Trần Nguyên Đán, hiệu là Băng Hồ, làm quan đến chức Đại Tư đồ (Tể tướng), là một nhân vật lịch sử và một nhà văn hoá rất lớn ở triều Trần. Ông là cháu 4 đời Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, ông ngoại Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi. Về hưu, ông nghỉ tại Côn Sơn, Chí Linh.
Ông là người đặc biệt nhạy bén về chính sự. Chính ông đã khôi phục lại triều Trần và cảm nhận là nó tất yếu sẽ sụp đổ trước đó đến hơn 20 năm, khi ông quyết định gả con gái cho cậu học trò nghèo là Nguyễn Phi Khanh. Vận nước sắp hết rồi, ông nói thế. Bởi càng về sau, ông càng thấy vua ngu tối, quan lại thì tham lam vụ lợi, chỉ lo cho cá nhân mình. Hồ Quý Ly thì lộng hành. Lực lượng chống lại thì bị dìm trong biển máu. Toàn bộ thơ văn của ông là lời thở dài của người biết trước là sẽ thua cuộc mà không làm gì được. Cuối cùng, ông đã làm cái việc mà đời sau, sử gia Ngô Sĩ Liên chê cười, là gửi con trai của mình cho Hồ Quý Ly để hy vọng về sau, gia hệ mình không đến nỗi phải tuyệt diệt.
Bài thơ trên được viết trong cảm xúc chung đó. Câu nào cũng hay, thấm một nỗi buồn mênh mang về vận nước, về thân mình. Hai ông già ngồi chung thuyền cùng uống rượu trên đường đi chầu vua. Có lẽ lúc này vua đang vi hành ở Đông Triều, nên thuyền từ kinh thành Thăng Long xuôi về. Nước sông thì cuồn cuộn trôi ra biển. Trên trời một cánh chim đơn lẻ bay. Dù nói là đừng buồn, nhưng rồi vẫn phải than thở khôn nguôi vì đất nước quá nhiều biến cải, gia đình khi yên khi nguy không biết thế nào. Ngẫm ra, nỗi đau của tể tướng nước Sở là Khuất Nguyên can vua không được phải trẫm mình xuống dưới sông Mịch La, hay lửa trận hào hùng đốt cháy trăm vạn quân Tào Tháo trên sông Xích Bích thời Tam quốc (làm ta liên tưởng đến chiến công oanh liệt của nhà Trần trên sông Bạch Đằng), giờ đều thành bụi đất cả, chả còn có ý nghĩa gì... Suốt chuyến đi, hai đại thần, trụ cột của triều đình, không bàn gì về kế sách sẽ tâu với vua, giúp vua trị nước, đủ thấy điều đó chẳng cần nữa rồi. Nỗi buồn của hai ông (và cũng là của vị nguyên thủ quốc gia của triều Trần) tràn cả ra ngoài bài thơ...
Đó là nỗi buồn vàng son không thể cưỡng nổi của một thời đại huy hoàng đang tàn lụi...
TRẦN NHUẬN MINH
Đông Triều thu phiếm TRẦN NGUYÊN ĐÁN (1320 - 1390) Nhị lão tiêu tiêu lưỡng mấn ban Dịch thơ: Mùa thu trẩy thuyền ở Đông Triều NGUYỄN THANHDÂN dịch |