Sau cuộc gặp gỡ bất ngờ ở lễ cưới một người bạn, tình yêu "sét đánh" giữa Thịnh và Hà tiến triển rất nhanh.
Chưa đầy hai tháng quen nhau hai người đã đòi bố mẹ hai bên tổ chức lễ cưới, mặc dù Hà chưa có công ăn việc làm gì. Đó cũng là một trong những lý do khiến bố mẹ Thịnh không đồng ý. Hơn nữa, gia đình Hà lại giàu có. Hà là con một nên được nuông chiều từ bé, muốn gì được nấy, ăn mặc và sinh hoạt như một tiểu thư đài các. Còn gia đình Thịnh đông con, kinh tế khó khăn, mọi chi tiêu trong nhà đều phải tằn tiện. Bố mẹ Thịnh sợ rằng Hà không thích nghi được cuộc sống của gia đình mình nên khuyên Thịnh nghĩ lại. Nhưng sau khi nghe Thịnh thuyết phục: "Con sẽ làm công tác tư tưởng cho cô ấy. Bố mẹ cứ yên tâm. Cô ấy nhập gia thì phải tùy tục chứ", bố mẹ Thịnh đã bằng lòng tổ chức lễ cưới.
Có con dâu mới, tưởng được nhàn hạ nhưng ngược lại, bố mẹ Thịnh còn vất vả hơn trước. Sáng sáng, mẹ Thịnh phải dậy sớm nấu ăn sáng cho cả nhà. Hai em của Thịnh cần ăn sớm để đi học, còn Thịnh cũng phải ăn no để ra công trường. Nhưng Hà dậy muộn quen rồi, cả nhà ăn xong, Hà mới ra khỏi phòng ngủ. Đã thế, mọi người để phần đồ ăn sáng, Hà không ăn mà xách cặp lồng đi mua phở về ăn một mình. Sau nhiều ngày, Hà không thay đổi, mẹ chồng Hà quyết định góp ý "chấn chỉnh" thì Hà xịu mặt xuống. Đến bữa ăn chính, cứ ngồi xuống mâm là Hà gẩy gẩy hoặc chấm mút rồi nhăn mày, nhăn mặt. Lúc đầu, Thịnh tưởng vợ bị nghén nên đã mừng thầm. Nhưng khi nghe vợ phàn nàn: "Cơm nhà anh kiểu gì ấy, mẹ toàn chém to kho mặn thôi, em nuốt không được", thì Thịnh bực lắm. Anh khuyên vợ: "Em thích ăn thế nào thì chịu khó vào bếp mà nấu, cả nhà ăn quen rồi, em đừng xử sự như thế kẻo mẹ buồn". Thấy chồng nói thế, Hà nổi cáu rồi ra điều kiện: "Vậy thì anh xin bố mẹ cho vợ chồng mình ăn riêng đi. Mỗi người một khẩu vị, ăn chung phức tạp lắm". Thịnh cương quyết: "Không được, nhà có mấy người, lại ở chung, ăn riêng sao tiện". Hà làm mình làm mẩy, cứ nằm dài trong phòng, không nấu cơm và cũng không chịu ăn uống gì. Bố mẹ Thịnh không nhịn được nữa, tuyên bố: "Từ mai, vợ chồng anh Thịnh tự nấu cơm mà ăn". Thịnh buồn lắm nhưng để hài hòa trong quan hệ với bố mẹ và với vợ, Thịnh đành chấp nhận ăn riêng.
Từ ngày ăn riêng, tính ích kỷ của Hà càng bộc lộ rõ hơn. Có đồ ăn, thức uống gì ngon, Hà cũng chẳng bao giờ đem biếu bố mẹ chồng và cho hai em chồng. Nhờ bố mẹ đẻ cho món "hồi môn" khá lớn, Hà mở cửa hàng mỹ phẩm ngay tại nhà để kinh doanh. Hằng ngày, Hà chỉ ngồi bán hàng, không có khách thì lôi phấn son ra trang điểm, tô vẽ móng chân, móng tay. Thi thoảng, hàng xóm gửi con nhỏ nhờ trông hộ, Hà cũng đùn đẩy cho mẹ chồng. Đã thế, mỗi khi họ hàng có công có việc, Hà không bao giờ nhúng tay vào. Thịnh nhắc nhở: "Em không làm giúp họ hàng, mọi người để ý, rồi sau này nhà mình có công to việc lớn thì ai người ta giúp". Hà bĩu môi: "Anh lo gì, không ai giúp thì thuê, có tiền là thuê được hết". Mỗi khi Thịnh rủ Hà vào bệnh viện thăm người thân ốm đau, Hà đều giãy nảy lên: "Em không đi đâu, em sợ mùi bệnh viện lắm". Thịnh đành lặng lẽ đi một mình.
Hà còn dự định với chồng: "Sau này đẻ con, em không cho bú đâu, nuôi con bằng sữa ngoài thôi, để em giữ dáng cho đẹp". Thịnh sững sờ, thất vọng trước những suy nghĩ và hành động của vợ. Thịnh càng buồn và thất vọng hơn khi Hà có thai hai lần đều bị chết lưu. Đi khám, bác sĩ bảo sức khỏe của Hà không tốt, nhưng Hà không tin. Hà đổ hết lỗi cho chồng: "Tại anh, tất cả là tại anh, tại anh không biết chăm sóc vợ. Người ta khuyên lấy chồng kén giống quả không sai"...
Cả đêm hôm ấy Thịnh không sao ngủ được. Những lời nói và việc làm của Hà trong suốt thời gian qua cứ ùa về trong đầu Thịnh. Lấy vợ được gần hai năm mà chẳng mấy khi Thịnh cảm thấy hạnh phúc...
TRẦN THỊ LÀNH