Nỗi buồn mùa dịch

19/04/2020 06:53

Mùa dịch này chúng ta còn chứng kiến nhiều câu chuyện buồn khác không phải do đại dịch hay vì những lý do khách quan mà do ý thức chủ quan, hành vi đáng xấu hổ của con người.

Đại dịch Covid-19 khiến chúng ta buồn lo cả mấy tháng nay. Lo vì số người mắc, người chết vẫn gia tăng không ngừng, vị trí "quán quân" về số người mắc, người chết đã thay đổi từ Trung Quốc sang Ý rồi bây giờ là Mỹ. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân khắp nơi trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng... Ở Việt Nam đã có tình trạng mất dấu F0, có người đã được công bố khỏi bệnh lại dương tính trở lại. Cuộc truy tìm theo dấu những người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai vừa kết thúc, bệnh viện vừa được dỡ bỏ lệnh phong tỏa thì giờ lại tiếp tục đi tìm những người liên quan đến ổ dịch Hạ Lôi, Mê Linh (Hà Nội).

Trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội vừa qua, ai chẳng thấy buồn. Chúng ta có thể vẫn gặp nhau qua Facebook, Zalo, họp hành, học tập trực tuyến qua các phần mềm nhưng rõ ràng vẫn thấy xa cách. Học sinh, thầy cô giáo tuy đã được "lên lớp" trở lại nhưng những trục trặc ở các lớp học trực tuyến do mạng chập chờn, do nhiều học sinh, phụ huynh chưa thành thạo công nghệ thông tin nên con không vào được lớp học... vẫn khiến diễn đàn của các nhóm lớp rất sôi động. Tôi có 2 con đều đang học bậc tiểu học, qua theo dõi lớp học trực tuyến của các cháu mấy buổi đầu đã thấy nhiều vấn đề. Có cháu lập tới 10 nick, lớp chỉ có hơn 40 cháu nhưng có tới gần 60 nick, cô giáo không biết loại cái nào, để cái nào. Vì học trực tuyến nên rất khó quản lớp, có cháu chụp ảnh, nói chuyện ồn ào với các bạn và cả người nhà mà không tắt micro nên học sinh và cả cô giáo rất khó tập trung vào bài giảng...   

Rất đông công nhân lao động, nhất là ở những doanh nghiệp thường xuyên xuất hàng sang các thị trường châu Âu, Mỹ... đang phải thất nghiệp tạm thời. Giáo viên mầm non ở các trường tư thục, cán bộ, công nhân viên các công ty du lịch, lữ hành, xuất khẩu lao động, tư vấn du học, nhân viên các nhà hàng, cửa hiệu... đang phải nghỉ việc không lương hoặc nếu có thì rất thấp...

Bên cạnh những nỗi buồn chính đáng ấy, mùa dịch này chúng ta còn chứng kiến nhiều câu chuyện buồn khác không phải do đại dịch hay vì những lý do khách quan mà do ý thức chủ quan, hành vi đáng xấu hổ của con người. Mấy hôm nay, trên mạng xã hội xuất hiện một video clip khiến dư luận dậy sóng. Đó là clip quay lại cảnh một phụ nữ đi xe tay ga chở theo 2 đứa nhỏ đến chầu chực lấy gạo ở chiếc máy "ATM gạo" miễn phí cho người nghèo trên đường Vườn Lài, quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, chiếc máy chỉ tuôn trào gạo cho hai đứa trẻ đi cùng và những người khuyết tật, người nghèo dáng vẻ lam lũ, ăn mặc nhếch nhác. Riêng chị này hai lần xếp hàng, bấm vào cây "ATM gạo" nhưng máy không nhả. Trước đó, khi các nhà hảo tâm ở Hà Nội và một số địa phương lân cận tổ chức từ thiện chia quà gồm mỳ tôm, trứng, khẩu trang… phát ở các điểm trên các tuyến đường cũng đã có không ít người đi xe tay ga, đeo đồ trang sức đắt tiền hay túi hàng hiệu dừng lại để “xin” đồ từ thiện.

Ngay trong tỉnh ta cũng có nhiều câu chuyện buồn như vậy. Mới đây, Lê Quang Huy (37 tuổi, ở khu Đỗ Xá, phường Tứ Minh, TP Hải Dương) lái xe qua chốt kiểm dịch tại thôn La Đôi, xã Hợp Tiến (Nam Sách). Khi một cán bộ tại đây đang đo thân nhiệt cho anh ta, Huy bất ngờ giật máy đo thân nhiệt rồi lái xe phóng đi. Huy đã bị khởi tố và tạm giam 4 tháng. Trước đó, Phạm Văn Xoan (sinh năm 1973, trú tại thôn Tây An, xã Chí Minh, Tứ Kỳ) cũng bị xử phạt vì hành vi không đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 và lăng mạ, xúc phạm người thi hành công vụ tại chốt kiểm soát dịch Covid-19. Đáng lên án hơn cả là vụ Trần Xuân Sơn ở phường Nhị Châu (TPHải Dương) đã lao vào định chém Chủ tịch UBND phường này khi ông đang đi kiểm tra công tác phòng chống dịch trên địa bàn và có nhắc nhở mẹ Sơn bán hàng đúng nơi quy định...

Những hành vi xấu xí ấy cần cả cộng đồng lên án, "cách ly", chung tay đẩy lùi.

KIM THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi buồn mùa dịch