70 năm đã đi qua song không khí sục sôi những ngày Cách mạng Tháng Tám vẫn vẹn nguyên trong ký ức của nhiều người.
Như mới hôm qua
Nhân dân thị xã Hải Dương mít tinh chào mừng Cách mạng Tháng Tám thành công. Ảnh tư liệu
Bà Hoàng Thị Hột năm nay bước sang tuổi 94, là cán bộ tiền khởi nghĩa duy nhất còn lại ở xã Hợp Tiến (Nam Sách). Năm 1937, khi mới mười sáu tuổi, được đồng chí Chu Thị Kim Sơn giác ngộ, bà Hột tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc. Hoạt động được vài năm, do địch khủng bố dã man, một số cán bộ cách mạng bị bắt tù đày, các cơ sở của ta bị vỡ không chắp mối được, bà Hột lập gia đình rồi an phận là một người vợ, người mẹ.
Đến giờ trong tâm trí bà vẫn ám ảnh nỗi thống khổ của người dân trước Cách mạng Tháng Tám, mà khủng khiếp nhất là nạn đói năm Ất Dậu. Bà Hột nhớ lại: “Năm 1945, nạn đói bao trùm khắp nơi. Đi đâu cũng gặp cảnh người chết đói nằm ở rệ đường. Khi đó khu vực quán Tam Biểu, nơi giáp ranh giữa xã Thanh Quang và Hợp Tiến, người đói từ các nơi về rất đông. Buổi sáng vẫn thấy họ ngồi vật vờ, trưa đã thấy chết đói nằm còng queo. Làng Tè cùng các làng xung quanh cũng có hàng chục người chết đói. Bà mẹ đẻ ra tôi cũng chết trong nạn đói năm đó". Lúc đó, gia đình chồng bà Hột cũng đói mờ mắt. Nhúm thóc không dám xay giã mà đem rang rồi cho cả vỏ trấu vào mồm nhai, uống nước cho no. Bữa nào cải thiện thì có cơm nấu với củ chuối hay cháo nấu với rau má, rau rệu.
Từ tột cùng đói khổ, khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, người dân không kể già trẻ, gái trai đều tham gia cướp chính quyền. Ở Nam Sách, chiều 19-8-1945 Việt Minh và tự vệ đã huy động quần chúng mang băng cờ khẩu hiệu, khí giới vào chiếm huyện đường. Sau đó, Việt Minh tiếp tục lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền ở các xã, thôn. Bà Hột cũng tham gia vào dòng người giành chính quyền năm ấy. Bà Hột nhớ lại: “Buổi tối hôm giành chính quyền ở Hợp Tiến, tôi hòa vào dòng người cầm gậy gộc, cờ đỏ sao vàng, trống phách vang trời, đốt đuốc đỏ rực đi khắp các làng trong xã hô vang khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh”, “Ủng hộ chính quyền nhân dân cách mạng”. Sau đó, mọi người tập trung về đình Đầu để mít tinh. Tại đình Đầu, một cán bộ Việt Minh đứng lên tuyên bố: Việt Minh đã lãnh đạo nhân dân đứng lên cướp chính quyền ở huyện lỵ Nam Sách và các địa phương khác trong huyện. Từ nay, nhân dân ta sẽ không còn phải chịu sự áp bức bóc lột của địa chủ, phong kiến và thực dân Pháp. Sau khi đồng chí cán bộ phát biểu, mọi người cùng reo hò và hô khẩu hiệu”.
Lịch sử sang trang mớiSinh năm 1927, ông Nguyễn Dương Hoành ở phường Thái Học (Chí Linh) cũng được chứng kiến và tham gia vào thời điểm lịch sử vĩ đại của dân tộc. Đó là thời khắc lịch sử dân tộc sang trang mới. Ông Hoành kể: “Vào đầu năm 1945, tại Chí Linh nổ ra nhiều cuộc đấu tranh của quần chúng do các cơ sở Việt Minh lãnh đạo. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh phá kho thóc ở đồn điền Hậu Quan, xử lý tên cường hào gian ác Lý Thụy. Đến tháng 6-1945, Việt Minh nổ súng đánh vào bốt Thiên, trung tâm hành chính của Chí Linh. Vì nhà ở cách đó không xa nên tôi nghe rõ tiếng súng nổ, nhìn thấy khói bốc lên ở bốt Thiên. Trước sự tấn công của ta, bọn lính ở bốt Thiên ra hàng. Ta thu được hơn chục khẩu súng, phá kho thóc chia cho dân. Từ đó, ở Chí Linh hình thành hai chính quyền song song cùng tồn tại là chính quyền tay sai và Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Minh”.
