Nới hạn điền để tích tụ ruộng đất: Bài cuối: Không để trục lợi từ chính sách

26/05/2017 06:35

Nhà nước cần có biện pháp mạnh để điều chỉnh chính sách, tránh để đất đai bị biến thành hàng hóa với mục đích đầu cơ.





Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và bao tiêu sản phẩm cho nông dân được cho là mô hình tốt nhất
Ảnh: Lê Hương


Việc tích tụ ruộng đất để có những cánh đồng rộng, những trang trại chăn nuôi quy mô lớn tạo ra nông sản sạch, chất lượng cao đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng là việc làm cấp bách. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo chính sách mới cần bảo đảm tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn nhưng cũng phải bảo đảm lợi ích của nông dân. Nhà nước cần có biện pháp mạnh để điều chỉnh chính sách, tránh để đất đai bị biến thành hàng hóa với mục đích đầu cơ.

4 mô hình tích tụ ruộng đất

Hiện có 4 mô hình được cho là khả thi để tích tụ ruộng đất cho sản xuất hàng hóa lớn, gồm: Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và bao tiêu sản phẩm cho nông dân; nông dân cho doanh nghiệp thuê đất; nông dân góp đất theo hình thức cổ phần; chuyển nhượng đất hoàn toàn cho doanh nghiệp.

Ông Đặng Văn Trình, nguyên Phó Giám đốc Thường trực Sở Nông nghiệp Hải Hưng, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết với mô hình thứ nhất, người dân vẫn canh tác trên ruộng đất của mình, doanh nghiệp sẽ "bán" dịch vụ cho nông dân gồm quy trình sản xuất, cây, con giống... và bao tiêu sản phẩm với thương hiệu của doanh nghiệp. Khi đó, người dân được lợi hơn so với họ tự canh tác, còn doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ giá trị gia tăng đối với nông sản sạch mà người dân làm ra. "Với mô hình này, nông dân không sợ mất đất", ông Trình nói.

Đồng quan điểm với ông Trình, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho rằng mô hình  này đang áp dụng rất thành công ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Hiện rau, củ, quả của Đà Lạt đã có mặt ở nhiều thị trường nước ngoài như Singapore, Australia, Thái Lan... Thị trường trong nước, rau thương hiệu Đà Lạt có mặt ở hầu hết các siêu thị tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... Với mô hình này, vai trò quản lý nhà nước của chính quyền các cấp rất quan trọng. Hội Nông dân cấp xã phải phát huy tối đa vai trò của mình.

Thực tế cho thấy mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp những năm qua còn bộc lộ nhiều hạn chế. Vụ vải thiều năm 2016, số lượng vải thiều xuất khẩu đi nước ngoài thấp hơn nhiều so với năm 2015, đặc biệt không xuất được sang thị trường Mỹ. Nguyên nhân do người trồng vải xuất khẩu chưa tuân thủ triệt để quy trình chăm sóc, dẫn đến chất lượng quả vải không đủ tiêu chuẩn. "Vai trò của Hội Nông dân cấp xã rất quan trọng, bởi chỉ có hội viên giám sát lẫn nhau thì mới mang lại hiệu quả cao. Các hội viên phải luôn nhắc nhau làm ăn thật thà thì mới phát triển bền vững", ông Võ nói.

Mô hình nông dân cho doanh nghiệp thuê đất đang được triển khai ở Hà Nam và đã từng xuất hiện ở Lâm Đồng cách đây gần chục năm. Với mô hình này, chính quyền thuê lại đất của người dân sau đó cho doanh nghiệp thuê để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Theo GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, mô hình này khá tốt nhưng cũng gặp nhiều rủi ro vì người dân cho doanh nghiệp thuê đất kéo dài trong khi nhận tiền 1 lần. Trong khi xu thế giá đất ngày càng tăng khiến người dân sẽ chịu thiệt ở những năm cuối.

Theo ông Võ, trong hợp đồng thuê đất nên có điều khoản khoảng sau 5 năm, doanh nghiệp và người dân tính toán lại giá thuê đất cho phù hợp với thị trường. Ngoài ra, mô hình này cũng gặp trở ngại khi doanh nghiệp thuê đất, họ sẽ dành một quỹ đất để xây dựng nhà xưởng, kho bãi, đường sá. Do vậy, sau khi hết hợp đồng thuê đất, doanh nghiệp rút đi thì những diện tích này sẽ rất khó đưa vào canh tác. "Còn nhiều người băn khoăn khi ruộng đất giao cho doanh nghiệp canh tác họ đào bới để làm nhà xưởng, đường sá. Đến khi họ trả lại, người dân liệu còn canh tác được hay không?", một người dân ở xã Thúc Kháng (Bình Giang) nói khi Tập đoàn Vingroup muốn thuê 200 ha để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại đây.

