Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra những vụ trọng án mà hung thủ có biểu hiện mắc bệnh tâm thần.
Rất dễ bắt gặp những người tâm thần lang thang trên đường phố. Ảnh chụp tại đại lộ Hồ Chí Minh sáng 24-11
Hậu họa đoán trướcTrong những ngày giữa tháng 11, chúng tôi về xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang), nơi cách đó nửa tháng xảy ra vụ án em vợ giết anh rể gây xôn xao dư luận. Kẻ gây án là Đỗ Hữu Giao (sinh năm 1961, ở thôn Vĩnh Xuyên). Hầu hết người dân ở đây đều nói rằng đây là chuyện sớm muộn gì cũng xảy ra. Từng sát hại vợ bằng nhiều nhát cuốc, nhưng vì có tiền sử mắc bệnh tâm thần nên Giao không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị đưa đi chữa bệnh bắt buộc. Sau một thời gian chữa trị, Giao được cho về nhà và điều trị tại cộng đồng, thường xuyên lên nhận thuốc tại trạm y tế xã. Trước khi gây án, Giao thường xuyên uống rượu, gây sự với nhiều người, hết anh chị em trong gia đình tới hàng xóm láng giềng. Không ít lần Giao đe dọa, đuổi đánh mọi người. Bà Nguyễn Thị L. ở gần nhà Giao cho biết: “Ông Giao thường xuyên say xỉn rồi gây gổ với tất cả mọi người trong thôn. Ông ấy điên điên khùng khùng nên mọi người cũng chẳng muốn dính vào, thấy ông ấy tốt nhất là nên tránh xa”. Chính quyền xã cũng nhiều lần nhắc nhở gia đình cần quản lý chặt chẽ không để Giao gây rối trật tự. Cũng không ít lần, xã yêu cầu gia đình cho Giao đi chữa bệnh tại trung tâm, nhưng vì nhiều lý do gia đình cứ khất lần. Sự lần nữa ấy dẫn tới hậu quả là Giao lại tiếp tục gây án. Một người hàng xóm khác của Giao sợ hãi nói: “Nếu sau lần này ông điên đó không bị nhốt lại thì không biết sẽ có thêm ai phải chết oan nữa”.
Vụ thảm án kinh hoàng xảy ra tại thôn Ngoại Đàm, xã Phượng Hoàng (Thanh Hà) do đối tượng Phạm Duy Quý (sinh năm 1993) gây ra với bà nội, bố mẹ và người chị họ hồi tháng 8 vừa qua cũng ám ảnh không biết bao nhiêu người. Trước đó, Quý đã có biểu hiện bị tâm thần, nhưng vì muốn giấu giếm bệnh tình của con, ngại với hàng xóm, gia đình đã không đưa Quý đi chữa trị, nên cái giá họ phải trả chính là mạng sống của mình.
Trong một vụ án nghiêm trọng khác xảy ra tại thôn Trạch Lộ, xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ), đối tượng Phạm Văn Hải (sinh năm 1957) gây ra cái chết cho vợ và con trai mình cũng bị nghi tâm thần phân liệt. Hải có biểu hiện hay nói vu vơ, chửi bới lung tung, nửa đêm mang hương ra giữa sân cúng tế. Tại cơ quan điều tra, Hải khai khi sát hại vợ và con trai, đối tượng này bị hoang tưởng nghĩ vợ và con là những con yêu quái muốn hãm hại mình…
Đây là 3 vụ án mạng thương tâm mà người gây án đều là những người có tiền sử hoặc biểu hiện mắc chứng bệnh tâm thần. Có lẽ còn rất nhiều vụ án gây thương tích khác do người tâm thần gây án mà cơ quan chức năng không thể nắm hết được. Từ những vụ án đau lòng trên có thể thấy, tình trạng người tâm thần gây án trên địa bàn tỉnh đang ở mức báo động. Những mối nguy hại này đều được cả xã hội nhìn nhận rõ, tuy nhiên lại chưa thể đưa ra một giải pháp hợp lý.
Gia đình "dung túng", xã hội khó vào Người bệnh tâm thần có thể gây ra bạo lực gấp gần 5 lần so với người bình thường. Do vậy, nếu không được quản lý chữa trị đúng liệu trình người bệnh có thể gây nguy hiểm cho chính họ và mọi người xung quanh. |
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Biên, Phó Trưởng khoa Thần kinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), tính khí người có biểu hiện tâm thần rất thất thường. Họ có thể vui quá mức hoặc buồn quá mức, có những dấu hiệu bất thường như sao nhãng công việc, ngại tiếp xúc chỗ đông người, tự tách mình với người thân, lười vệ sinh cá nhân, không đam mê các hoạt động thể thao, thường xuyên lo lắng những chuyện không đâu, khó ngủ, hay giật mình… Người bệnh tâm thần có thể gây ra bạo lực gấp gần 5 lần so với người bình thường. Do vậy, nếu không được quản lý chữa trị đúng liệu trình người bệnh có thể gây nguy hiểm cho chính họ và mọi người xung quanh.
Nhiều gia đình có người thân bị tâm thần thường hay giấu giếm, e ngại không đưa họ tới các cơ sở y tế để khám chữa bệnh, thường để bệnh tình nặng nên gây khó khăn cho việc khám, chữa bệnh. Cũng có không ít trường hợp người tâm thần lang thang ngoài đường, không được chăm sóc, chữa bệnh và bị mọi người xa lánh. Theo các bác sĩ, việc đưa bệnh nhân tâm thần vào trung tâm nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần cũng không phải là một cách hay. Và cũng không có một trung tâm nuôi dưỡng nào có đủ chỗ để nhận hết tất cả những người mắc bệnh tâm thần vào điều trị.
Theo Nghị định 64/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần, thì việc chữa bệnh bắt buộc chỉ được áp dụng khi người tâm thần có hành vi vi phạm pháp luật. Tại nhiều địa phương khi phát hiện ra người có biểu hiện tâm thần có thể gây nguy hại cho xã hội, cơ quan chức năng địa phương yêu cầu gia đình cho bệnh nhân đi chữa bệnh bắt buộc. Tuy nhiên, việc gia đình có làm hay không còn tùy thuộc vào ý thức của mỗi nhà. Việc chữa trị cho một bệnh nhân tâm thần không phải là chuyện một sớm một chiều, thậm chí kéo dài rất nhiều năm, tốn nhiều tiền của. Với những gia đình khó khăn thì đó là điều không thể. Vì vậy người bệnh không được chữa trị, sống trong cộng đồng sẽ là mối nguy hại cho xã hội.
Thiết nghĩ các ngành chức năng cần sớm tìm ra một giải pháp hữu hiệu để có thể quản lý, chữa trị cho bệnh nhân tâm thần. Các gia đình có người thân mắc bệnh cần có thái độ tích cực, đưa người thân đi chữa trị, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc như vừa qua.
TÂM PHÚC