Khát vọng Trường Sơn là khát vọng của bao người, khát vọng của lương tâm, lương tri. Bài thơ thức tỉnh người đọc về một thời đau thương, mất mát.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý sinh ra và lớn lên ở Bố Trạch (Quảng Bình), mảnh đất miền Trung đầy nắng lửa, bão dông. Trong những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời, ông đã cầm súng lên đường chiến đấu, có mặt trên những chiến trường ác liệt và đã chứng kiến bao đau thương, mất mát trong chiến tranh. Hiện thực chiến tranh và sự trải nghiệm đã đem lại cảm hứng cho ông sáng tác nhiều bài thơ xúc động, trong đó có bài Khát vọng Trường Sơn.
Bài thơ Khát vọng Trường Sơn ra đời năm 1996. Bài thơ đã đoạt giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ quân đội. Sau đó thi phẩm được các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Văn Chừng, Võ Thế Hùng cùng phổ nhạc và trở thành những ca khúc được biểu diễn trên nhiều sân khấu khác nhau. Bài thơ đã đến với công chúng bằng cả thơ và nhạc.
Bài thơ được gợi cảm hứng từ nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, nơi yên nghỉ của hơn 10.000 liệt sĩ, trong đó có cả những đồng đội của nhà thơ. Đọc Khát vọng Trường Sơn khiến ta không khỏi rưng rưng nỗi niềm cảm động bởi đã khơi gợi bao đau thương, mất mát của dân tộc trong những năm tháng khói lửa chiến tranh. Khát vọng Trường Sơn có cấu tứ khá đơn giản gồm ba mươi dòng thơ, trừ hai dòng thơ đầu còn lại tất cả các dòng thơ đều bắt đầu bằng hai chữ “Mười nghìn”, con số tương ứng với số mộ ở nghĩa trang Trường Sơn: Nằm kề nhau/Những nấm mộ giống nhau/Mười nghìn bát hương/Mười nghìn ngôi sao cháy. Ở đó đâu chỉ có mười nghìn ngôi mộ giống nhau mà còn là mười nghìn cuộc đời, mười nghìn số phận, mười nghìn gia đình và muôn nghìn nỗi đau. Cả bài thơ có đến 28 trong tổng số 30 dòng thơ bắt đầu bằng hai chữ “Mười nghìn” dễ gây cảm giác nhàm chán, đơn điệu, tưởng không có gì mới nhưng với cảm xúc tận đáy lòng của một người đi ra từ cuộc chiến, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã cho người đọc thấy bao điều mới lạ qua con số "Mười nghìn". Đó đâu chỉ là mười nghìn nấm mộ mà là mười nghìn cuộc đời, mười nghìn trái tim mang bao hoài bão, khát vọng. Họ có mặt ở nơi chiến tranh ác liệt, họ là những người mở đường, xẻ núi, bám trọng điểm, chịu bao gian khổ, khó khăn.
Phần sau của bài thơ, từ con số “Mười nghìn” đã mở ra, nới rộng biên độ, đến bao đau thương, mất mát. Đó là những người mẹ chờ con trong mỏi mòn hy vọng. Đó là những cái tên đêm đêm mẹ nhắc, hình ảnh những đứa con về trong thảng thốt những giấc mơ. Đó còn là những con đò chưa được về bến, là những hạt giống chưa được về phù sa, tất cả như ứa nghẹn: Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc/Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta/Mười nghìn con đò thương về bến đợi/Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa... Trong bài thơ khác có tên "Thơ đề ở thành cổ Quảng Trị", nhà thơ Nguyễn Hữu Quý cũng có những tứ thơ đầy xúc động khi chứng kiến hình ảnh người mẹ thắp nhang trên mộ con: Dưới cỏ, làm chi còn chiến trận/Súng ống gỉ mòn, xương cốt tan/Khói hương, Mẹ thắp, trôi chầm chậm/Một dáng lưng còng, một thở than...
Từ mười nghìn tấm bia, mười nghìn ngôi mộ đang hiện diện ở nghĩa trang Trường Sơn, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý không quên nhắc nhở còn biết bao hài cốt đồng đội đang nằm rải rác khắp núi rừng Trường Sơn. Những hài cốt đơn côi, cô quạnh khắp nẻo rừng già chắc cũng phần nào được an ủi trong một niềm khát vọng lớn lao được về bên nhau: Mười nghìn đồng đội nằm rải Trường Sơn/Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương/Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng/Mười nghìn cô quạnh lang thang nẻo rừng...
Khát vọng Trường Sơn là khát vọng của bao người, khát vọng của lương tâm, lương tri. Bài thơ thức tỉnh người đọc về một thời đau thương, mất mát. Hôm nay được sống trong hòa bình, chúng ta hãy trân trọng quá khứ đau thương, hãy sống có trách nhiệm. Bài thơ có cấu tứ khá đơn giản, không nhiều dụng công về nghệ thuật, không có nhiều sáng tạo về từ ngữ, hình ảnh nhưng vẫn neo đậu trong lòng người đọc những cảm xúc chân thành. Chính từ nền cảm xúc đó, nhà thơ đã gợi mở và thức tỉnh bao điều, chiến tranh đã đi qua nhưng những nỗi đau vẫn còn đó, có những vết thương chưa lành.
NGUYỄN QUỲNH ANH
Khát vọng Trường Sơn Nằm kề nhau Những nấm mộ giống nhau Mười nghìn bát hương Mười nghìn ngôi sao cháy Mười nghìn tiếng chuông ngân trong im lặng Mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn Mười nghìn đôi vai từng gánh Trường Sơn Mười nghìn đôi tay mở rừng xẻ núi Mười nghìn đôi chân bám trên trọng điểm Mười nghìn đôi mắt ngước hái mây chiều... Mười nghìn ngọn đèn thắp miền giông bão Mười nghìn bếp ấm giữa lòng rừng xanh Mười nghìn cơn mưa, mười nghìn cơn nắng Mười nghìn trận sốt bạc rừng nguyên sinh Mười nghìn chiếc gậy của thời đôi mươi Mười nghìn nếp nhăn hằn lên trước tuổi Mười nghìn vết đau, mười nghìn vòng trắng Mười nghìn mái tóc bị phát quang dần... Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn Mười nghìn lời ca trong bài ca lớn Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta Mười nghìn con đò thương về bến đợi Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa... Mười nghìn tấm bia, còn mười nghìn nữa Mười nghìn đồng đội nằm rải Trường Sơn Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng Mười nghìn cô quạnh lang thang nẻo rừng... Mười nghìn khát vọng được về bên nhau! NGUYỄN HỮU QUÝ |