Thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường tỉnh kiểm tra và thu giữ được một lượng lớn mì chính bị làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng. Thông tin này khiến không ít người tiêu dùng lo lắng.
Bằng mắt thường người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là mì chính thật, giả
Khó phân biệt
Tuần trước, chị Phạm Thị Loan ở phố Dương Quảng Hàm (TP Hải Dương) mua một gói mì chính tại một cửa hàng tạp hóa gần nhà về sử dụng. Khi đổ mì chính vào hộp, chị Loan mới tá hỏa khi phát hiện thấy các hạt mì chính có màu lạ, hơi ngả vàng và một số hạt bị vón cục. Chị Loan rất lo vì qua quan sát bao bì nhãn mác gói mì chính này giống hệt những gói cùng thương hiệu chị đã mua dùng trước đó, chỉ có điều hạt mì chính to hơn một chút. “Bao năm qua gia đình tôi vẫn thường dùng loại mì chính này để nấu nướng nên cũng không để ý đó là thật hay rởm”, chị Loan nói. Điều chị Loan lo lắng nhất hiện nay là không biết cách nào để phân biệt được mì chính thật và giả.
Theo chủ một số cửa hàng kinh doanh hàng tạp hóa trên địa bàn TP Hải Dương, hiện nay mì chính rởm xuất hiện khá nhiều trên thị trường. Chị Phạm Thị Huế, chủ một cửa hàng tạp hóa gần chợ Đông Ngô Quyền (TP Hải Dương) cho biết rất ít người tiêu dùng quan tâm mì chính thật, giả mà đa phần chỉ hỏi đến giá cả. Bằng mắt thường, người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là mì chính thật, đâu là mì chính rởm. Ngay cả người bán cũng không phân biệt nổi.
Theo tìm hiểu, mì chính rởm, nhái các thương hiệu nổi tiếng thường có xuất xứ Trung Quốc. Các tiểu thương nhập các bao lớn từ 20-30 kg/bao, sau đó về chia nhỏ và đóng vào các bao bì nhái các thương hiệu uy tín như Vedan, Ajinomoto, Miwon. Theo một tiểu thương chuyên kinh doanh phụ gia, thực phẩm ở phố Mạc Thị Bưởi, mì chính rởm thường có giá chỉ bằng một nửa, hoặc bằng 2/3 so với mì chính thật. Hơn nữa, hiện nay công nghệ in khá tinh xảo nên không mấy người tiêu dùng có thể nhận biết được thật giả qua bao bì. Thậm chí nếu người mua dùng phần mềm quét mã vạch cũng khó có thể kiểm tra được. Bởi nghe nói bao bì của mì chính thật còn được công nhân của các doanh nghiệp uy tín tuồn ra ngoài bán kiếm lời. Chỉ những người kinh doanh mặt hàng này lâu năm và đã từng tiếp xúc với mì chính giả mới có thể phân biệt bằng cách quan sát cánh mì chính. Mì chính rởm thường hay bị vụn, kích thước cánh mì chính không đều, thường bị sắc lẹm. Còn mì chính thật thường có hình trụ đều và không bao giờ bị vón cục.
Lo ngại cho sức khỏe
Chị Dương Thị Phương ở phố Cao Bá Quát (TP Hải Dương) băn khoăn: “Trong bữa ăn hằng ngày của gia đình tôi không thể thiếu mì chính vì đây là gia vị cần thiết giúp món ăn thêm hấp dẫn. Nếu không may mua phải mì chính rởm không biết có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe?”.
Theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) việc sử dụng gia vị, nhất là mì chính không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc bị làm giả không đúng các tiêu chuẩn quy định có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi sử dụng mì chính rởm, nhẹ thì có thể gây hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, về lâu dài có thể gây ra những bệnh mạn tính, nặng có thể dẫn tới ung thư.
Hiện nay mì chính được sử dụng phổ biến trong bữa ăn của các gia đình nhưng không nên lạm dụng. Theo bác sĩ Hoàng Thị Nga, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mì chính không hề có dinh dưỡng, thậm chí còn gây hại nếu lạm dụng. Nhiều người gặp các biểu hiện như nhức đầu, buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt… đó là những biểu hiện của cơ thể dị ứng với mì chính. Trẻ em, người già, phụ nữ mang thai nên hạn chế tối đa lượng mì chính trong khẩu phần ăn. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo chỉ nên sử dụng mì chính với một tỷ lệ nhất định, tối đa chỉ khoảng 10g/kg thực phẩm.
LAN ANH