Ninh Giang: Dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh

13/03/2019 17:06

Địa bàn rộng, số hộ chăn nuôi lớn; tiếp giáp với các tỉnh đã xuất hiện DTLCP như Thái Bình, Hải Phòng... là những nguyên nhân làm cho bệnh DTLCP lây lan nhanh ở huyện Ninh Giang.


Vợ anh Nguyễn Đình Thanh ở đội 10, thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm rắc vôi khử trùng quanh khu nuôi lợn

Mặc dù bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện muộn hơn các huyện Kinh Môn, Tứ Kỳ nhưng tốc độ lây lan dịch trên địa bàn huyện Ninh Giang lại nhanh nhất tỉnh. Các hộ chăn nuôi đã và đang có nhiều biện pháp phòng chống dịch.

Địa bàn phức tạp

Ngày 7.3, trên địa bàn huyện Ninh Giang đã xuất hiện tình trạng lợn ốm chết rải rác tại một hộ chăn nuôi. Sau khi Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện gửi mẫu bệnh phẩm lấy tại một số hộ ở xã Ninh Thành và Tân Hương đi xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh DTLCP.

Đến tối 8.3, UBND huyện Ninh Giang đã công bố DTLCP tại các thôn Đan Cầu và La Khê (xã Ninh Thành) và thôn 1 (xã Tân Hương). Đến ngày 12.3, toàn huyện có 15 hộ chăn nuôi ở 5 xã Ninh Thành, Tân Hương, Nghĩa An, Văn Hội và Văn Giang xuất hiện bệnh DTLCP. Các địa phương trong huyện đã tiêu hủy hơn 250 con lợn bệnh. Hiện nay, tình trạng lợn chết vẫn xuất hiện tại các xã khác. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã cấp hơn 1.800 lít thuốc tiêu độc, khử trùng cho các địa phương để tiêu diệt mầm bệnh.

Từ khi xuất hiện bệnh DTLCP, UBND huyện Ninh Giang đã tổ chức nhiều cuộc họp khẩn để chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương tập trung phòng chống, ngăn chặn và lên phương án chống bệnh DTLCP. UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp khẩn trương bố trí lực lượng thường trực tại các điểm xảy ra bệnh DTLCP. Phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Lập chốt tại các khu vực xảy ra dịch, trong đó chú trọng các tuyến đường liên huyện, liên xã.

So với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, đến nay Ninh Giang có số xã có lợn mắc bệnh, ổ bệnh DTLCP nhiều nhất tỉnh. Đại diện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết nguyên nhân do bệnh DTLCP lây lan qua rất nhiều con đường. "Địa bàn huyện rộng, số hộ chăn nuôi lớn với trên 3.770 hộ, trong đó chủ yếu là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trước khi xuất hiện dịch, hoạt động mua bán, tái đàn diễn ra thường xuyên. Tần suất các phương tiện vận chuyển thức ăn chăn nuôi, vận chuyển lợn qua lại địa bàn lớn nên nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch DTLCP cao hơn. Ninh Giang còn tiếp giáp với các tỉnh đã xuất hiện DTLCP như Thái Bình, Hải Phòng. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho bệnh DTLCP lây lan nhanh ở huyện Ninh Giang", một cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết.


Cán bộ Chi cục Thú y tỉnh cấp thuốc khử trùng cho Trung tâm Dịch vụ nông  nghiệp huyện Ninh Giang

Chủ động ứng phó

Trước tình hình bệnh DTLCP lây lan nhanh và diễn biến phức tạp, chính quyền từ huyện đến xã và các hộ chăn nuôi đã chủ động phòng dịch và xây dựng nhiều phương án để chủ động ứng phó kịp thời khi có dịch.

 Ngày 11.3, xã Đông Xuyên xuất hiện tình trạng lợn chết tại gia đình ông Phạm Tiến Dũng ở thôn Xuyên Hử. Mặc dù có kết quả âm tính với bệnh DTLCP nhưng UBND xã vẫn triển khai nhiều phương án phòng chống. Ông Bùi Thanh Thùy, Chủ tịch UBND xã Đông Xuyên cho biết xã đã trích ngân sách mua bình phun thuốc bằng điện để cấp cho hai thôn Đông Cao và Xuyên Hử - nơi tập trung nhiều hộ chăn nuôi lợn nhất xã. Thuốc khử trùng, sát khuẩn cũng đã được phát đến từng hộ chăn nuôi để phun phòng ngừa. Các thôn được cấp thuốc phun hằng ngày tại các khu vực công cộng. Xã đã mua đủ trang phục bảo hộ như áo mưa, khẩu trang cho lực lượng chức năng phục vụ công tác kiểm tra tại các khu vực chăn nuôi.

Chiều 12.3, UBND xã Đồng Tâm đã tổ chức họp khẩn, lên kế hoạch chủ động ngăn chặn sự xâm nhiễm và ứng phó với bệnh DTLCP. Lãnh đạo UBND xã  giao Trưởng Ban chăn nuôi thú y xã hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống DTLCP đã được UBND xã triển khai trước đó. Các ban, ngành, đoàn thể xã theo chức năng nhiệm vụ tập trung tuyên truyền, vận động hội viên hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Là người có kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi lợn, gia đình anh Nguyễn Đình Thanh ở đội 10, thôn Tranh Xuyên (Đồng Tâm) đã chủ động phòng dịch hàng tháng trước. Cứ 2 ngày một lần, anh Thanh rắc vôi bột quanh trang trại của gia đình. "Nuôi lợn nhiều năm và từng bị nhiều loại dịch khác nhau nên tôi luôn chủ động phòng chống dịch. Tôi đã mua 6 chai thuốc khử trùng để về phun hằng ngày. Thời điểm này, chuồng trại chăn nuôi được quây kín, không cho người lạ hay nhiều người vào gần khu vực nuôi lợn", anh Thanh nói.

PHAN THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ninh Giang: Dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh