Mới 7 giờ sáng, trên cánh đồng Cửa Bơm ở thôn Thượng Xá, xã Hồng Dụ đã có một nhóm gồm 12 phụ nữ đang diệt chuột.
Hội viên phụ nữ xã Hồng Dụ hăng hái diệt chuột bằng biện pháp thủ công
Cánh đàn ông cũng đi cùng để hỗ trợ. Người đào, người đổ nước, người sẵn sàng đập diệt. Chị Đào Thị Chi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hồng Dụ cũng xuống tận cánh đồng đôn đốc hội viên. Không khí diệt chuột sôi nổi trong tiết trời giá rét.
Chị Đào Thị Chi cho biết: "Hội Phụ nữ xã Hồng Dụ có trên 500 hội viên. Ngay sau khi phát động phong trào diệt chuột, tất cả các hội viên đều hưởng ứng nhiệt tình. Trong tuần lễ diệt chuột này, chúng tôi động viên chị em nộp càng nhiều đuôi chuột càng tốt, phấn đấu mỗi người nộp tối thiểu 3 đuôi chuột. Hội viên nộp về các chi hội, sau đó sẽ tập hợp lại rồi tiêu hủy”.
Chị Nguyễn Thị Hải Yến là một trong những người diệt được nhiều chuột nhất cho biết: “Bà con hăng lắm, chỉ muốn bắt được thật nhiều chuột để hạn chế thiệt hại. Chuột phá hoại mùa màng của mình nhiều quá cho nên vừa phát động diệt chuột là bà con hưởng ứng ngay. Có nhà đánh không xuể còn thuê thêm người đánh”.
Ông Nguyễn Đình Tại, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hồng Dụ là người hướng dẫn cho các trưởng thôn, đội trưởng đội sản xuất về liều lượng trộn mồi bẫy chuột. Ông Tại cho biết, ngay sau khi UBND huyện phát động diệt chuột, xã đã xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo diệt chuột, tổ chức tập huấn và cấp thuốc diệt chuột về các đội sản xuất. HTX giao thuốc tùy theo diện tích của từng đội sản xuất, riêng diện tích vùng gò đống, nghĩa trang thuộc đội sản xuất quản lý. Từ ngày 18-1 đến 25-1, xã Hồng Dụ phát động nhân dân trong toàn xã đồng loạt ra quân diệt chuột bằng mọi biện pháp như đào bắt thủ công, soi bắt ban đêm, sử dụng thuốc hóa học... Hội viên Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh... cũng tham gia diệt chuột. Trước đây, nhiều người dân có tâm lý phó mặc cho tổ diệt chuột. Nhưng hiện nay, do được sự động viên, hỗ trợ của tỉnh, huyện, việc diệt chuột trở thành phong trào toàn dân, được người dân hưởng ứng rất nhiệt tình. Hiện nay, các đội sản xuất không chỉ diệt chuột trên đất lúa mà còn phát “mồi” cho các xã viên để diệt chuột từ nhà ra đồng nhằm tiêu diệt chuột một cách triệt để. Trong trường hợp kinh phí được hỗ trợ không đủ, xã sẽ trích ngân sách hỗ trợ hoặc vận động nhân dân đóng góp. Ngoài ra, xã Hồng Dụ đã phát động trạm y tế, các trường học tham gia diệt chuột thường xuyên.
Xã Đồng Tâm cũng vừa kết thúc đợt diệt chuột kéo dài từ ngày 17 đến ngày 21-1. Theo ông Nguyễn Văn Quang, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đồng Tâm, vụ chiêm xuân này, HTX sẽ triển khai từ 8 - 10 đợt diệt chuột liên tiếp. Toàn xã có 14 đội sản xuất, trong đó có 3 đội duy trì tổ diệt chuột, còn lại 11 đội đánh mồi tập trung dưới sự điều hành của HTX. Vụ này, được tỉnh, huyện hỗ trợ thuốc diệt chuột, bà con nông dân rất phấn khởi, phong trào cũng vì thế mà phát triển mạnh và sâu rộng hơn. Nhờ được hỗ trợ, HTX đã chủ động diệt chuột ngay từ đầu vụ và chắc chắn lượng chuột sẽ giảm đáng kể so với những năm trước.
Ngày 30-12-2013, UBND huyện Ninh Giang đã chính thức phát động việc diệt chuột năm 2014. Đến ngày 5-1, tất cả các xã đã thành lập ban chỉ đạo diệt chuột. Hiện nay, 100% số xã đã phát động diệt chuột bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Phương pháp diệt chuột chủ yếu là đào, bới, bẫy, dùng thuốc sinh học. Sau một thời gian ngắn triển khai, phong trào diệt chuột ở huyện Ninh Giang đã đạt được nhiều kết quả. Điển hình là xã Hồng Phong diệt được 800 kg chuột trong 3 ngày, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (xã Đông Xuyên) diệt 4.000 con chuột, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hồng Thái diệt hơn 3.000 con chuột... Sau đợt cao điểm, đến nay các xã vẫn tiếp tục diệt chuột, bảo vệ mùa màng.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ninh Giang cho biết: “Hiện nay, người dân đã ý thức được sự nguy hại của chuột nên nhiệt tình tham gia diệt chuột. Đặc biệt, sự hỗ trợ của tỉnh, huyện đã góp phần động viên, khích lệ người dân tham gia phong trào. Tuy nhiên, phong trào diệt chuột cần được mở rộng hơn nữa tới các công sở, xí nghiệp, nhà máy, cơ sở kinh doanh dịch vụ... Ngoài ra, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi cần phối hợp với xã viên làm sạch đồng ruộng, mương máng, sông ngòi, những nơi có nhiều chuột trú ngụ”.
KHÁNH CHI