Chiều 29-7, tại Nhà Quốc hội, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV đã bế mạc sau 8 ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm, dân chủ và trí tuệ.
Quanh cảnh phiên bế mạc. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước: Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; cùng nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các bậc lão thành cách mạng, đại biểu Quốc hội các khóa trước đã dự phiên bế mạc.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ tại kỳ họp này, với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, thẳng thắn, Quốc hội đã hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm là xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức, bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao của các cơ quan nhà nước, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Với sự tín nhiệm cao, Quốc hội đã bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước; bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; bầu Thủ tướng Chính phủ; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách các Phó Chủ tịch và các ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh.
Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2015 và những tháng đầu năm 2016.
Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành kinh tế-xã hội của đất nước và đã đạt được những kết quả tích cực, đó là: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức hợp lý; các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được cải thiện; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tội phạm tiếp tục được quan tâm chỉ đạo quyết liệt; các hoạt động đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế đạt được một số thành tựu mới.
Tuy nhiên, Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn yếu kém, tồn tại trong các ngành, lĩnh vực; phân tích, dự báo những thuận lợi cùng với những nguy cơ, thách thức phải đối mặt trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động phức tạp khó lường, tình hình trong nước có những điều kiện không thuận lợi, như tình hình biến đối khí hậu tác động không thuận đến phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân; vấn đề ô nhiễm môi trường nói chung và tác động của sự cố ô nhiễm môi trường do vi phạm của dự án Formosa gây ra nói riêng; những diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông... đều có tác động rất lớn đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2016.
Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành để có giải pháp sát thực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội những tháng còn lại của năm 2016, phấn đấu đạt được mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Quốc hội đã phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 và đặc biệt lưu ý Chính phủ tăng cường chỉ đạo, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, giảm bội chi, bảo đảm an toàn nợ công.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở phân tích kỹ tình hình thực tế những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội đang được cử tri đặc biệt quan tâm, Quốc hội đã quyết định Chương trình hoạt động giám sát năm 2017 với hai chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”, đồng thời quyết định thành lập Đoàn giám sát để tiến hành giám sát hai chuyên đề đã được lựa chọn. Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan khẩn trương chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình giám sát, các đại biểu Quốc hội tích cực, chủ động tham gia các hoạt động giám sát của Quốc hội để chương trình giám sát bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất.
Trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm sâu sắc việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng các đề nghị, kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh và thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan, các vị đại biểu Quốc hội đề cao trách nhiệm, thực hiện đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng nâng cao chất lượng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của các dự án luật trình Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và hành động, Quốc hội khóa XIV cần tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để hoàn thành tốt những nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước. Mỗi đại biểu Quốc hội, mỗi cơ quan của Quốc hội cần phát huy mạnh mẽ truyền thống 70 năm vẻ vang của Quốc hội, cần chủ động hơn trong việc tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của cử tri, bám sát thực tiễn, nghiên cứu, phát hiện vấn đề để kiến nghị, đề xuất, đóng góp tích cực vào hoạt động của Quốc hội để Quốc hội hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trách nhiệm mà đồng bào và cử tri cả nước giao phó.
Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan trong bộ máy nhà nước khẩn trương củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ; nỗ lực đổi mới lề lối, phong cách làm việc cho phù hợp với yêu cầu mới, bảo đảm hoạt động có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả; để Nhà nước ta thật sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, phát huy mọi nguồn lực trong nước, chủ động nắm bắt các cơ hội hợp tác quốc tế để tạo đà, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần đưa đất nước phát triển toàn diện, vững chắc, đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Nhân dịp Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV kết thúc, thay mặt các vị đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng ghi nhận những cống hiến, đóng góp tâm huyết, đầy trách nhiệm của các vị lãnh đạo tiền nhiệm, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, các vị đại biểu Quốc hội khóa XIII không tiếp tục tái cử, đối với hoạt động của Quốc hội và công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chân thành cảm ơn và chúc mừng các vị đại biểu Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các bậc lão thành cách mạng, các vị khách quý đã dành thời gian tham dự kỳ họp và luôn quan tâm, góp ý kiến cho hoạt động của Quốc hội; cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Tổng Bí thư, sự phối hợp chặt chẽ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cảm ơn hoạt động tích cực, hiệu quả của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội; của các ngành, các cấp, các đoàn thể, cơ quan thông tấn, báo chí, các đơn vị phục vụ; cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ, đóng góp ý kiến quý báu của cử tri và nhân dân cả nước đã góp phần vào thành công của kỳ họp.
Trước đó, tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, với 467 đại biểu tán thành (94,53%), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
Theo TTXVN