Ninh Giang chăm sóc người có công

22/07/2012 07:26

Cùng với hoạt động chăm sóc thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công, Ninh Giang còn thực hiện tốt chính sách của Nhà nước với các đối tượng chính sách.



Lãnh đạo huyện Ninh Giang trao giấy khen cho 5 tập thể đạt thành tích xuất sắc trong công tác đền ơn,
đáp nghĩa nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Phạm Thị Sách, mẹ của 2 liệt sĩ Nguyễn Văn Coòng và Nguyễn Văn Thương ở thôn Trịnh Xuyên, xã Nghĩa An (Ninh Giang) khi gia đình vừa dùng xong cơm trưa. Trong ngôi nhà tình nghĩa khang trang, bà Sách sống vui vầy cùng con dâu và vợ chồng cháu nội của mình. Bà đã 80 tuổi, trí nhớ không còn tốt nữa, nhưng niềm phấn khởi được sống trong nhà mới hiện rõ. Chị Phạm Thị Ngân, cháu dâu của bà Sách kể: “Trước đây, bà, mẹ và vợ chồng tôi cùng sống trong căn nhà cấp 4 rộng chưa đầy 24 m2, cuộc sống, sinh hoạt khó khăn, bất tiện vì chật chội. Năm 2010, gia đình tôi được Bệnh viện Đa khoa tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng, các đoàn thể của xã hỗ trợ hàng trăm công lao động để xây dựng ngôi nhà mới này. Hơn 2 tháng xây dựng, từ lúc đào móng cho đến khi hoàn thành, các cô, bác, anh chị em ở Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên của xã đều có mặt giúp đỡ gia đình. Nghĩa cử ấy khiến chúng tôi vô cùng xúc động”. Anh Nguyễn Văn Thoàng, cán bộ thương binh - xã hội xã Nghĩa An cho biết: “Dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng xã Nghĩa An luôn quan tâm chăm lo đời sống các gia đình chính sách và người có công. Ngoài việc chi trả đầy đủ, kịp thời chế độ cho các đối tượng, mỗi năm xã đều trích kinh phí từ 30 - 60 triệu đồng để tặng quà các gia đình chính sách vào các dịp lễ, Tết và 27-7.  Các đoàn thể của xã bằng ngày công lao động của đoàn viên, hội viên, đã tham gia giúp đỡ hàng chục gia đình chính sách tu sửa, xây dựng nhà ở, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ... Năm 2011, xã đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng mới nghĩa trang liệt sĩ. Năm nay, bên cạnh các hoạt động gặp mặt, động viên các đối tượng chính sách và người có công vào ngày 27-7, dâng hương và thắp nến tri ân, Nghĩa An còn trích kinh phí hơn 51 triệu đồng để tặng quà các gia đình chính sách. Xã đã rà soát, lập danh sách đề nghị cấp trên hỗ trợ 11 gia đình chính sách khó khăn về nhà ở tu sửa, xây dựng nhà mới; phối hợp với một phòng khám tư nhân tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 11 nạn nhân chất độc da cam...”.


Cán bộ thương binh -xã hội xã Nghĩa An đến thăm mẹ liệt sĩ Phạm Thị Sách


Cách làm của Nghĩa An cũng là cách làm của nhiều xã ở Ninh Giang thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Ninh Giang, qua các cuộc kháng chiến cứu nước, Ninh Giang có 3.954 liệt sĩ, 3.120 thương binh, 310 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, 195 Bà mẹ Việt Nam anh hùng cùng hàng nghìn quân nhân được hưởng chế độ theo Quyết định 142 của Thủ tướng Chính phủ… Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công, Ninh Giang đã phát động phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Mặc dù nằm xa trung tâm tỉnh, hoạt động sản xuất nông nghiệp là chính, nhưng ngay từ khi mới tái lập huyện, Ninh Giang đã thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc người có công, là một trong những huyện sớm hoàn thành việc xóa nhà tranh tre cho gia đình chính sách. Công tác "đền ơn, đáp nghĩa" được các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội của huyện tích cực tham gia.  Trong 5 năm (2007-2012), toàn huyện đã huy động được hơn 100 triệu đồng cho quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa". Mới đây, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, huyện đã vận động được các doanh nghiệp, doanh nhân ủng hộ 150 triệu đồng cho các hoạt động chăm sóc thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công trên địa bàn; vận động một số doanh nghiệp giúp đỡ 3 gia đình chính sách xây dựng nhà ở mới, một doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời 2 thân nhân liệt sĩ. Hiện nay, 4 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên địa bàn huyện cũng được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng... Phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh và người có công trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như tấm gương bà Vương Thị Xuân, vợ liệt sĩ Đỗ Thế Hữu ở xã Hoàng Hanh. Chồng hy sinh khi bà Xuân mới ngoài 20 tuổi với 2 đứa con thơ, kinh tế gia đình khó khăn. Vượt qua nỗi đau mất chồng, bà Xuân vẫn dạy học, cấy lúa, tham gia công tác xã hội tại địa phương, nuôi con trưởng thành, chăm sóc và phụng dưỡng 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng là mẹ chồng và cô chồng, lo toan chu đáo các công việc nhà chồng. Bà cho biết: "Chăm sóc người thân của chồng không chỉ là trách nhiệm của một người con dâu, mà còn là trách nhiệm của công dân đối với những người đã hy sinh vì đất nước mình".

Cùng với hoạt động chăm sóc thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công, Ninh Giang còn thực hiện tốt chính sách của Nhà nước với các đối tượng chính sách. Việc chi trả chế độ được các cơ quan chuyên môn của huyện và các xã, thị trấn thực hiện đầy đủ, bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng, chính xác và đúng quy trình. Đồng chí Trần Quang Cao, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Ninh Giang cho biết: 5 năm qua, huyện đã làm hồ sơ công nhận 4 trường hợp là liệt sĩ, 45 người được xác nhận là thương binh và 202 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng trợ cấp...Trung bình mỗi năm huyện xét trợ cấp ưu đãi cho 600 lượt học sinh, sinh viên là con gia đình chính sách với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Thời gian qua, huyện đã giải quyết chế độ 1 lần cho hơn 1.000 người hoạt động kháng chiến, mỗi năm huyện thực hiện chế độ điều dưỡng cho hơn 700 lượt người có công với cách mạng và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho tất cả người có công. Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán và 27-7, Huyện ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ huyện đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu.

NGUYÊN ANH

(0) Bình luận
Ninh Giang chăm sóc người có công