Nỗi lo từ những bếp ăn tập thể trong trường học

17/09/2016 07:31

Cơ sở vật chất chưa bảo đảm, khó kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm... khiến nhiều người lo lắng về hoạt động của các bếp ăn tập thể trong trường học...



Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của trường tổ chức ăn bán trú.
Trong  ảnh: Bữa ăn bán trú tại Trường Mầm non Tân An, xã An Phụ (Kinh Môn)


Các bậc phụ huynh rất quan tâm đến chất lượng bữa ăn của học sinh. Bên cạnh sự tiện lợi và những ưu điểm, thực tế cho thấy hoạt động của các bếp ăn tập thể (BATT) trong trường học vẫn còn những thiếu sót, hạn chế, thậm chí vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Toàn tỉnh hiện có 470 BATT trong trường học, tập trung ở bậc học mầm non. Phần lớn các BATT có trên 200 suất ăn. Trong khi trường tiểu học thường tổ chức ăn tại phòng ăn thì đa số các trường mầm non cho học sinh ăn tại phòng học.

Nhiều trường gặp khó khăn về cơ sở vật chất khiến hoạt động của BATT có những hạn chế, thiếu sót. Tận dụng từ trường tiểu học cũ nên cơ sở vật chất của Trường Mầm non xã Tây Kỳ (Tứ Kỳ) rất thiếu thốn. Lán để xe của trường cũ được tận dụng thành BATT. Hiện nay, khu vực này đã xuống cấp, mái nhà bằng ngói xi măng. Diện tích BATT chỉ khoảng 20 m2, không gian ẩm thấp, thiếu ánh sáng. Hằng ngày, nhà trường vẫn sử dụng bếp than để chế biến thức ăn. Cô Nguyễn Thị Đông, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Dù biết đun nấu bằng bếp than tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và ảnh hưởng đến sức khỏe của cô nuôi nhưng nhà trường cũng không còn cách nào khác". Do nhà bếp chật chội, dụng cụ ăn uống của học sinh được xếp vào khay đặt ngay ngoài hành lang lớp học. Một số khay được che đậy bằng màn nhưng có những khay không được che đậy và cách đó chưa đầy 2 m là giá để giày dép của học sinh.

Không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất mà nhiều phụ huynh còn băn khoăn về nguồn gốc, chất lượng thực phẩm được chế biến tại các BATT. Chị Vũ Thị Thúy ở xã Tuấn Hưng (Kim Thành) cho biết: "Khi cho con đi mẫu giáo, tôi cũng lo lắng về chất lượng bữa ăn của con ở trường. Liệu bữa ăn của con có bảo đảm dinh dưỡng, quy trình chế biến có được sạch sẽ hay không, nhất là khi nỗi lo về thực phẩm bẩn trở thành vấn đề nóng như hiện nay?". Nhiều nhà trường có hợp đồng mua bán, ký cam kết bảo đảm ATVSTP với các đơn vị cung ứng thực phẩm. Tuy nhiên, thực phẩm cho các trường học lấy từ nhiều nguồn, nhiều đơn vị khác nhau nên rất khó kiểm soát chất lượng. Sự việc từng xảy ra tại một điểm trường mầm non ở xã Cổ Dũng (Kim Thành) đã làm dấy lên mối lo ngại khi thực phẩm bẩn có thể len lỏi vào trường học. Vào sáng 2-3-2016, một số phụ huynh có con em học tại điểm trường thôn Đông thuộc Trường Mầm non xã Cổ Dũng rất bức xúc khi có thông tin về việc nhà trường mua cà ra chết để nấu canh cho học sinh. Ngay trong buổi sáng, nhiều phụ huynh đã tập trung tại điểm trường để yêu cầu giáo viên giải thích. Đại diện nhà trường cho biết do nhà cung cấp thực phẩm không còn cà ra để bán nên nhà trường phải chọn mua của một đơn vị khác. Tuy nhiên, do sơ suất nên người mua không phát hiện thấy số lượng nhỏ cà ra không còn tươi sống. Sau đó, nhà trường đã chỉ đạo nhân viên nhà bếp không sử dụng số cà ra trên và thay thế bằng loại thực phẩm khác. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kim Thành đã tổ chức đoàn kiểm tra và yêu cầu nhà trường rút kinh nghiệm.



Do bếp ăn chật chội nên đồ dùng ăn uống của học sinh Trường Mầm non Tây Kỳ được đặt ngay ở hành lang lớp học


Cuối năm 2015, Chi cục ATVSTP tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát ATVSTP đối với 22 BATT tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy phần lớn BATT được xây dựng bảo đảm vệ sinh, khu vực sơ chế nguyên liệu thực phẩm, khu vực chế biến, khu bảo quản thức ăn chín cách xa khu vực gây ô nhiễm. Tuy nhiên, đoàn cũng phát hiện 15 nhà trường vi phạm với lỗi chủ yếu là không có giấy chứng nhận (hoặc giấy cam kết) đủ điều kiện ATVSTP, giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP đã hết hạn hoặc chưa xuất trình được giấy này. Ngoài ra, 63,6% số trường được kiểm tra có người nấu ăn chưa được xác nhận kiến thức ATVSTP và 18,2% số trường chưa tổ chức khám sức khỏe cho người tham gia chế biến thức ăn. Chẳng hạn tại thời điểm kiểm tra, Trường Mầm non xã Gia Xuyên (Gia Lộc) chưa xuất trình được giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP; giấy xác nhận kiến thức ATVSTP của nhân viên nhà bếp Trường Mầm non xã Nhân Quyền (Bình Giang) đã quá hạn... Theo tìm hiểu của chúng tôi, hằng năm, Chi cục ATVSTP tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đều tổ chức các lớp tập huấn và cấp giấy xác nhận kiến thức ATVSTP đối với đội ngũ nhân viên dinh dưỡng, cô nuôi của các nhà trường có BATT. Tuy nhiên, một số trường vẫn chưa chấp hành. Ông Phạm Duy Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: “Các trường có BATT cần tiếp tục duy trì, sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở vật chất hiện có và bổ sung thêm các trang thiết bị cần thiết để xây dựng bếp ăn an toàn cho học sinh. Các nhà trường chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng để được cấp thủ tục hành chính về ATVSTP nếu còn thiếu. Nếu đợt kiểm tra, giám sát năm 2015 Chi cục ATVSTP chỉ nhắc nhở đối với các trường vi phạm, thì đợt kiểm tra năm nay (dự kiến vào cuối năm), chúng tôi sẽ xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, Chi cục ATVSTP tỉnh tiếp tục tập huấn, tăng cường tuyên truyền về ATVSTP để nâng cao nhận thức cho các cán bộ, giáo viên, nhân viên dinh dưỡng, cô nuôi của các trường có BATT".


HUYỀN TRANG


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo từ những bếp ăn tập thể trong trường học