Thành công của Hội nghị Trung ương 7 với những đề án mới như nhân lên niềm tin mới, sức mạnh mới, thổi tiếp một luồng không khí mới vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với phát triển đất nước.
Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Thông tin từ Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) làm cán bộ, đảng viên và nhân dân càng củng cố niềm tin vào những thắng lợi to lớn trong một nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Cùng với xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với những kết quả “chưa từng có, chưa từng thấy”. Đó là cuộc đấu tranh có thể nói “một mất, một còn” giữa một tổ chức Đảng cách mạng, chân chính với một “bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” đã và đang suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa... ngày càng lún sâu vào vũng bùn chủ nghĩa cá nhân, chạy chức, chạy quyền, tha hóa quyền lực, lợi ích nhóm.
Vì thế, thật dễ hiểu, các Nghị quyết Trung ương 4 (khóaXI và khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được toàn Đảng, toàn dân chào đón và mong đợi. Sự mong đợi đó đã được đền đáp như hoàn thành vượt mức 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2017, tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua, đã và đang xét xử nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực gây thiệt hại lớn cho kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.
Sự thành công của Hội nghị Trung ương 7 với những đề án mới như nhân lên niềm tin mới, sức mạnh mới, thổi tiếp một luồng không khí mới vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với phát triển đất nước, thổi bùng lên mạnh mẽ hơn “lò lửa” chống tham nhũng, tiêu cực mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhóm lên.
NGUYỄN THẾ(phường Hải Tân, TP Hải Dương)
Ngăn chặn sự tha hóa quyền lực
Tôi thấy đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được Hội nghị Trung ương 7 thông qua đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực và khả thi.
Trung ương đã xác định hai nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ; chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo cơ chế, môi trường, điều kiện để khuyến khích đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp đi đôi với phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.
Trung ương cũng yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ.
Tôi cho rằng trên đây là những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hóa quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
NGUYỄN HUY PHONG (xã Minh Tân, Nam Sách)