Bằng việc dạy nghề gắn với việc làm cho lao động nông thôn nên mỗi năm, trên địa bàn huyện Ninh Giang có 5.000-7.000 lao động được tư vấn, học nghề, hàng nghìn lao động có việc làm và được tạo việc làm mới...
Dạy nghề may cho người lao động ở Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp huyện Ninh Giang
Những năm qua, cấp uỷ, chính quyền huyện Ninh Giang xác định nhiệm vụ dạy nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn là mục tiêu, biện pháp quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Do đó, huyện chủ động, phân tích rõ những khó khăn, thuận lợi của địa phương để chỉ đạo từng đơn vị, ban, ngành, đoàn thể phối hợp đẩy mạnh dạy nghề, gắn với tạo việc làm cho người lao động...
Chị Nguyễn Thị Mơ, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện cho biết: Hằng năm, Huyện hội chỉ đạo, hướng dẫn 28 cơ sở hội xã, thị trấn phối hợp với Đài Phát thanh huyện và đài truyền thanh các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dạy nghề, đối tượng học nghề, chính sách ưu tiên cho những người thuộc diện chính sách, bảo trợ xã hội, người nghèo, khuyết tật. Trong những buổi sinh hoạt hội, giao ban hằng tháng luôn rà soát số hội viên tham gia học nghề, số phụ nữ có khả năng phát triển nghề, tạo việc làm cho chị em. Qua đó động viên, biểu dương những cơ sở tích cực vận động được nhiều chị em tham gia học nghề, những gương điển hình phát triển nghề phụ, tạo việc làm cho phụ nữ . Vì vậy, nhận thức của hội viên về công tác này tốt hơn trước. Trong mấy năm qua, số phụ nữ tham gia học nghề ngày càng tăng. Năm 2010, Huyện hội phối hợp với các ban, ngành chức năng mở được 37 lớp sơ cấp nghề cho 1.970 hội viên. Sau khi hoàn thành khoá học, các chị vận dụng kiến thức vào sản xuất, kinh doanh, tranh thủ làm thêm lúc nông nhàn, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, Huyện hội phối hợp, động viên 49 chị năng động, cùng với gia đình đầu tư vốn, mua sắm máy móc và nguyên liệu tạo việc làm thường xuyên cho 2.143 hội viên với các nghề thêu ren, đính hạt cườm, móc len sợi. Điển hình như chị Phạm Thị Hải ở xã Ứng Hoè tạo việc làm cho 369 chị đính hạt cườm xuất khẩu, thu nhập bình quân 500 - 700 nghìn đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Nga ở xã Quyết Thắng tạo việc làm cho 140 chị làm thêu ren, thu nhập đạt 600 - 700 nghìn đồng/người/ tháng...
Anh Trần Văn Chắn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, hội thường xuyên phối hợp với các trung tâm dạy nghề, năm 2010 mở được 18 lớp cho 540 hội viên. Trong đó, có 150 người thuộc 2 xã Nghĩa An và Ứng Hoè học nghề may công nghiệp; 390 hội viên tại các xã trong huyện học nghề cơ khí và trồng trọt. Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề huyện cũng là đơn vị có nhiều giải pháp thu hút lao động học nghề. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Đăng Huy, Phó Giám đốc trung tâm cho biết, đơn vị đã khắc phục khó khăn, tập trung đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại; bồi dưỡng giáo viên kỹ thuật các trường THCS, THPT về giáo dục tổng hợp hướng nghiệp; đẩy mạnh nghề đào tạo và liên kết mở rộng nhiều loại hình nghề đào tạo cho các đối tượng có nhu cầu học nghề trên địa bàn. Năm qua, trung tâm đã tư vấn, hướng nghiệp và dạy nghề cho 3.441 học sinh phổ thông với các nghề điện dân dụng, tin học ứng dụng, làm vườn, chăn nuôi; tư vấn dạy nghề trình độ sơ cấp cho 1.179 học viên là lao động nông thôn, người nghèo với các nghề: trồng trọt, bảo vệ thực vật, nuôi thuỷ sản, chăn nuôi thú y, tin học văn phòng, kỹ thuật dệt, điện, may công nghiệp và nghề cơ khí sửa chữa máy nông nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp, trang trại, cơ sở sản xuất tư nhân và nhiều loại hình hoạt động kinh tế khác giới thiệu, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Thông qua học nghề, hầu hết lao động ở Ninh Giang đều tìm được việc làm, hoặc được giới thiệu việc làm, ổn định đời sống. Nhiều lao động phát huy hiệu quả từ việc học nghề, phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu như anh Phạm Văn Tặng, hội viên nông dân ở xã Quang Hưng, học nghề nuôi thuỷ sản tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề huyện năm 2008. Sau đó, về áp dụng chăn nuôi trên diện tích 1 mẫu, thu nhập 70 - 80 triệu đồng/năm...
Bằng các hình thức đó, trên địa bàn huyện Ninh Giang mỗi năm có 5.000 - 7.000 lao động được tư vấn, học nghề; hàng nghìn lao động có việc làm và được tạo việc làm mới. Cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ của huyện còn 6%. Theo anh Trần Quang Cao, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Thường trực chỉ đạo giảm nghèo huyện, để chất lượng dạy nghề, gắn với tạo việc làm cho người lao động trong những năm tới đạt kết quả cao hơn, ban chỉ đạo giảm nghèo huyện tiếp tục bám sát các chương trình, mục tiêu đề án dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn với giải quyết việc làm cho người lao động; phấn đấu mỗi năm dạy nghề cho 6.000 -7.500 lao động, tạo việc làm mới cho hơn 2.000 - 3.000 lao động trở lên, góp phần hoàn thành kế hoạch giảm nghèo của tỉnh...
THU LAI