêm nhiều bạn bè".
Tiếp xúc với nhiều VĐV nữ, tuy thấy dáng vẻ các chị có phần hơi "cứng", nhưng chúng tôi vẫn bị cuốn hút bởi vẻ vui tươi, duyên dáng và đầy nhiệt huyết. Tự bù đắp những thiệt thòi cho mình, các chị không chỉ chú tâm tập luyện, thi đấu, mà còn tranh thủ học hỏi việc nội trợ, làm tròn thiên chức làm vợ, làm mẹ. Anh Nguyễn Xuân Long, Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển cử tạ tỉnh cho biết: "Ngoài công việc chuyên môn, Ban huấn luyện thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể, hướng dẫn những kỹ năng sống cho VĐV nữ. Ngày nghỉ, VĐV nữ chưa có gia đình thường tập trung nhau học cách nấu những món phổ thông, dân dã và tập nấu một số món ngon từng được thưởng thức ở địa phương khác. Nhờ vậy, nhiều VĐV nữ rất khéo léo trong việc nội trợ và tinh tế trong cuộc sống".
Thời gian qua, để động viên các VĐV nữ yên tâm tập luyện, thi đấu, ngoài những chế độ bình thường, vào Ngày Quốc tế phụ nữ 8 - 3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20 - 10, các trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao tỉnh cùng các đội tuyển đều có những hoạt động ý nghĩa động viên chị em. Thời gian tới, tỉnh cần có những ưu đãi đặc thù đối với những VĐV nữ có thành tích xuất sắc để động viên, tạo sự gắn bó, cống hiến nhiều hơn nữa của họ đối với thể thao thành tích cao.
Hiện nay, số lượng VĐV nữ chiếm hơn một nửa trong tổng số gần 470 VĐV của tỉnh. Ở hầu hết các bộ môn đều xuất hiện những VĐV nữ xuất sắc, nổi tiếng trong làng thể thao Việt Nam như: Nguyễn Thị Thiết, Nguyễn Thị Hòa (cử tạ), Phạm Thị Hà, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Hòa (bắn súng), Trần Thị Kim Oanh, Nguyễn Thị Hựu, Đặng Thị Thắm, Lê Thị An (đua thuyền rowing), Trần Thị Mai, Hoàng Thị Trang (điền kinh), Trần Thị Len, Ngô Thị Lựa, Phạm Thị Ngọc Luyên (đấu kiếm)...
|
DANH TRUNG