Đường lưỡi bò - yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông, có thể sẽ mang hình dạng mới, một đường liền mạch thay vì 9 đoạn đứt khúc như trước.
Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và xây đảo nhân tạo trái phép - Ảnh: CSIS/AMTI
Tất nhiên, đường lưỡi bò mới này do chính người Trung Quốc vẽ ra. Điều đáng nói, nó không dựa trên bất kỳ công ước quốc tế nào về biển mà dựa theo một bản đồ năm 1951 cũng do Bắc Kinh tự vẽ nốt!
Đó lại là kết quả của một dự án nghiên cứu nghiêm túc được Chính phủ Trung Quốc tài trợ, báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong đưa tin ngày 22.4.
Đường lưỡi bò mới có thể giúp Trung Quốc củng cố cái gọi là "chủ quyền" của họ trên Biển Đông, bất chấp phán quyết ngày 12.7.2016 của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Theo đó tòa ở The Hague (Hà Lan) đã bác bỏ cái gọi là "chủ quyền lịch sử" của Trung Quốc.
Trong nhiều thập kỷ, yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông rất rối rắm, mơ hồ với 9 nét đứt đoạn. Sự phớt lờ của Bắc Kinh đối với phiên tòa quốc tế do Philippines khởi xướng là minh chứng cho thấy Trung Quốc không đủ tự tin đem yêu sách, vốn đã vô lý và mơ hồ của họ ra đối chứng với công pháp quốc tế.
Muốn vào Biển Đông phải nhìn sắc mặt Trung Quốc?
Cách đây 6 năm, trong những ngày một cơn bão nhiệt đớt sắp ập tới, những thông tin nhiễu loạn và cách chơi chữ của Trung Quốc đã khiến Philippines đánh mất quyền kiểm soát thực tế một ngư trường truyền thống trên Biển Đông vào tay Bắc Kinh.
Kể từ giờ phút đó, vui thì Bắc Kinh cho ngư dân và tàu tiếp tế của Manila tiến vào lòng bãi cạn Scarborough đánh bắt, buồn thì Trung Quốc điều tàu hải cảnh xua đuổi, đe dọa.
Dù việc sách nhiễu có bớt đi đôi chút dưới thời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thì dù nói bằng cách này hay cách khác, người Philippines muốn tới Scarborough phải "xin phép" Trung Quốc.
Điều đó chẳng khác nào chuyện bạn phải xin một người khác vào chính sân nhà của bạn.
Nhưng điều đó sắp sửa tái diễn trên Biển Đông nếu Bắc Kinh nối liền đường 9 đoạn.
Tàu hải cảnh Trung Quốc (màu trắng) bảo vệ tàu cá Trung Quốc đánh bắt ở bãi cạn Scarborough của Philippines vào tháng 4.2017 - Ảnh: REUTERS
"Đường lưỡi bò mới được cho là sẽ bắt đầu từ vị trí cửa vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam, đi về phía nam vào vùng biển Malaysia, rẽ ngoặt lên vùng biển phía tây Philippines và kết thúc ở phía đông nam đảo Đài Loan", báo SCMP dẫn lời một nhà khoa học cấp cao làm việc trong dự án nghiên cứu của Chính phủ Trung Quốc tiết lộ.
Nếu theo cách mô tả của vị học giả giấu tên Trung Quốc, đường lưỡi bò mới không những xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, mà còn phớt lờ vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vốn dựa trên những nguyên tắc được quy định trong UNCLOS 1982 mà Trung Quốc là một bên phê chuẩn.
Đây sẽ là lần đầu tiên người ta nhìn thấy rõ ràng ranh giới các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo lập luận của nhóm nghiên cứu, trong "đường lưỡi bò mới" Trung Quốc có toàn quyền thực thi từ quyền đánh bắt cá, khảo sát và khai thác dầu khí hoặc tài nguyên khoáng sản, cho đến việc xây dựng các căn cứ quân sự với các cảng nước sâu, sân bay.
Các quốc gia khác, trong lúc được "tự do đi lại vô hại" trong đường lưỡi bò mới, sẽ phải xin phép và thảo luận với Trung Quốc nếu cũng muốn thực thi các quyền nói trên.
Quyền tài phán của Bắc Kinh trong đường lưỡi bò mới chẳng khác nào quyền tài phán của một quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước này. Như vậy, các quốc gia, khi xin phép Trung Quốc, đã vô tình thừa nhận cái vô lý thành hợp lý, cái mơ hồ thành hữu hình và thừa nhận chủ quyền của Bắc Kinh.
