Nỗi lo của nhiều doanh nghiệp

16/08/2012 07:39

Vì lợi nhuận trước mắt, không ít doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhập hàng kém chất lượng để đánh lừa người tiêu dùng...


Sản phẩm đá sắt của Công ty CP Đá mài Hải Dương đang bị làm giả

Ngày 14-6-2012, Giám đốc Công ty CP Đá mài Hải Dương đã có thông báo gửi tất cả các khách hàng trên cả nước về việc Công ty TNHH Đá mài Việt Trung, địa chỉ tại km 15 quốc lộ 1A, Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội (một doanh nghiệp chỉ sản xuất đá mài và đá cắt dính nhựa nhãn hiệu VCG)  đã vi phạm bản quyền sản phẩm, đăng tin sản xuất và bán sản phẩm đá mài chất dính gốm của Công ty CP Đá mài Hải Dương trên địa chỉ website: http://ww.dmvt.com.vn mà không được sự cho phép của doanh nghiệp. Ngay sau đó, ngày 26-6, tại huyện Thanh Miện, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện và thu giữ gần 6.000 viên đá cắt loại đường kính 100 và 125 mm có dấu hiệu giả mạo sản phẩm đá cắt của Công ty CP Đá mài Hải Dương. Loại đá cắt bị làm giả này có thời gian sử dụng chỉ bằng ¼ so với loại đá cắt chính hiệu. Hơn nữa, do chất lượng thấp nên đá không bảo đảm độ cân bằng, khi sử dụng dễ bị bào mòn, vỡ, nứt, gây thương tích cho người sử dụng. Theo lực lượng quản lý thị trường, sản phẩm đá mài của Công ty CP Đá mài Hải Dương thường được các đối tượng làm nhái hoặc làm giả tại tỉnh khác hoặc nhập lậu từ Trung Quốc, sau đó trà trộn với sản phẩm chính hãng để dễ dàng tiêu thụ.

Không chỉ sản phẩm đá mài, bánh đậu xanh - một đặc sản của tỉnh ta cũng đang bị các đối tượng ở Trung Quốc lợi dụng làm nhái, làm giả. Sản phẩm bánh đậu xanh có mặt tại thị trường Trung Quốc từ năm 1998. Đây cũng là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của nhiều doanh nghiệp sản xuất bánh đậu xanh nổi tiếng như: Công ty TNHH Gia Bảo, Công ty TNHH Hòa An, Công ty CP Bánh đậu xanh Quê Hương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, theo phản ánh của các chủ doanh nghiệp, một số cơ sở sản xuất của Trung Quốc đã tìm cách sản xuất bánh đậu xanh có mẫu mã giống với bánh đậu xanh của doanh nghiệp sản xuất nhưng với giá bán rẻ hơn 30%.

Theo các nhà phân phối xi-măng trên địa bàn tỉnh, hiện nay, trên thị trường xuất hiện không ít sản phẩm xi-măng bị làm giả. Chủ cửa hàng chuyên cung cấp vật liệu xây dựng Gia Huy ở thị trấn Gia Lộc cho biết: "Xi-măng giả rất khó phân biệt vì cách thức làm nhái, làm giả rất tinh vi. Các đối tượng làm giả xi-măng chuyên nghiệp có thể thay vỏ xi-măng mác thấp bằng vỏ xi-măng Hoàng Thạch để kiếm lời". 7 năm trước, Công an TP Hà Nội đã  phối hợp với Công ty Xi-măng Vicem Hoàng Thạch phá vụ án làm giả xi-măng lớn tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Các đối tượng dùng xi-măng mác thấp, giá rẻ, trộn với bột đá, đóng vào bao bì của xi-măng Hoàng Thạch rồi tung ra thị trường. Chúng còn móc nối với một số chủ thầu xây dựng để cung cấp cho một số công trình xây dựng ở Hà Nội và các tỉnh lân cận…

Việc làm giả hoặc làm nhái các sản phẩm công nghiệp nổi tiếng của tỉnh một mặt ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp, thiệt hại về kinh tế, mặt khác ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc sản xuất Công ty CP Đá mài Hải Dương cho biết: "Sản phẩm đá mài bị làm giả, làm nhái trên thị trường đã ảnh hưởng rất nhiều tới thương hiệu mà chúng tôi đã dày công gây dựng. Đặc biệt, sản phẩm bị làm giả, làm nhái nhiều về lâu dài sẽ khiến người tiêu dùng khó phân biệt đâu là đá mài thật, đâu là đá mài giả. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chính hãng của doanh nghiệp bị thu hẹp".

Hiện nay, vì lợi nhuận, không ít doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhập hàng kém chất lượng từ Trung Quốc sau đó trà trộn với sản phẩm của các doanh nghiệp có uy tín của tỉnh ta để đánh lừa người tiêu dùng. Để bảo vệ sản phẩm của mình, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại Sở khoa học và Công nghệ nhưng vẫn bị các doanh nghiệp làm ăn không chân chính "ăn cắp" thương hiệu. Một số doanh nghiệp chủ quan không kiểm soát chặt thị trường. Chỉ đến khi thị phần bị thu hẹp, doanh số sụt giảm, doanh nghiệp mới biết sản phẩm của mình bị làm nhái, kém chất lượng khiến nhiều người tiêu dùng "tẩy chay".

Theo bà Đinh Thị Bình, Phó Trưởng phòng Quản lý công nghiệp và Sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và Công nghệ), để bảo vệ uy tín và thương hiệu, doanh nghiệp phải xác lập được quyền bảo hộ về sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Khi phát hiện sản phẩm bị làm giả, doanh nghiệp cần phối hợp với các cơ quan chức năng thu thập chứng cứ và thông báo với các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời. Hiện nay, chương trình "Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp" của tỉnh, do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì sẽ giúp các doanh nghiệp giới thiệu thương hiệu, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký quyền bảo hộ sở hữu công nghiệp để doanh nghiệp tự bảo vệ".

 Ngoài ra, doanh nghiệp có thể sử dụng các giải pháp kỹ thuật như tem chống hàng giả chất lượng cao. Loại tem này không thấm nước, không thể bóc đi dán lại. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về cách phân biệt hàng thật, hàng giả giúp người tiêu dùng dễ nhận biết cũng là một việc làm cần thiết. Đối với các sản phẩm xuất khẩu, một yêu cầu quan trọng là doanh nghiệp phải chủ động đăng ký nhãn hiệu tại thị trường đó. Trong quá trình bán hàng, doanh nghiệp phải thường xuyên theo dõi diễn biến của thị trường để kịp thời phát hiện nếu hàng hóa bị làm giả, từ đó có các biện pháp đối phó kịp thời. Theo kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp, việc in lô-gô cá nhân hoặc tìm những đặc trưng của vùng, miền để hiện thị lên bao bì của sản phẩm cũng là một cách để tránh bị làm giả...

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo của nhiều doanh nghiệp