Nỗ lực đạt tiêu chí thu nhập

20/09/2012 07:00

Để đạt được tiêu chí về thu nhập, mỗi xã phải xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, trong đó chú trọng những lợi thế về đất đai, giao thông, nguồn nhân lực...



Để đạt được tiêu chí về thu nhập, xã Thái Học (Bình Giang) đẩy mạnh phát triển ngành nghề, dịch vụ.
Trong ảnh: Người dân đầu tư kinh doanh tại Siêu thị Tây Bắc. Ảnh: Thành Chung


Trong bộ tiêu chí nông thôn mới (NTM), tiêu chí thu nhập quy định  thu nhập đầu người của xã NTM khu vực đồng bằng sông Hồng phải cao gấp 1,5 lần so với mức thu nhập bình quân của tỉnh. Tuy nhiên, do có chênh lệch trong thu nhập giữa khu vực nông thôn và thành thị và khó khăn trong việc xác định cụ thể thu nhập của khu vực nông thôn nên Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã có văn bản lấy ý kiến sửa đổi tiêu chí thu nhập. Theo quy định mới, đến năm 2015, thu nhập bình quân của các xã NTM khu vực đồng bằng sông Hồng là 26 triệu đồng/người/năm và đến năm 2020 tăng lên 42 triệu đồng.

Theo Niên giám Thống kê năm 2011 do Cục Thống kê phát hành, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh  ta đạt 22,7 triệu đồng, chưa phân biệt được thu nhập khu vực nông thôn và khu vực thành thị. Căn cứ vào đó, trong 58 xã xây dựng NTM giai đoạn 1 của tỉnh thì mới có các xã Thất Hùng, Hiệp Hòa (Kinh Môn), Hưng Đạo (Tứ Kỳ), Đồng Gia (Kim Thành) và Cao An (Cẩm Giàng) đạt được tiêu chí về thu nhập. Ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết: "Tỉnh đồng ý với ý kiến của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn về mức thu nhập của người dân khu vực nông thôn. Tuy nhiên, để thực hiện được tiêu chí trên, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn".

Tỉnh ta đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn như: 4.500 ha hành tỏi, 1.800 ha cà rốt, 1.034 ha cà chua, 2.400 ha cải bắp, 2.016 ha khoai tây, 1.845 ha bí xanh, 2.662 ha dưa hấu, trên 2.000 ha rau xanh các loại, giá trị sản xuất rau màu đạt từ 100-300 triệu đồng/ha/năm. Diện tích cây ăn quả luôn duy trì ổn định 22 nghìn ha, trong đó tập trung vào 3 loại cây chính là: vải, ổi và na. Trong gieo cấy lúa đã đưa các giống lúa lai, lúa chất lượng cao như Syn6, Thục Hưng, PC 6, P6ĐB... vào gieo trồng, đồng thời duy trì những vùng lúa đặc sản ở Kinh Môn, Kim Thành. Nhiều loại cá mới, lợn nái ngoại, bò lai cho năng suất và giá trị kinh tế cao cũng được đưa vào chăn nuôi với quy mô lớn. Với những biện pháp như vậy, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp từ 25 triệu đồng năm 2005 tăng lên 72 triệu đồng năm 2011, hệ số sử dụng đất ở nhiều nơi đạt đến gần 4 lần/năm. Tỉnh có chủ trương phát triển làng nghề, giải quyết việc làm lúc nông nhàn, nhưng hiện nay nhiều làng nghề cũng gặp khó khăn. Nguồn lao động nông thôn nhiều nhưng trình độ thấp nên tiền công lao động không cao. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, dẫn đến thu hẹp quy mô sản xuất, giảm công nhân, làm cho nhiều lao động không có việc làm. Tỉnh ta đẩy mạnh xuất khẩu lao động khu vực nông thôn, nhưng những năm gần đây, thị trường này không ổn định, thu nhập không cao nên khó thu hút lao động tham gia.

Cẩm Đoài là một trong 5 xã của huyện Cẩm Giàng xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015. Đến nay, xã đạt được 10 trong tổng số 19 tiêu chí. Ông Nghiêm Xuân Yên, Chủ tịch UBND xã Cẩm Đoài cho biết: "Trong 9 tiêu chí còn lại thì tiêu chí thu nhập là khó đạt nhất. Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của địa phương mới đạt 10,5 triệu đồng. Những năm qua, địa phương đã dành một diện tích lớn đất cho việc xây dựng khu công nghiệp Đại An, cả xã chỉ còn 140 ha. Người dân chủ yếu là cấy lúa, không trồng rau màu bởi không có lao động. Với 86 ha nuôi thủy sản thì chủ yếu là nuôi cá truyền thống nên năng suất không cao. Khu công nghiệp Đại An thu hút hơn 1.000 lao động địa phương nhưng chủ yếu là lao động giản đơn nên thu nhập không cao. Để đạt được tiêu chí thu nhập, Cẩm Đoài đẩy mạnh khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch vùng lúa tập trung, khuyến khích nhân dân phát triển tiểu, thủ công nhiệp, xây dựng nhà trọ, xuất khẩu lao động, làm cơ khí, xây dựng...".

Xã Thái Học (Bình Giang) cũng đang nỗ lực để đạt được tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM. Những năm qua, cơ cấu kinh tế của Thái Học đã có sự chuyển biến đáng kể, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dịch vụ, thương mại. Đến năm 2015, Thái Học phấn đấu tỷ trọng nông nghiệp còn 23%, tiểu, thủ công nghiệp đạt 33% và dịch vụ thương mại đạt 44%, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng. Để đạt được mục tiêu trên, xã Thái Học xác định được những việc làm trong thời gian tới. Trong nông nghiệp, xã duy trì ổn định 380 ha lúa, tập trung phát triển một vùng, một giống, một thời gian; duy trì diện tích rau màu ở mức 28 ha với các giống cho hiệu quả kinh tế cao như bí xanh, cà chua, ớt, khoai tây. Đặc biệt, xã chú trọng phát triển tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Ngoài ra, xã còn khuyến khích người dân phát triển các nghề cơ khí, xây dựng, xuất khẩu lao động... Kế hoạch là vậy nhưng những giải pháp thực hiện thì còn hạn chế.

Để đạt được tiêu chí về thu nhập, theo ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT, mỗi xã phải xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tùy thuộc vào đặc điểm của địa phương, trong đó chú trọng những lợi thế về đất đai, giao thông, nguồn nhân lực...Về lâu dài, để tăng thu nhập cho người dân nông thôn, tỉnh tập trung vào 6 nhóm giải pháp. Đó là đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, trong đó tập trung vào nghiên cứu, lai tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi tốt, chất lượng ngon, an toàn và năng suất ổn định. Tiến hành quy vùng thâm canh, xây dựng cánh đồng mẫu lớn để sản xuất sản phẩm theo hướng hàng hóa. Tăng cường mối liên hệ giữa các gia đình, tổ hợp tác, HTX trong việc sản xuất sản phẩm. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông sản. Tập trung đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn để có thể làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp và tham gia xuất khẩu lao động.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực đạt tiêu chí thu nhập