Nó đến lớp với bộ mặt trầy xước, sưng vù, hai mắt đỏ sọng như thức cả đêm qua. Tôi sửng sốt:
- Cậu bị ngã à? Hay lại bị bố tẩn cho một trận, hả?
Nó “Hừ!” một tiếng rồi trả lời tỉnh queo:
- Tớ bị cướp! Mất xe đạp điện rồi.
Tôi trố mắt, kinh hoàng:
- Bị cướp á? Đã báo công an chưa?
- Báo rồi! Nhưng chắc họ chả tìm được đâu. Bọn nó bịt mặt mà!
Mấy đứa xung quanh nghe thấy vội xúm lại xuýt xoa. Đứa thì an ủi: “Của đi thay người”, đứa thì tỏ vẻ quan tâm, vỗ về: “Có đau lắm không? Bị phần mềm thôi hả?”, đứa thì vô tư, cười hềnh hệch: “Nhà đại gia, mất một con xe đạp điện thì có xá gì”. Mặt nó bỗng trở nên lầm lì, chẳng nói chẳng rằng từ lúc đó cho đến khi thầy Nam - giáo viên chủ nhiệm bước vào lớp và dạy tiết toán. Hình như thầy đã biết chuyện của nó nên không tỏ vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy bộ mặt bị thương của nó.
Chẳng hiểu vì lý do gì, từ hồi đầu kỳ hai, thầy Nam lại xếp nó ngồi cạnh tôi, ngay bàn đầu tiên. Nó vốn bị liệt vào danh sách học sinh cá biệt vì ngồi trong giờ học mà cứ luôn chân luôn tay, hết kéo tóc của cái Hoa, lại nguệch bút bi vào áo trắng của thằng Hùng. Nó quay ngang quay dọc là chuyện bình thường, cộng thêm tội hay nói leo, nói tự do trong lớp khiến cô Vân dạy tiếng Anh liệt vào hàng “tăng động”. Hầu như tuần nào nó cũng được “ngồi” chễm chệ vào sổ đầu bài khiến lớp tôi chẳng bao giờ được xếp thứ nhất. Đó cũng là lý do mà gần như cả lớp không ưa nó, không thích chơi với nó.
Thầy Nam đã dùng đủ mọi biện pháp để giáo dục nó: nhẹ nhàng có, gay gắt có, thậm chí thầy còn phạt nó đi rửa nhà vệ sinh mà nó vẫn không chừa. Thầy còn mời cả phụ huynh của nó đến trường để bàn cách làm cho nó tiến bộ. Nhưng lần thì nó thuê ông xe ôm làm bố đến nói chuyện với thầy, lần thì nó thuê bà đồng nát làm mẹ đến gặp thầy. Sau hai lần bị nó lừa, thầy Nam phát hiện ra và tuyên bố: “Nếu cậu còn muốn cắp sách đến trường thì không được nói dối nữa”. Nó vâng vâng, dạ dạ nhưng chỉ có trời mới biết có chịu sửa chữa hay không.
Tôi là một con bé ít nói, nhà lại khó khăn, chỉ có một mẹ một con chứ không giàu có, đủ đầy như nhà nó. Nhưng tôi học không tồi vì bản tính tôi rất chăm chỉ. Bạn bè rất nể tôi, thường thì tôi nói gì các bạn cũng nghe theo. Khi nó ngồi cạnh tôi, tôi liền ra điều kiện: “Cấm quay ngang quay dọc, cấm nói leo, nếu không tớ sẽ để cậu ngồi một mình”. Thế mà có hiệu quả thật. Nó ít bị “ngồi” vào sổ đầu bài hơn nên giờ sinh hoạt, thầy Nam vui ra mặt. Thầy giao cho tôi kèm cặp nó để nó tiến bộ hơn trong học tập. Hết giờ nó ngoắc tay tôi: “Nhớ nhé! Cậu phải giúp tớ tiến bộ”. Từ đó có chuyện gì nó cũng kể cho tôi nghe. Thầy Nam không biết, cả lớp không biết, chỉ có tôi biết nó sa vào nghiện chơi game từ hồi lớp 7, khi bố nó mua tặng nó một chiếc máy tính xách tay. Khi bố nó phát hiện nó dùng máy tính xách tay để chơi điện tử chứ không phải dùng vào việc học thì bố nó tịch thu luôn. Từ đó nó thường xuyên bị bố cho ăn đòn. Bắp chân nó bao lần sưng tím. Có lần bố nó tìm thấy nó đang dán mắt vào màn hình vi tính ở quán internet, một cái tát như trời giáng làm nổ cả đom đóm mắt. Nó xấu hổ, lủi thủi ra về. Từ đó nó đâm ra ghét bố. Có lần nó bảo tôi: “Thà tớ không có bố như cậu còn hơn”. Tôi bảo: “Đồ điên!”. Còn mẹ nó thì thường xuyên cho tiền để xoa dịu cơn đau sau mỗi bận nó bị ăn đòn. Nhưng từ khi bố nó phát hiện nó vẫn nói dối đi học thêm để đi chơi game thì mẹ nó quyết định cắt viện trợ. Tôi khuyên nó: “Cai game đi! Sắp thi vào lớp 10 rồi”. Nó cười trừ: “Ừ! Tớ sẽ cai”.
“Tùng ! Tùng! Tùng!” - tiết học đầu tiên kết thúc. Một chú công an xuất hiện ở cửa lớp, xin phép thầy Nam, mời nó lên văn phòng làm việc. Cuộc thẩm vấn hết đúng một tiết học. Nó trở lại lớp với gương mặt tỉnh queo. Không ai biết chú công an đã hỏi nó những gì và nó trả lời ra sao nhưng đúng một ngày sau, chiếc xe đạp điện của nó được các chú công an tìm thấy ở một tiệm cầm đồ tại thị trấn. Nó không mừng mà còn tỏ ra lo lắng. Bố mẹ nó thì bức xúc lắm, cứ nhất định yêu cầu công an phải tìm ra thủ phạm. Đến khi biết chính xác thủ phạm không phải kẻ cướp mà chính là nó thì bố mẹ nó ngã ngửa người ra. Thì ra nó không có tiền chơi game hơn một năm nay nên toàn ghi sổ nợ. Chủ quán internet tuyên bố nếu nó không trả nợ thì sẽ không cho chơi tiếp. Bí quá, nó mang xe đạp điện đi cắm, tự chà mặt mình vào tường cho trầy xước, thâm tím, rồi nói dối là bị bọn cướp đánh.
Bây giờ bố nó vô cùng ân hận vì đã đánh nó nhiều quá khiến nó dạn đòn. Mẹ nó ân hận vì tí tí là cho nó tiền tiêu pha thoải mái, để rồi nó gây ra chuyện tày trời. Còn nó, tôi biết là nó đang ân hận về hành vi nói dối của mình. Nhìn ánh mắt hờn trách của tôi, nó lí nhí: “Tớ xin lỗi! Từ nay tớ sẽ cai game”.
VƯƠNG ĐOÀN PHƯƠNG DUNG(Lớp 9C, Trường THCS Nguyễn Trãi, Nam Sách)