Để chủ động ứng phó, các địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai phương án phòng chống thiên tai...
Tỉnh đang tập trung tu bổ, xây mới các công trình đê điều để ứng phó với thiên tai
Những năm gần đây, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Những hiện tượng thời tiết cực đoan, trái với quy luật thông thường xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều đã gây thiệt hại nghiêm trọng tới sản xuất, thậm chí là tài sản và tính mạng của người dân. Để chủ động ứng phó, các địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai phương án phòng chống thiên tai.
Chủ động trong mọi tình huốngVài năm trở lại đây, thiên tai xảy ra ít hơn về số lượng nhưng cường độ tác động tiêu cực lại đạt mức kỷ lục. Nắng nóng, mưa rét thất thường đã làm đảo lộn mọi sinh hoạt, ảnh hưởng tới sản xuất, nhất là trong nông nghiệp. Trong thời gian qua, hiện tượng El Nino gây ra nhiều hình thái thời tiết cực đoan đang có dấu hiệu suy yếu, tuy nhiên khả năng La Nina xuất hiện lại cao đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều loại hình thiên tai khốc liệt khác, nhất là mưa lũ và bão lớn. Chính vì vậy, hiện nay các địa phương đang khẩn trương hoàn thiện các công trình trọng điểm phòng chống lụt bão (PCLB). Theo kế hoạch, năm nay Hải Dương sẽ tu bổ, cải tạo 4 cống dưới đê, 3 kè lát mái hộ bờ, 3 công trình hoàn thiện mặt cắt và gia cố đê, xây dựng 1 tường chắn nước, 1 điểm khoan phụt vữa gia cố thân đê để bảo vệ an toàn cho các tuyến đê trong mùa mưa lũ. Ngoài ra, để phục vụ việc tuần tra, canh gác, 8 điếm canh đê cũng được xây mới tại các huyện Cẩm Giàng, Kinh Môn, Tứ Kỳ, Thanh Hà.
Kinh Môn là địa phương có địa hình bán sơn địa nên việc phòng tránh, khắc phục hậu quả khi xảy ra thiên tai gặp nhiều khó khăn. Nằm ở vị trí hạ lưu các con sông nên huyện chịu tác động mạnh mẽ của triều cường, nhiều khu vực rất dễ xảy ra ngập úng. Tuy nhiên, nhiều nơi lại có cốt đất cao, thường xuyên gặp hạn và phải đề phòng sạt lở đất. Biến đổi khí hậu càng làm cho các khu vực trong huyện có sự phân hóa sâu sắc. Vì vậy, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) huyện đã xây dựng phương án đối phó theo đặc thù riêng. Theo dự báo, năm nay trên địa bàn huyện có thể xảy ra các hiện tượng thời tiết bất thường như rét hại, sương muối, động đất, mưa đá, sét, lốc... Các loại hình thiên tai theo quy luật như mưa bão, nắng nóng cũng có thể thay đổi về thời gian xuất hiện và mức độ tác động. Để hạn chế tối đa hậu quả do thiên tai gây ra, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động các biện pháp ứng phó cụ thể, chi tiết trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả. Hiện tại, huyện đang gấp rút hoàn thành các công trình PCLB trước ngày 31-5 và yêu cầu các xã, thị trấn khẩn trương tổ chức tập huấn PCTT - TKCN.
Là địa phương có nhiều trọng điểm cần bảo vệ trong mùa mưa bão, huyện Thanh Hà cũng đang nhanh chóng hoàn thành kế hoạch tu bổ đê điều và thủy lợi nội đồng. Ông Nguyễn Văn Vững, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Thanh Hà cho biết: "Thời điểm này, các đơn vị chuyên môn trong huyện tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình để kịp thời xử lý những vị trí xung yếu, bảo vệ an toàn tuyến đê. Sau khi rà soát, nhận định đặc điểm từng địa bàn và tính đến những tình huống xấu nhất có thể xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện đề ra phương án ứng phó theo từng khu vực và mức độ ảnh hưởng".
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thời gian tới, thời tiết tiếp tục gia tăng sự cực đoan: Nóng thì nóng hơn, rét cũng rét hơn, mưa cục bộ nhiều hơn. Theo ông Lương Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB tỉnh, để giảm thiểu tổn thất do thiên tai gây ra, các địa phương phải chủ động trong mọi tình huống, xây dựng phương án bám sát tình hình thực tế, phải chú trọng và hoàn thiện phương án phòng chống bão mạnh, siêu bão và ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơMặc dù các địa phương đều chủ động xây dựng phương án ứng phó với thời tiết cực đoan, tuy nhiên quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh các công trình phục vụ PCTT được tu bổ, xây mới hiện vẫn còn nhiều tuyến đê, công trình thủy lợi đang xuống cấp nghiêm trọng, khó bảo đảm an toàn khi có thiên tai xảy ra. Năm nay, Hải Dương có 13 trọng điểm cần được bảo vệ trong mùa mưa bão, tăng 6 trọng điểm so với năm trước. Các công trình được xác định là trọng điểm đều đã xây dựng từ lâu, hư hỏng nặng nhưng chưa có kinh phí xử lý. Ngoài ra, tình trạng khai thác cát trái phép gia tăng làm xuất hiện nhiều điểm sạt lở nguy hiểm lấn sâu vào chân đê, làm nứt dọc thân đê và sạt tụt mái đê.
Các vi phạm về đê điều, công trình thủy lợi không được xử lý dứt điểm là một trong những nguyên nhân khiến việc phòng chống thiên tai gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết: "Tốc độ đô thị hóa đã phá vỡ quy hoạch thủy lợi, làm phát sinh nhiều vi phạm. Trong khi đó các vi phạm không được xử lý triệt để đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả sử dụng và tuổi thọ công trình".
Thời tiết ngày càng diễn biến bất thường nhưng việc quan trắc, dự báo còn nhiều bất cập. Việc cung cấp thông tin không kịp thời khiến việc xử lý các tình huống thiên tai thêm khó khăn. "Nhiều địa phương vẫn còn có tư tưởng chủ quan trong việc ứng phó với thời tiết cực đoan, chưa quan tâm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Kể cả khi có cơ sở hạ tầng vững chắc, nhưng nếu không chủ động trang bị kiến thức về phòng chống thiên tai thì thiệt hại sẽ khó lường", ông Lương Văn Cảnh cho biết thêm.
Mùa mưa bão đang đến gần, bên cạnh việc chuẩn bị tốt nhân lực, vật lực, các địa phương cũng cần quan tâm tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của mỗi người. Phòng chống thiên tai không phải là nghĩa vụ của riêng cá nhân, tổ chức nào mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Chỉ khi cộng đồng nhận thức được như vậy thì mới thực sự chủ động và sẵn sàng ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu.
PV