Ít ai biết rằng trong quá trình chăn nuôi, giết mổ và chế biến, nếu không cẩn thận thì thịt có nguy nhiễm Salmonela - vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm và các bệnh thương hàn, nhiễm trùng máu cho người tiêu dùng.
Nguy cơ tiềm ẩn
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Hải Dương kiểm soát lợn trước khi đưa đi tiêu thụ
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), toàn tỉnh hiện có 2 cơ sở giết mổ tập trung ở TP Hải Dương, huyện Cẩm Giàng và trên 1.500 điểm giết mổ nhỏ lẻ. Mỗi ngày người dân trong tỉnh tiêu thụ khoảng 55 tấn thịt, trong đó 60% là thịt lợn, từ 30-35% thịt gia cầm, còn lại là thịt bò trâu và các loại khác.
Theo chị Phương Thị Thu Hằng, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch và Chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật (Chi cục Chăn nuôi và Thú y), có nhiều nguyên nhân dẫn đến thịt nhiễm khuẩn Salmonela. Khi động vật bị bệnh, vi khuẩn Salmonela có ở trong máu, thịt, gan, lá lách, ruột. Trong gia cầm bị bệnh, Salmonela có thể tồn tại ở buồng trứng nên sau khi gia cầm đẻ, trứng đã nhiễm Salmonela. Thịt có thể bị nhiễm Salmonela do dụng cụ giết mổ có chứa loại này, nguồn nước bị ô nhiễm. Thực phẩm nguội hoặc chế biến để quá lâu, khi ăn không đun lại cũng có nguy cơ ngộ độc thực phẩm do Salmonela. “Vi khuẩn Salmonela có trong mọi công đoạn từ quá trình nuôi, giết thịt nên người tiêu dùng phải cẩn thận trước khi chế biến và sử dụng”, chị Hằng cho biết.
Chị Nguyễn Thị Hương ở phố Nguyễn Chí Thanh (TP Hải Dương) cho biết: "Khi nghe thông tin về thịt ở một số tỉnh, thành phố nhiễm khuẩn Salmonela, tôi rất lo lắng không biết những sản phẩm đang sử dụng hằng ngày có bị như vậy không".
Chủ động phòng tránh
Không sử dụng gia cầm ốm để phòng tránh bị nhiễm khuẩn Salmonela
Để chủ động phòng tránh vi khuẩn Salmonela, các cơ sở giết mổ, người bán thực phẩm và người tiêu dùng chủ động áp dụng nhiều biện pháp. Tại Cơ sở giết mổ gia súc và gia cầm của TP Hải Dương, việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung, phòng tránh vi khuẩn Salmonela nói riêng được chú trọng. Theo ông Nguyễn Bá Hân, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Hải Dương, đơn vị thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ chặt chẽ, các xe vận chuyển động vật vào cơ sở đều phải xuất trình giấy tờ kiểm dịch. Động vật khi đưa vào giết mổ được vệ sinh, kiểm tra sức khỏe, chỉ những con lợn không bị ốm mới được giết mổ. Các sản phẩm sau giết mổ được cán bộ kỹ thuật của trung tâm lăn dấu, dán tem trước khi đưa ra thị trường.
Theo quan sát của chúng tôi, khu giết mổ được vệ sinh khá sạch sẽ. Thịt lợn để trên các bàn, cách biệt với nền nhà, bảo đảm không bị nhiễm khuẩn trong quá trình sơ chế.
Tại cửa hàng bán thịt Thủy Thông ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương), người bán hàng cũng ý thức khi tách ra làm 2 khu bán thịt sống và khu bán giò chả riêng biệt. Thức ăn chín được để trong tủ kính, che đậy cẩn thận, có thớt và dao thái riêng.
Đối với người tiêu dùng, ý thức được sự nguy hiểm của vi khuẩn Salmonela nên đã cẩn thận hơn trong quá trình chế biến, sử dụng thức ăn. Cũng theo chị Hương, thịt trước khi chế biến được chị rửa sạch, nấu chín kỹ. Gia đình chị có 2 bộ dao thớt để thái thức ăn chín và sống riêng biệt, không sử dụng chung. "Sau mỗi lần dùng dao thớt xong, ngoài việc rửa sạch, tôi còn thường xuyên mang ra phơi nắng để đồ đạc khô, không bị mốc và cũng là cách phòng tránh các loại vi khuẩn", chị Hương nói.
Mặc dù nguy hiểm và dễ dàng xâm nhập bằng nhiều con đường nhưng người chăn nuôi, giết mổ và tiêu dùng hoàn toàn có thể phòng tránh được vi khuẩn Salmonela bằng việc tuân thủ nghiêm các quy định.
Tại Tọa đàm báo chí “Chuyển tải thông điệp an toàn thực phẩm tới công chúng thông qua tăng cường hợp tác giữa nghiên cứu và báo chí - trường hợp thực phẩm có nguồn gốc động vật” do Hội Nhà báo Việt Nam, Trường Đại học Y tế công cộng và Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế phối hợp tổ chức đầu tháng 6 vừa qua, các nhà nghiên cứu về an toàn thực phẩm đã cung cấp thông tin chính xác dựa trên nghiên cứu về những thách thức do thực phẩm không an toàn gây ra đối với sức khỏe con người. Tại một số tỉnh, thành phố, tỷ lệ thịt nhiễm khuẩn Salmonella chiếm đến 44-58%. Tỷ lệ lây nhiễm ở gia đình dùng chung dụng cụ cho thịt sống, thịt chín gần 78%. Ở các gia đình có điều kiện mua sắm thớt, dao riêng, đeo găng tay, tỷ lệ lây nhiễm vi khuẩn Salmonella từ thịt sống sang chín giảm đi rất nhiều... |
THANH HÀ