Nỗi lo thuốc Nam “hàng chợ”

09/10/2011 09:56

Thực trạng bày bán thuốc Nam tại các "siêu thị mặt đất" hiện đang diễn ra tràn lan và gây bức xúc cho người dân.


Thuốc Nam không rõ nguồn gốc bày bán ở chợ Đồng Gia (Kim Thành)

Gần đây, các quầy hàng bán thuốc Nam tự do tại các chợ, cổng bệnh viện mọc ra nhan nhản. Để câu kéo khách, những người bán đã rêu rao công dụng chữa "bách bệnh" của thuốc và không ít người đã tin theo. Hậu quả là không ít người tiền mất, tật vẫn mang.


Ghé qua cổng chợ Sao Đỏ (Chí Linh), chúng tôi thấy có bốn, năm hàng bày bán thuốc Nam. Họ chỉ trải một tấm vải nhựa xuống đất và bày thuốc ra bán. Thấy ai đi qua, các chủ hàng liền đon đả chào mời cùng những lời quảng cáo như “rót mật” về công dụng của thuốc. Không ít người siêu lòng vì những lời quảng bá trên và dừng lại xem. Trước tiên, khách được những người bán đọc bệnh qua "thần sắc", rồi bắt mạch. Cô Nguyễn Thị Hạnh ở thị trấn Sao Đỏ (Chí Linh), cho biết: "Tôi vừa đến cổng chợ Sao Đỏ đã bị một phụ nữ trung tuổi nắm tay kéo vào. Mới đầu, người này nói bằng giọng dân tộc bảo tôi hay mất ngủ, bị rối loạn tiền đình, hay đi giải đêm. Tôi công nhận. Chị ta bảo sẽ bốc cho tôi 3 thang là khỏi rồi xòe báo ra bốc thuốc. Nhưng vì đã được cảnh báo về mặt hàng này nên tôi từ chối mua". Nhưng theo quan sát của chúng tôi, vẫn có khá nhiều người sau khi được bắt bệnh đã rời hàng với xâu thuốc có khi đến hàng triệu đồng. Những người bán thuốc kiểu này không chỉ tập trung ở chợ mà  còn tập trung ngay tại cổng bệnh viện. Tại cổng Bệnh viện Hòa Bình (TP Hải Dương), chúng tôi gặp một người đàn ông trung tuổi ngồi bán thuốc. Mỗi khi người bệnh từ trong bệnh viện đi ra đều được "thầy lang" này bắt bệnh. Và mặc dù đang điều trị trong bệnh viện nhưng nhiều người vẫn mua thuốc "thầy" bốc. Nhiều người phản ánh: Những người bán thuốc ngoài cổng bệnh viện đoán được đúng bệnh của bệnh nhân là do họ có hai người, một trà trộn vào khoa khám bệnh cùng chuyện trò với bệnh nhân, chờ khi bệnh nhân đó ra về, họ sẽ thông báo cho nhau để "bắt" người bệnh.

Trong thực tế, công dụng của thuốc không như những gì quảng cáo. Nhiều người mua và uống thuốc như lời các thầy lang căn dặn nhưng không đỡ bệnh. Hậu quả là tiền mất mà tật vẫn mang. Sau thời gian dài chữa bệnh đau lưng tại bệnh viện, bà Bùi Thị Thuẫn ở thị tứ Đồng Gia  (Kim Thành) quyết định mua 3 thang thuốc lá với giá gần 400 nghìn đồng ở chợ Đồng Gia. Thành phần của thuốc là rễ cây, lá cây, các hạt màu trắng mà người bán bảo chỉ ở rừng mới có. Nhưng uống xong 3 thang bà Thuẫn không đỡ bệnh. Cũng chung cảnh ngộ như bà Thuẫn, một lần lên khám bệnh ở Bệnh viện Quân y 7, chị Nguyễn Thị Yên ở thôn Đình Giọng, xã Đại Đức (Kim Thành) gặp người bán thuốc Nam ở cổng bệnh viện, chị hỏi xem có thuốc gì chữa khỏi bệnh dạ dày không. Rồi chẳng biết người này ngon ngọt thế nào, chị bỏ 6 triệu đồng mua thuốc. Người bán thuốc đưa cho chị một gói thuốc nhỏ, bảo pha vào ấm như pha trà, nhưng trước khi uống  không được nói chuyện với ai, chỉ ngày hôm sau là bệnh sẽ khỏi. Uống thuốc xong, tình trạng đau dạ dày vẫn tiếp diễn, chị mới biết mình bị lừa.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, xã Đại Đức (Kim Thành) nhiều lần cảnh báo vợ con không được mua thuốc Nam ở những hàng chợ, vừa không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, có khi còn bị lừa tiền. Thế nhưng hôm đến chợ thấy nhiều người quây vào hàng bán thuốc và được "thầy " bắt mạch, châm cứu, ông mua cho vợ hơn 1 kg tầm gửi gạo về chữa bệnh đau khớp với giá 600 nghìn đồng (trong khi giá của Hội Đông y chỉ có 10 nghìn đồng/kg). Theo lời người bán, ông về rang củ thuốc rồi hạ thổ 3 ngày, sau đó ngâm rượu 1 tháng để xoa bóp. Nhưng xoa mãi bệnh xương khớp của vợ ông cũng không giảm. Hiện bệnh của bà đã chuyển thành thoái hóa xương. Ông Trịnh Khắc Bóng, Chủ tịch Hội Đông y huyện Kim Thành, cho biết: Những người bán thuốc Nam của hội hầu hết là bán trong quầy, có chứng chỉ chuyên môn, có giấy phép hành nghề do Sở Y tế và Hội Đông y tỉnh cấp. Còn những người bán thuốc ở chợ không phải là người của hội.

Bà Trương Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh thì cho biết: Tình trạng bày bán thuốc Nam tự do trong thời gian gần đây diễn ra khá phổ biến tại tất cả các chợ nằm trên địa bàn tỉnh. Người bán thường mạo danh là người dân tộc để bán thuốc được dễ dàng. Khi người mua hỏi đến tên tuổi, giấy phép hành nghề thì họ lúng túng và đánh trống lảng. Họ thường bán ở nơi có chợ, di chuyển dễ dàng. Thuốc của những người bán hàng chợ này hầu hết là các loại cây rừng không rõ nguồn gốc, khi được sao khô người dân không thể nhận biết được đâu là lá thuốc, đâu là cỏ dại. Những người bán thuốc này thường có trình độ thấp, không hiểu sâu về cây thuốc. Có trường hợp không biết được tính vị của cây thuốc nên nhầm lẫn về công dụng. Đặc biệt là họ bán thuốc với giá rất cao. Ví dụ đỗ ván trắng có giá 40 nghìn đồng/kg thì họ bán là 400 nghìn đồng/kg. Người dùng nên cảnh giác cao với loại thuốc này. Trước khi mua thuốc Nam, người dân nên tìm hiểu kỹ và tham khảo người có chuyên môn để bảo đảm sức khỏe cho mình.

Thực trạng bày bán thuốc Nam tại các "siêu thị mặt đất" hiện đang diễn ra tràn lan và gây bức xúc cho người dân. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tăng cường rà soát, kiểm tra, nghiêm cấm hành vi buôn bán thuốc Nam không rõ nguồn gốc, người bán không có chuyên môn để bảo đảm sức khỏe người dân.

MINH NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo thuốc Nam “hàng chợ”