Nỗi buồn "của để dành"

15/12/2022 15:31

Không ít người từng rút bảo hiểm xã hội một lần, nay hết tuổi lao động không khỏi cảm thấy nuối tiếc vì thấy mình như một gánh nặng của con cháu. Giá như còn món "của để dành" đó, họ có thể sống tự tại hơn.

Những ngày qua, một số trụ sở bảo hiểm xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng quá tải người đến rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Nhiều người lao động xếp hàng từ nửa đêm để chờ lấy số thứ tự. Mỗi người đến đây mang theo một câu chuyện, một hoàn cảnh riêng. Họ chỉ là một số trong hơn 800.000 người lao động rút BHXH một lần mỗi năm, kể từ năm 2019 đến nay.

Tôi chắc rằng mỗi người lao động, thậm chí cả gia đình họ, đã phải cân nhắc rất nhiều, trước khi nộp hồ sơ xin rút món tiền mà họ từng trông đợi như một vật "phòng thân" lúc về già. Những người quyết định rút cũng đồng nghĩa họ chấp nhận khi hết tuổi lao động, sẽ không có lương hưu, mất cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí, số tiền được lĩnh về thiệt thòi hơn so với tiền đóng vào quỹ. Chưa kể thân nhân của họ sau này còn mất cơ hội được nhận trợ cấp mai táng và chế độ tử tuất.

Nhiều người lao động trong "làn sóng" rút BHXH một lần hiện nay cho biết lý do họ rút "của để dành" là vì mất việc làm sau đại dịch, kinh tế gia đình khó khăn và những khoản tiết kiệm ít ỏi không đủ giúp họ cầm cự. Không ít người nhận tiền mà lòng xót xa. Cực chẳng đã họ phải làm vậy, dù biết rằng số tiền khoảng hơn trăm triệu đồng mang về chỉ đủ trang trải trong vài tháng ngắn ngủi, rồi khi về già không biết sẽ nương vào đâu.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tuổi của lao động rút BHXH một lần ngày càng trẻ, phổ biến ở độ tuổi dưới 40 và hầu hết ở khu vực tư nhân. Trong giai đoạn 2016-2021, đã có hơn 4,59 triệu người hưởng BHXH một lần, trung bình cứ 2 người tham gia BHXH có 1 người rút một lần và năm sau luôn cao hơn năm trước. Đáng lưu ý là có tới 97% người chọn rút một lần là lao động sau 1 năm nghỉ việc không đóng BHXH.

Như vậy đối tượng rút BHXH một lần chủ yếu rơi vào nhóm công nhân với thu nhập thấp, không có tích lũy, nên khi mất việc thì đối mặt nhiều khó khăn về kinh tế. Khi đứng trước lựa chọn phải chất thêm gánh nặng vay mượn để lo cuộc sống và nhận BHXH một lần, người lao động đành chọn phương án thứ hai.

Khó khăn kinh tế là nguyên nhân trực tiếp và trước mắt, nhưng phải thừa nhận, quyết định rút BHXH một lần của người lao động không chỉ vì riêng lý do đó. Qua các diễn đàn do các cơ quan báo chí tổ chức, các bình luận của bạn đọc cũng như đánh giá của các chuyên gia, thì người lao động đang có nhiều trăn trở về chính sách BHXH hiện nay, cũng như lo ngại về những thay đổi trong thời gian tới có thể khiến họ bị ảnh hưởng quyền lợi.

Sau 6 năm thi hành Luật Bảo hiểm xã hội, bên cạnh những kết quả đạt được, luật cũng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế. Theo các chuyên gia, những hạn chế hiện nay chủ yếu là do hệ thống BHXH của nước ta được thiết kế đơn tầng, thiếu linh hoạt, chỉ với hai chế độ chủ yếu. Chế độ thứ nhất dựa trên việc đóng góp của người lao động và doanh nghiệp với BHXH bắt buộc, và của người dân có sự hỗ trợ của Nhà nước với BHXH tự nguyện. Chế độ thứ hai không dựa trên đóng góp mà do ngân sách nhà nước chi trả, dành cho người trên 80 tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội cho một số trường hợp khác dựa trên gia cảnh. Với BHXH bắt buộc, thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu quá dài. Và khi tuổi nghỉ hưu được tăng lên 60 với nữ, và 62 tuổi với nam, thì không ít người lao động, đặc biệt là công nhân trong khối ngành sản xuất, cảm thấy họ có thể không "đủ sức" chờ đến ngày lĩnh hưu. Nếu mất việc ở độ tuổi 40-50, họ sẽ rất khó có cơ hội tìm được việc làm, nói gì đến việc cầm cự thêm 15-20 năm để đóng bảo hiểm.

Khi không được hỗ trợ để có thể ở lại hệ thống an sinh, thì việc rút BHXH giải quyết khó khăn trước mắt trong lúc còn "mơ hồ" về tương lai là cách mà nhiều người đã tính đến. Hành động đó không chỉ dẫn đến rất nhiều thiệt thòi với cá nhân người lao động, mà còn gây sức ép đối với cả hệ thống an ninh xã hội.

Nắm bắt được thực tế đó, Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH đã nhấn mạnh chủ trương xây dựng một hệ thống BHXH đa tầng, hoạt động linh hoạt, đa dạng, hiện đại theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Dựa trên chủ trương đó, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Bộ LĐTB&XH chủ trì, hiện đã hoàn tất xong hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm, trong đó có giải pháp hình thành hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt hơn, gồm: Tầng trợ cấp hưu trí xã hội, tầng bảo hiểm xã hội cơ bản (bắt buộc và tự nguyện) và tầng bảo hiểm hưu trí bổ sung. Một trong những đề xuất quan trọng là sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, nhằm tạo điều kiện cho người lao động có thời gian tham gia BHXH ngắn vẫn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi.

Một chế độ BHXH được thiết kế linh hoạt, hiệu quả, vận hành bởi một hệ thống tinh gọn, chuyên nghiệp, tin cậy và minh bạch sẽ đặt niềm tin mạnh mẽ trong người lao động, giúp họ tìm được những giải pháp phù hợp với điều kiện, tránh được tình trạng giải quyết lợi ích trước mắt, bỏ qua mối lo lâu dài.

Thực tế đã cho thấy, không ít người từng rút BHXH một lần, nay hết tuổi lao động không khỏi cảm thấy nuối tiếc vì thấy mình như là một gánh nặng của con cháu. Giá như còn lương hưu, họ có thể sống khá tự tại một cách tiết kiệm. Ngay cả với những gia đình có con cái dư dả, thì khoản lương hưu hàng tháng vẫn mang lại cho bố mẹ già một niềm vui ấm áp, tự hào về quãng đời lao động cống hiến của mình.

Người lao động cũng cần tìm hiểu rõ những lợi ích của BHXH, không nóng vội giải quyết những mối quan tâm trước mắt, dựa trên những thông tin chưa thấu đáo, mà bỏ đi món "của để dành" quý giá, giúp cuộc sống của họ vững vàng hơn khi về già.

Theo báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi buồn "của để dành"