Đình Đầu là nơi mít tinh tuyên bố giành chính quyền của xã Hợp Tiến (Nam Sách). Ảnh: TC
Cách mạng Tháng Tám nổ ra, dưới sự lãnh đạo của các cơ sở đảng và Việt Minh, Chí Linh cũng như các địa phương khác trong tỉnh nhanh chóng lật đổ chính quyền phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng. Tiếp theo cấp huyện, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, quần chúng nhân dân các xã nổi dậy thu triện bạ của lý trưởng, tuyên bố xóa bỏ chính quyền phong kiến, thiết lập Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời. Là một thanh niên, ông Hoành cũng hăng hái tham gia cướp chính quyền tại xã. Ông Hoành kể: “Chiều hôm đó, được Việt Minh tổ chức, nhân dân xã Thái Học chúng tôi nổi dậy cướp chính quyền. Lúc đó, chính quyền phong kiến hầu như đã tê liệt nên hào lý địa phương không dám có bất kỳ phản ứng nào. Sau khi giành chính quyền, cán bộ Việt Minh và quần chúng trong xã tập trung tại sân đình Ninh Chấp, thôn trung tâm của xã. Tại đây, đồng chí cán bộ Việt Minh thông báo trước nhân dân, cách mạng đã thành công tại tất cả các nơi trong tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, của Đảng, chính quyền đã về tay nhân dân. Sau đó đồng chí tuyên bố những người tham gia Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời của xã. Bản thân tôi được cử vào đội tự vệ cứu quốc gồm 30 người và được phát một cây mã tấu”.
Do biết chữ, ông Hoành còn được cử làm công tác thông tin tuyên truyền của xã. Sau khi giành chính quyền, hằng ngày, ông cùng các cán bộ ủy ban đi khắp các thôn vận động nhân dân quyên góp của cải, giúp đỡ thóc gạo cho Chính phủ lâm thời. Mỗi khi trên có chỉ thị, ông lại cầm loa đi thông báo khắp các xóm thôn. Lúc đầu, ông tự làm chiếc loa bằng ống nứa cắm vào vỏ bầu khô. Sau ông được xã cấp cho một chiếc loa làm bằng sắt tây và dựng một chòi cao bằng tre để mỗi khi thông báo leo lên đó đọc.
Vì tham gia công tác thông tin, tuyên truyền ngay từ những ngày đầu giành chính quyền nên ông Hoành vẫn nhớ như in cuộc mít tinh thông báo về lễ tuyên bố độc lập ngày 2-9-1945. Ông kể: “Sau 2-9-1945 mấy ngày, tôi nhận được chỉ thị của trên triệu tập nhân dân nghe cán bộ huyện về nói chuyện. Lúc đó, bản thân tôi cũng chưa biết sự kiện gì. Hôm đó, tại sân đình Ninh Chấp, nhân dân tập trung rất đông, xếp thành từng khối phụ nữ, nông dân, thanh niên, tự vệ, phụ lão với cờ đỏ sao vàng phấp phới. Vị trí nói chuyện có kê một chiếc bàn cao. Bước lên bàn nói chuyện, đồng chí cán bộ tuyên truyền của huyện nói dõng dạc: Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập và Việt Minh, chúng ta đã lật đổ chính quyền bù nhìn, đánh Nhật, đuổi Pháp. Ngày 2-9-1945 vừa qua, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã ra mắt quốc dân đồng bào. Tại lễ ra mắt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với thế giới thành lập Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nay đất nước ta đã độc lập. Nhân dân ta cũng không còn bị áp bức bóc lột.
Sau khi nghe đồng chí cán bộ tuyên truyền nói, ai nấy đều vỡ òa sung sướng. Mọi người giương cao cờ đỏ sao vàng hô vang: “Hồ Chí Minh muôn năm”, “Nước Việt Nam độc lập muôn năm”. Theo lời ông Hoành ngày ấy thông tin liên lạc còn khó khăn nên phải mấy ngày sau những người dân như ông mới biết đến lễ tuyên bố độc lập.
70 năm đã đi qua song đến bất cứ miền quê nào, gặp những người đã từng được sống trong thời khắc lịch sử ấy, chúng tôi đều bắt gặp niềm vui vô bờ về ngày độc lập.
NGỌC HÙNG