Mô hình góp vốn bằng đất khá tốt nhưng với điều kiện doanh nghiệp phải "thật thà" với người dân. Nếu doanh nghiệp không trung thực, lãi nhưng vẫn báo lỗ thì đến lúc nào đó người dân sẽ mất đất. "Mô hình này rủi ro cao. Người dân vốn chất phác, thật thà nên doanh nghiệp báo thế nào họ biết thế. Đối với lĩnh vực nông nghiệp thì chưa nhưng công nghiệp đã xảy ra khi một số địa phương góp vốn bằng đất cho doanh nghiệp để kinh doanh nhưng doanh nghiệp liên tục báo lỗ. Chỉ đến khi khoản lỗ ăn hết vào đất góp vốn thì doanh nghiệp đó làm ăn mới có lãi!", ông Võ cảnh báo.

Mô hình người dân chuyển nhượng đất hoàn toàn là không hiệu quả nhất vì không bảo đảm được tư liệu sản xuất cho nông dân. Họ nhận được một khoản tiền rồi tiêu sẽ hết. Khi đó, tư liệu sản xuất không còn, người dân không biết làm gì. "Mô hình này rất nguy hiểm, ruộng đất sẽ rơi vào tay một số người giàu còn nông dân ngày càng bị bần cùng hóa", ông Đặng Văn Trình nói.

Cần có chế tài mạnh

Theo Luật Đất đai năm 1993, hạn điền ở đồng bằng sông Hồng tối đa ở mức 2 ha, đồng bằng sông Cửu Long 3 ha. Luật Đất đai 2003 sửa đổi cho phép người dân được nhận hạn mức chuyển quyền sử dụng đất lên gấp đôi so với mức hạn điền. Luật Đất đai 2013 sửa đổi tiếp tục nâng hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất lên không quá 10 lần mức hạn điền. Điều này cho thấy với quy định hạn điền trong luật đã không còn phù hợp khi quy mô sản xuất liên tục thay đổi theo chiều hướng ngày càng lớn như hiện nay.

TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng đã đến lúc không nên đặt ra các mức hạn điền bởi không phải khi nào cần, Chính phủ lại đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai mà nên dùng giải pháp "mềm" để quản lý đất đai. Theo ông Sơn, việc cơi nới, tăng dần mức hạn điền không còn hợp lý mà làm thế nào để tăng quy mô sản xuất phù hợp với năng lực phát triển của hệ thống canh tác, hệ thống kỹ thuật.

Để bảo đảm quyền lợi của người dân, ông Sơn cho rằng mô hình thứ nhất là bền vững nhất. Ruộng đất phải giao cho nông dân sản xuất. Điều này đồng nghĩa với việc nông dân sản xuất được đến đâu, quy mô thế nào đạt hiệu quả thì họ tích tụ để sản xuất đến đó. Tuy nhiên, phải có chính sách mạnh để ngăn chặn việc thay vì đầu tư vào đất đai sản xuất thì lại biến đất thành sản phẩm để đầu cơ. Do đó, trong chính sách và luật lệ mới phải quy định đất nông nghiệp do nông dân trực canh dù là quy mô lớn hay nhỏ.

Đồng quan điểm với ông Sơn, ông Đặng Hùng Võ rất lo ngại khi đất đai rơi vào tay cá nhân, doanh nghiệp qua 3 mô hình: nông dân cho doanh nghiệp thuê đất, nông dân góp đất theo hình thức cổ phần và chuyển nhượng đất hoàn toàn cho doanh nghiệp. Khi đó, Nhà nước phải tính đến một số chính sách để ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất đai. Ông Võ cho rằng hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp sau khi tích tụ được đất đai sẽ muốn trở thành đại địa chủ và họ sẽ tính toán làm cách nào để kiếm lợi lớn nhất từ đất nông nghiệp của người dân.

Theo ông Võ, để ngăn chặn việc này không khó. Khi sửa đổi luật, Nhà nước cần có điều khoản cấm "phát canh thu tô" hoặc biến đất nông nghiệp vào mục đích khác. "Luật cần quy định phạt thật nặng hoặc mạnh hơn là thu hồi đất đối với những cá nhân, doanh nghiệp phát canh thu tô hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp", ông Võ nói.

Một số chuyên gia cho rằng mô hình tốt nhất hiện nay là nông dân có đất sẽ sản xuất trên chính mảnh đất của mình nếu họ vẫn có nhu cầu nhưng phải hình thành các vùng sản xuất lớn theo mô hình liên kết hộ hoặc một hộ có nhu cầu tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và bao tiêu sản phẩm. Đối với những nông dân không có nhu cầu sản xuất thì áp dụng mô hình thứ 2 cho người dân hoặc doanh nghiệp thuê đất nhưng phải kiểm soát chặt chẽ, không để hình thành các địa chủ mới theo kiểu "phát canh thu tô" hoặc chuyển mục đích sử dụng đất.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nới hạn điền để tích tụ ruộng đất: Bài cuối: Không để trục lợi từ chính sách