Bước đầu trong liên hoàn kế
Mục đích của cái gọi là "dự án nghiên cứu khoa học" này như vậy đã quá rõ ràng. Nó được thúc đẩy bởi âm mưu chính trị nhằm tăng cường yêu sách của Trung Quốc để chuẩn bị cho những thay đổi có thể trong chính sách độc chiếm Biển Đông trong tương lai.
Nối liền 9 đoạn (thực tế là 10 đoạn, bao gồm 1 đoạn được thêm vào phía đông nam Đài Loan năm 2013) chỉ là bước đi đầu tiên.
Các tính toán về tổng trữ lượng dầu khí, khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên khác ở Biển Đông cũng đang được Trung Quốc tiến hành, dựa trên sự tài trợ của chính quyền trung ương và tỉnh Quảng Đông.
"Điều này sẽ cho phép chúng tôi hoạch định và điều phối tốt hơn các nỗ lực để bảo vệ (cái gọi là - PV) lợi ích quốc gia của chúng tôi trong khu vực, đồng thời giảm nguy cơ xung đột với các quốc gia khác vì không có biên giới trên biển", một thành viên nhóm nghiên cứu của Chính phủ Trung Quốc nói trên báo SCMP.
Một số nhà khoa học thậm chí tin rằng tổng số cảm biến giám sát dưới lòng biển mà Trung Quốc bố trí ở Biển Đông đã vượt qua số lượng cảm biến của Mỹ đang có.
Trước mắt, nhóm nghiên cứu đã nối liền đường 9 đoạn bằng hệ thống định vị toàn cầu. "Dữ liệu GPS đã chuẩn bị sẵn sàng, có thể cung cấp độ phân giải khác nhau, từ vài km tới vài cm (liên quan tới độ rộng của đường lưỡi bò mới - PV) trong trường hợp cần thiết", một thành viên giấu tên tiết lộ.
Trung Quốc sẽ dám làm gì?
Việc nối liền đường 9 đoạn dựa trên một bản đồ cũ mà theo nhóm nghiên cứu là được công bố năm 1951 bởi chính quyền Bắc Kinh.
Bản đồ này cho thấy 2 đường đen-đỏ hình dáng tương tự đường lưỡi bò hiện nay. Trong đó đường màu đen có chấm đen thể hiện chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, đường màu đỏ liền mạch là giới hạn cuối cùng quyền tài phán của Bắc Kinh.
Tấm bản đồ mà nhóm nghiên cứu "đường lưỡi bò mới" cho là căn cứ để họ nối liền các đoạn của đường lưỡi bò cũ - Ảnh chụp màn hình SCMP
"Chúng tôi cực kỳ phấn khích khi tìm thấy nó. Đó là thứ Bắc Kinh có thể trưng ra thế giới", thành viên nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
Thế nhưng độ tin cậy của tấm bản đồ đó chỉ có người Trung Quốc mới biết!
Trong khi Trung Quốc đang tiến hành thương thảo với các nước ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), tất nhiên sau khi đã đạt được các mục tiêu quan trọng trên Biển Đông, việc công bố "đường lưỡi bò mới" có thể vấp phải sự phản đối từ nhiều phía.
"Nếu Trung Quốc công bố yêu sách của họ ở Biển Đông bằng một đường liên tục nối liền 9 vạch ngang, đó là sự phủ nhận hoàn toàn phán quyết tháng 7.2016 của tòa trọng tài. Động thái này sẽ gây ra mối lo ngại sâu sắc cho các quốc gia ở Đông Nam Á và xa hơn nữa", tiến sĩ Ian J. Storey, một chuyên gia hàng hải châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện Yusof Ishak ở Singapore, nêu ra cảnh báo.
Một chuyên gia giấu tên làm việc tại Viện Nghiên cứu Biển Đông của Chính phủ Trung Quốc trong khi đó nhận định không có nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ đưa "đường lưỡi bò mới" lên các văn bản in ấn chính thức trong thời gian sớm sắp tới.
"Theo hiểu biết của tôi, Chính phủ Trung Quốc chưa có kế hoạch thay đổi đường 9 đoạn. Các nhà ngoại giao và chuyên gia về luật biển sẽ phản đối việc nối liền. Mọi việc vẫn đang theo đúng hướng Bắc Kinh muốn. Song đây chưa phải là thời điểm tốt nhất để phân định ranh giới", vị này nói một cách đầy ẩn ý.
Theo Tuổi trẻ