Mỗi năm có hàng chục đoàn nhà báo ra tác nghiệp ở vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trong bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” có hai câu như một lời tự vấn, tự hỏi như muốn tiếp nối sự cộng hưởng từ điệp trùng ngàn ngàn lớp sóng. Sóng biển - một phần máu thịt của Tổ quốc: “Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/Trong lòng người có ngọn sóng nào không”. Ngọn sóng yêu nước đó luôn thường trực trong mỗi người con đất Việt. Ngọn sóng đó lại được nhân lên gấp bội trong lòng những người làm báo ra quần đảo giữa biển khơi…
Tôi đã gặp vài đoàn nhà báo ra với các chiến sĩ quần đảo Trường Sa và trên các tàu cảnh sát biển ra với biển Hoàng Sa. Ngoài trang bị các máy móc để tác nghiệp, các nhà báo còn có thêm một cái áo phao màu đỏ. Cái áo phao gần giống với tấm áo nhà báo chuyên dụng. Và đằng sau lớp áo phao đó là một trái tim ấm nóng - nơi bắt đầu ngọn sóng trào dâng lên ngòi bút…
Tôi biết có nữ nhà báo khi đặt bước chân đầu tiên lên cát mịn và đá san hô của đảo giữa biển khơi xa, công việc đầu tiên của chị không phải là đưa ống kính chụp hình, hay máy ghi âm, mà chị bắt đầu gieo những hạt giống quý, các loại rau đã chọn mua kỹ càng ở đất liền xuống những chiếc khay đất mịn màng màu phù sa đồng ruộng. Chị gieo hạt rau, hạt giống như gieo những mầm chữ đầu tiên cho loạt phóng sự của mình. Đó là những điều thiết thực, một tình cảm của người em, người chị. Và bao hàm có cả tâm thức cội nguồn của người mẹ Việt Nam hiền thục nữa. Phải chăng cái ngọn sóng tình thương đã bắt đầu từ đó…
Tôi biết có những nhà báo nam đêm cũng xin ra đứng gác với ca trực của người lính, đồng hành với người lính để đồng cảm với người lính. Người lính đó là nguồn tư liệu phong phú, nguồn tư liệu sống động. Nhưng anh hãy thử đặt mình vào những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên, của bão táp, của nắng gió và sâu thẳm nhất là của cõi lòng, chạm đến những riêng tư, những nhớ nhung, những chia sẻ. Để thấm đậm cái cảm xúc trong thơ Trần Đăng Khoa: “Tổ quốc ơi! Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống/Bóng chúng tôi trùm lên đảo Thuyền Chài” khi ở trong hoàn cảnh: “Lều bạt chung chiêng giữa gió giữa trời/Đến một cái gai cũng không sống được”. Và chính anh - nhà báo chiến sĩ lại được một lần tự khám phá mình, tự thanh lọc mình và tự mình nhân lên những cảm xúc sau những trang báo, tấm hình…
Có một thời nhà báo ra trận với tư cách: “Phóng viên mặt trận”. Với chiếc ba lô đơn sơ, với chiếc máy ảnh cũ kỹ, với cuốn sổ ghi chép nhòe mực, có khi xước thủng mảnh đạn, họ đã chuyển những bài viết từ mặt trận khói bom về toà soạn qua đường giao liên, qua những tổng đài thông tin hữu tuyến. Họ khao khát mong muốn truyền những tấm ảnh đen trắng còn nóng hổi sự kiện nhưng tiếc thay phương tiện thời đó chưa đáp ứng được. Ngày nay phương tiện, thiết bị làm báo hiện đại hơn, truyền dẫn bài và ảnh tốc độ nhanh trong chớp mắt. Nhưng có một điều không thể thay thế được đó là trái tim, là tấm lòng, là “bút sắc, tâm sáng” của người làm báo. Nhà báo chiến trường năm xưa và nhà báo đời thường ngày nay đều có chung cảm hứng, chung nhịp đập thiết tha của ngọn sóng trong lòng. Ngọn sóng ấy, ngọn bút ấy cứ lay thức, cứ lan tỏa, cứ đồng vọng cùng cộng hưởng, cùng dâng lên dào dạt như muôn ngàn trùng lớp sóng đại dương. Mà ở đó có một phần của lãnh hải Tổ quốc, của “Lục địa choãi xuống thềm bằng tiếng mẹ ru con” của “Con thuyền Tổ quốc tôi băng mình qua bão tố/Từ hoa văn cuộn sóng trống đồng”. Tôi nâng niu những bài ghi chép - phóng sự của người bạn nữ đồng nghiệp, lại càng nâng niu khay rau xanh chị đã gieo hạt, gieo mầm để một ngày “Khay rau viền xanh mát những tâm tư…”
Tổ quốc nhìn từ biển hay Tổ quốc bắt đầu từ phía biển. Thì nơi đây, nơi bắt đầu ngọn sóng có bao màu áo nhà báo sau bao lớp áo phao đỏ đang tác nghiệp. Họ đến với đồng đội bằng cả tấm lòng, bằng sự cảm phục, bằng sự ngưỡng mộ. Để viết, để chụp những bức ảnh trung thực nhất, sinh động nhất và có hiệu ứng truyền thông xã hội nhất. Họ sẽ không có mặt trong những bức ảnh như thế. Nhưng trong lớp lớp ngọn sóng kia có hình bóng của họ. Thấp thoáng đằng sau những câu chuyện đời thường kia họ cũng có một phần thân phận. Họ đã hóa thân trải nghiệm, đã chứng tỏ mình. Bởi họ mong muốn: Mình cũng được tin cậy là nơi bắt đầu ngọn sóng…
Tản văn của NGUYỄN NGỌC PHÚ