Thời gian tới, Ninh Giang sẽ tiếp tục phát huy những tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Tập trung xây dựng và thực hiện quy hoạch vùng, gắn với quy hoạch phát triển đô thị nông thôn.
2 năm qua, Công ty CP May Hải Anh tại cụm công nghiệp Hồng Phúc-Hưng Long đã đóng góp tích cực vào ngân sách địa phương và tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Ảnh tư liệu
Những năm gần đây, huyện Ninh Giang luôn quan tâm phát triển công nghiệp. Các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện đã có những chuyển biến tích cực, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Công nghiệp bứt phá
Công ty TNHH Sees Vina ở huyện Tứ Kỳ đã đầu tư dự án sản xuất găng tay, quần áo xuất khẩu tại xã An Đức (Ninh Giang) từ năm 2014. Đầu năm 2020, doanh nghiệp này tăng vốn đầu tư lên hơn 87 tỷ đồng để mở rộng sản xuất, nâng công suất dự án lên gấp đôi, thành 5 triệu sản phẩm/năm. Những năm qua, công ty đã đóng góp tích cực cho ngân sách huyện. Năm 2017, doanh nghiệp nộp ngân sách hơn 2,8 tỷ đồng và tăng lên trên 3,4 tỷ đồng trong năm 2018.
Cuối năm 2018, Công ty CP May Hải Anh đưa dự án nhà máy sản xuất, gia công các sản phẩm may mặc số 2 vào hoạt động tại cụm công nghiệp (CCN) Hồng Phúc - Hưng Long. Dự án chuyên sản xuất, gia công hàng may mặc xuất khẩu đi Mỹ và thị trường EU với quy mô hơn 20,4 triệu sản phẩm mỗi năm. 2 năm qua, doanh nghiệp đã đóng góp tích cực vào ngân sách địa phương và tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động.
Theo thống kê sơ bộ, trong 5 năm qua, huyện Ninh Giang đã thu hút được gần 50 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký ban đầu khoảng 2.000 tỷ đồng. Nhiều dự án mới của các Công ty TNHH: Giầy Sao Đỏ, Thời trang Universal, Mastina, Chế biến nông sản xuất nhập khẩu Vạn Phúc, Công ty CP May Hải Anh... đi vào hoạt động, đóng góp tích cực cho ngân sách, tạo việc làm cho người dân trong huyện. Huyện hiện có 2 CCN là Nghĩa An và Hồng Phúc - Hưng Long, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt khoảng 70%.
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Giang lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020 - 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2016-2020 của huyện đạt 37,8%/năm, cao gấp hơn 3 lần so với mục tiêu đề ra. Điều này cho thấy sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện.
Xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi
Cùng với những điều kiện đã có, Ninh Giang đang có thêm nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp trong thời gian tới. Đường trục Bắc - Nam đi qua 5 xã của huyện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. UBND tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương nghiên cứu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quy hoạch các khu ven đường trục Bắc - Nam để phát triển công nghiệp, khu dân cư.
Năm 2020, huyện Ninh Giang đã đề xuất bổ sung hơn 10 CCN vào quy hoạch phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó có nhiều CCN dọc theo trục Bắc - Nam và các đường tỉnh qua huyện. Một số CCN đề xuất đã được tỉnh chấp thuận chủ trương thành lập. Phát triển các CCN mới là nền tảng rất cần thiết để phát triển công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương; đồng thời khai thác hiệu quả quỹ đất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ninh Giang, thời gian qua, huyện luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu; khuyến khích các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào các CCN và các vùng đã được quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ. Hằng năm, huyện đều tổ chức rà soát tổng thể các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và có đề xuất phương án điều chỉnh cục bộ hoặc chi tiết để phù hợp với thực tế của địa phương. Các quy hoạch đều được công khai để DN kịp thời nắm bắt.
Ông Phạm Văn Khảnh, Bí thư Huyện ủy Ninh Giang cho biết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã đoàn kết, chủ động khai thác các yếu tố thuận lợi, nỗ lực vượt qua khó khăn để xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian tới, Ninh Giang sẽ tiếp tục phát huy những tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Tập trung xây dựng và thực hiện quy hoạch vùng, gắn với quy hoạch phát triển đô thị nông thôn. Tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN, các DN đầu tư vào huyện, trong đó ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, công nghiệp công nghệ cao… Địa phương cũng sẽ chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chú trọng cải cách hành chính, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
HOA LAN