Ngày 22-10, công trình cầu Hàn nối TP Hải Dương với huyện Nam Sách được thông xe (hạn chế) chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Cầu Hàn hoàn thành sẽ góp phần mở rộng không gian đô thị TP Hải Dương
Dự án sau bao ngày tháng khó khăn, vất vả đã cơ bản hoàn thành, sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của hai địa phương nói riêng.
Thỏa chờ mongNhững ngày này, trên công trường thi công cầu Hàn, không khí lao động nhộn nhịp, khẩn trương hơn bao giờ hết. Mặc dù phần cầu chỉ còn những hạng mục nhỏ như sơn vạch kẻ đường, thi công khe co giãn, điện chiếu sáng, dọn dẹp vệ sinh mặt cầu, mặt đường... nhưng nhà thầu vẫn huy động trên 50 công nhân làm việc cả ngày lẫn đêm để kịp hoàn thành theo đúng tiến độ. Từng tốp thợ rải khắp công trường khẩn trương hoàn thiện những hạng mục cuối. Nắng gió hanh khô của thời tiết cuối thu không thể làm giảm nhịp độ thi công và những nụ cười của các kỹ sư, công nhân khi cây cầu Hàn sắp hoàn thành. Suốt 6 năm gắn bó với công trình cầu Hàn, ông Dương Quốc Khánh, Phó chỉ huy trưởng công trường (Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18) cho biết: “Do thiếu vốn, phải nhiều lần huy động, giải thể phương tiện, công nhân, cuối cùng cũng đến ngày cầu Hàn thông xe. Mặc dù quá trình thi công gặp nhiều khó khăn nhưng tập thể kỹ sư, công nhân luôn chung sức, đồng lòng để công trình bảo đảm chất lượng, tiến độ”.
Cùng chung niềm vui khi sắp hết cảnh ngăn sông, cách đò, người dân các xã An Châu, Thượng Đạt (TP Hải Dương) và huyện Nam Sách cũng hồ hởi mong chờ từng ngày công trình cầu Hàn được đưa vào khai thác. Sáng 20-10, do có công việc bên TP Hải Dương, anh Đỗ Văn Tráng ở thôn Tân Lập, xã Thượng Đạt định đi qua cầu Hàn để vừa nhanh, vừa tranh thủ tham quan cầu. Tuy nhiên, do nhà thầu đang thi công và để bảo đảm an toàn nên anh Tráng buộc phải quay lại đi đò. Gặp chúng tôi tại đường dẫn lên cầu, anh tâm sự: “Người dân ở đây ai cũng mong đến ngày được đi qua cầu Hàn. Nhà tôi buôn bán thức ăn chăn nuôi, mỗi lần chở hàng phải lên xuống đò vất vả lắm. Đi lối đường 5 thì xa mà đi đò thì mất nhiều thời gian. Tiện đò không sao chứ lỡ chuyến còn khổ nữa”.
Tâm trạng của anh Tráng cũng là nỗi niềm chung của người dân xã Thượng Đạt. Bởi từ trước đến nay, việc đi lại, giao lưu, buôn bán của người dân nơi đây vốn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy là một xã của TP Hải Dương nhưng hằng ngày người dân phải đi trên đường đê sông Thái Bình, qua bến đò Hàn mới vào được nội thành. Chính vì vậy, khi dự án cầu Hàn được triển khai người dân đều đồng tình, hưởng ứng. Để phục vụ thi công công trình, Nhà nước phải thu hồi trên chục ha đất ở các xã, trong đó có khoảng 6 ha đất 03 của các hộ dân nhưng không gặp phải khó khăn nào. Gần ba chục năm làm cán bộ ở xã, ông Phùng Văn Lợi, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Đạt là người thấu hiểu những vất vả của người dân khi giao thông khó khăn và niềm vui khi cầu Hàn hoàn thành. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Lợi phấn khởi: “Cây cầu bắc qua sông Thái Bình là niềm mong mỏi bao đời của cán bộ và nhân dân trong xã. Biết tin cầu Hàn sắp thông xe, ai ai cũng vui mừng, hy vọng công trình sẽ tạo động lực mới cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Vừa qua 11 hộ dân cũng đã hiến 320 m2 đất 03 để mở rộng 60 m đường nối trục đường xã với đường cầu Hàn”.
Động lực phát triển kinh tế - xã hộiDự án cầu Hàn được triển khai từ tháng 6-2009. Đây là một công trình lớn, là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giao thông vận tải (GTVT) tỉnh. Quá trình triển khai thi công vào thời điểm tình hình kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn buộc phải thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, nhiều dự án bị đình hoãn, giãn tiến độ. Do vậy, việc bố trí vốn cho thực hiện dự án cũng gặp nhiều khó khăn. Để công trình bảo đảm tiến độ không thể không kể đến những nỗ lực của các nhà thầu thi công. Ông Đặng Văn Giang, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18 cho biết: “Cầu Hàn là công trình có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao. Để triển khai thi công, nhà thầu đã tập trung huy động số lượng lớn máy móc, thiết bị thi công, kỹ sư có kinh nghiệm, công nhân bậc cao đến công trường. Chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT, các sở, ngành liên quan của tỉnh Hải Dương trong quá trình triển khai; đồng thời tận dụng mọi điều kiện thuận lợi, tranh thủ mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng và an toàn suốt trong quá trình xây dựng”.
Cầu Hàn được hoàn thành, thông xe đúng dịp chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI là kết quả của sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt và có hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Trung ương, các sở, ngành, chính quyền địa phương. Nhấn mạnh về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc thông xe dự án, ông Vũ Văn Tùng, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Dự án cầu Hàn là công trình trọng điểm của tỉnh, được xây dựng nhằm kết nối TP Hải Dương với huyện Nam Sách và thị xã Chí Linh. Sau khi hoàn thành dự án, dự kiến tỉnh sẽ đề nghị Bộ GTVT chuyển thành quốc lộ 37, rút ngắn được 8 km so với đi tuyến hiện nay. Dự án hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu giao lưu giữa các vùng trong tỉnh cũng như các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tốc độ đô thị hoá hai bên bờ sông Thái Bình, mở rộng không gian đô thị TP Hải Dương cũng được đẩy nhanh, hấp dẫn đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương.
PV
Ngày 22-10-2015, UBND tỉnh tổ chức lễ thông xe hạn chế Dự án cầu Hàn đoạn từ quốc lộ 5 (đoạn TP Hải Dương) đến đường 5 B, xã Hồng Phong (Nam Sách). Trong thời gian thông xe hạn chế chỉ cho phép xe thô sơ, xe gắn máy và xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống lưu thông qua lại.
Dự án xây dựng cầu Hàn có tổng mức đầu tư 721,5 tỷ đồng, thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương hỗ trợ 50%. Điểm đầu của dự án tại nút giao giữa đường Ngô Quyền (TP Hải Dương) với quốc lộ 5. Điểm cuối của dự án nối với quốc lộ 37 (Nam Sách). Cầu Hàn có chiều dài 763,88 m, chiều rộng toàn cầu 15m, hoạt tải thiết kế HL 93.
|
|