Ninh Giang mất dần những làng nghề

29/04/2014 02:32

Những năm qua, Ninh Giang khuyến khích đưa các nghề phụ vào sản xuất để tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, đa số các nghề chỉ tồn tại thời gian ngắn rồi bị mai một.



Nhiều nghề phụ ở Ninh Giang khó khôi phục và phát triển


Ngày càng teo tóp

Trong nhà chị Nguyễn Thị Hải ở thôn Quảng Nội (Quyết Thắng) chỉ còn 2 người đang ngồi thêu quai dép xuất khẩu là chị và chị Nguyễn Thị Đáng (chị dâu chị Hải). Chị Đáng cho biết: "Tôi làm nghề thêu được 25 năm nay. Sau khi xã có chương trình đưa nghề phụ về cho chị em làm lúc nông nhàn, tôi đã đi học và dạy lại cho chị em trong xã. Tôi tìm được mối hàng ở bên Tứ Kỳ, lấy hàng về cho họ làm. Năm 2005-2006, có đến 90% số chị em trong làng làm nghề. Sau đó hàng thêu ít dần, chúng tôi lại chuyển sang đính hạt cườm. Còn hiện nay chúng tôi lại trở về thêu quai dép xuất khẩu. Tuy nhiên, do bận việc gia đình nên thỉnh thoảng tôi mới sang nhà Hải làm cho vui”. Hiện nay, còn rất ít chị em làm nghề. chị Hải đi lấy hàng về giao cho chị em nên nắm chắc ở xã chỉ còn 6-7 người làm nghề.

Trước đây, xã Văn Giang có nghề truyền thống là nấu rượu và thêu ren. Ông Vũ Xuân Quyền, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hiện nay, cả xã còn 200 hộ làm nghề nấu rượu rải rác ở nhiều thôn trong xã. Nghề thêu ren thì không còn một hộ nào làm. Mặc dù địa phương cũng khuyến khích nhưng không phù hợp với nhu cầu của người dân nên không thể phát huy được”.

Huyện Ninh Giang có 2 làng được công nhận là làng nghề truyền thống. Đó là nghề nấu rượu ở xã Văn Giang và mộc ở Cúc Bồ. Một số làng khác ở thị trấn Ninh Giang và các xã Ninh Thành, Tân Hương, Quyết Thắng, Ứng Hòe... có nghề phụ. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có làng nghề mộc Cúc Bồ là phát triển được, còn những làng nghề kia đều bị suy giảm về số người làm và giá trị.



Huyện Ninh Giang đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho
bánh gai Ninh Giang, một trong hai nghề còn phát triển tốt ở địa phương


Nhiều khó khăn

Nguyên nhân dẫn đến các nghề phụ và nghề truyền thống ở Ninh Giang giảm dần là do thu nhập mang lại rất thấp hoặc sản phẩm làm ra không phù hợp trong khi có nhiều công việc khác để người dân lựa chọn. Nhẩm tính một lúc, chị Đáng ở thôn Quảng Nội (Quyết Thắng) cho biết: "Nếu 1 ngày làm 8 tiếng thì chúng tôi mới có thu nhập khoảng 15 nghìn đồng, còn nếu làm thêm buổi tối từ 3-4 tiếng thì tăng lên được 20 nghìn đồng. Những hôm có hàng mà chủ yêu cầu làm gấp thì tăng hơn chút ít nữa. Tính ra thu nhập cũng chỉ được 600-700 nghìn đồng/người/tháng, chỉ bằng 1/3 so với những người đi làm ở các công ty nên nhiều người không muốn làm. Chúng tôi còn ngồi thêu chẳng qua là vì đã quá tuổi lao động, không thể xin vào đâu được nữa”. Cũng từ lâu, bà Nguyễn Thị The ở xã Văn Giang cũng thu hẹp dần quy mô nấu rượu của gia đình mình. Trước đây, gia đình bà chuyên nấu rượu và bà còn làm thêu ren. Có lúc, gia đình nấu 30-40 lít rượu/ngày. Còn mấy năm nay chỉ đến Tết mới nấu. Bà bỏ hẳn thêu ren, bởi thu nhập từ nghề này rất thấp trong khi mắt bà ngày càng kém đi. Hơn nữa, bây giờ bà cũng bận rộn hơn, phải chăm nom cháu nội đã gần 2 tuổi để cho bố mẹ chúng đi làm ở công ty may.

Ông Phạm Quang Hưng, cán bộ lao động, thương binh và xã hội xã Quyết Thắng cho biết: Nguyên nhân nghề thêu, ren ở địa phương suy giảm là do trên địa bàn huyện có nhiều cơ sở, nhà máy may và một số nghề khác mở ra. Không chỉ thanh niên mà những người lớn tuổi cũng xin đi làm các việc thời vụ như: cắt, nhặt chỉ hoặc làm vệ sinh. Ngày nào đi làm thì họ được trả lương ngay ngày đó, mức thu nhập từ 90-110 nghìn đồng/ngày. Một số người đi phụ các đội thợ xây thu nhập cũng ổn định nên ít người chọn nghề thêu ren.

Chia sẻ về việc khôi phục và phát triển nghề truyền thống ở địa phương, ông Phạm Ngọc Lập, Phó Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Ninh Giang cho biết, huyện cũng chỉ định hướng còn người dân có chọn làm các nghề này không là do họ quyết định. Bởi lẽ người dân phải làm thì mới có thu nhập, nghề nào có thu nhập cao hơn thì họ sẽ chọn. Trong những nghề trên, thì nghề mộc Cúc Bồ (Kiến Quốc) vẫn phát triển được là do công việc ổn định và thu nhập mang lại khá. Huyện không có ngân sách để hỗ trợ các địa phương trong việc giữ nghề truyền thống.

Vừa qua, huyện Ninh Giang đã khảo sát để xây dựng 2 làng là nghề bánh gai ở thị trấn Ninh Giang và bún, bánh, giò chả ở xã Tân Hương thành làng nghề nhưng rất khó. Bởi số người làm nghề không đủ quy định và nằm rải rác ở nhiều nơi. Do lo sợ bánh gai Ninh Giang sẽ bị mất thương hiệu nên huyện đang cùng với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh làm nhãn hiệu tập thể cho bánh gai Ninh Giang. Nghề làm bún, giò, chả ở Tân Hương hiện còn ít người làm và cũng nằm rải rác nên huyện Ninh Giang không thể đề nghị tỉnh công nhận làng nghề.

Mặc dù không thể phát triển rộng rãi, song nghề phụ vẫn mang lại thu nhập cho người dân lao động lúc nông nhàn. Chính vì thế, huyện Ninh Giang cần có nhiều biện pháp hơn nữa để phát triển các làng nghề.

THANH HÀ


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ninh Giang mất dần những làng nghề