Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm nay có chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”.
Diễu hành tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS trên các tuyến đường TP Hải Dương
Mục tiêu 90-90-90 từ lâu cũng đã trở thành hướng phấn đấu trong công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
Tuyên truyền là yếu tố hàng đầu
Mục tiêu 90-90-90 là 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV và 90% số người được điều trị bằng ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền cho người khác. Đây chính là mục tiêu do Liên hợp quốc đề ra từ năm 2014.
Tại tỉnh ta, để hướng tới việc thực hiện mục tiêu 90-90-90, ngành y tế đã chủ động giao chỉ tiêu cho các đơn vị y tế trong toàn tỉnh tiến hành rà soát, tư vấn và xét nghiệm HIV/AIDS cho những đối tượng có hành vi nguy cơ cao, gia đình người nhiễm HIV/AIDS để phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV/AIDS. Việc thực hiện mục tiêu 90 đầu tiên là điều kiện tiên quyết để thực hiện các mục tiêu tiếp theo. Vì người nhiễm HIV phải biết được tình trạng bệnh của mình mới có phương hướng để điều trị cũng như có các biện pháp phòng chống lây nhiễm cho cộng đồng. Trên thực tế, tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS dù đã giảm nhiều so với những năm trước đây, nhưng sự mặc cảm của những người này với xã hội vẫn còn, nên họ thường giấu tình trạng bệnh và từ chối sử dụng các dịch vụ y tế. Do đó, cách tiếp cận tuyên truyền đối với những người có hành vi, nguy cơ cao đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Năm 2018 cũng là thời điểm Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS hỗ trợ triển khai đa dạng các hình thức xét nghiệm HIV. Đặc biệt chú trọng các hình thức xét nghiệm HIV không chuyên dựa vào cộng đồng như xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, xét nghiệm HIV lưu động và hình thức tự xét nghiệm của các nhóm tổ chức dựa vào cộng đồng. Nhiều nhóm dựa vào cộng đồng có thành viên là những người nhiễm HIV/AIDS, người nghiện chích ma túy nên họ dễ tiếp cận và có biện pháp tuyên truyền phù hợp để vận động những người có nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, phụ nữ hành nghề mại dâm, người thân của những người nhiễm HIV/AIDS xét nghiệm HIV/AIDS. Dự án triển khai ký hợp đồng với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho 10 phòng xét nghiệm sàng lọc HIV tại 10 trung tâm y tế tuyến huyện. Tính đến ngày 30.9.2018, đã có 9.941 đối tượng có nguy cơ được tư vấn và xét nghiệm tại các phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện, các cơ sở y tế và tại các nhóm dựa vào cộng đồng.
Lấy máu xét nghiệm cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh
Nâng cao chất lượng điều trị
Tỉnh ta tiếp tục duy trì 5 điểm chăm sóc và điều trị ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại 5 địa bàn có nhiều người nhiễm HIV là TP Hải Dương, Kinh Môn, Kim Thành, Chí Linh và Cẩm Giàng và phối hợp điều trị cho phạm nhân, trại viên nhiễm HIV/AIDS tại Trại giam Hoàng Tiến, cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Tính đến ngày 30.9.2018, lũy tích các trường hợp nhiễm HIV là người Hải Dương, phát hiện trên địa bàn tỉnh là 4.680 người; trong đó có 3.065 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS, 1.676 trường hợp đã tử vong do AIDS. Đến nay, 12 huyện, thị xã, thành phố và 98% số xã, phường, thị trấn đã phát hiện có người nhiễm HIV/AIDS. Toàn tỉnh có 1.509 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được điều trị ARV, trong đó có 73 bệnh nhân dưới 15 tuổi. Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS tiếp tục hỗ trợ triển khai tư vấn xét nghiệm HIV toàn diện cho phụ nữ mang thai ở 4 địa phương, gồm TP Hải Dương, thị xã Chí Linh và các huyện Kinh Môn, Kim Thành. Tổng số phụ nữ mang thai được tư vấn và xét nghiệm HIV trong 9 tháng đầu năm nay là 6.511 người. 13 phụ nữ mang thai nhiễm HIV và 12 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được đưa vào chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Chất lượng điều trị thuốc kháng virus ARV tiếp tục được mở rộng và cải thiện để tối đa hóa lợi ích về điều trị, dự phòng giảm lây truyền HIV và giảm tử vong do AIDS, góp phần đạt mục tiêu 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người điều trị ARV có tải lượng virus HIV thấp dưới ngưỡng ức chế.
Trong bối cảnh các dự án quốc tế sẽ cắt nguồn viện trợ, thuốc kháng virus ARV từ chỗ hỗ trợ miễn phí cho bệnh nhân HIV/AIDS sẽ chuyển qua hình thức thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT), nếu bệnh nhân không có thẻ BHYT thì chi phí điều trị sẽ trở thành gánh nặng với họ. Ngoài các trường hợp bệnh nhân đã có thẻ BHYT do đang làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp, được Nhà nước hỗ trợ mua thẻ theo diện hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em… hoặc mua thẻ tự nguyện thì Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh tiến hành rà soát và hỗ trợ mua thẻ đối với những bệnh nhân chưa có thẻ BHYT, đặc biệt là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn; phấn đấu 100% số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đều có thẻ BHYT trong quá trình điều trị. Dự kiến đợt này sẽ có hơn 200 bệnh nhân được hỗ trợ mua thẻ BHYT. Thẻ có giá trị sử dụng trong vòng 1 năm bắt đầu từ 1.1.2019. Số tiền mua thẻ được trích từ ngân sách của tỉnh và Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS.
Để thực hiện thành công công tác phòng chống HIV/AIDS nói chung cũng như bảo đảm thực hiện mục tiêu 90-90-90, chúng ta cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho mọi người; cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc hỗ trợ và điều trị; lồng ghép hiệu quả chương trình phòng chống HIV/AIDS với chương trình phòng chống các tệ nạn ma tuý, mại dâm.
HUYỀN TRANG