Một du khách nước ngoài "tố" đã bị vòi tiền khi làm thủ tục xuất cảnh ở sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Ngày 2.1, tài khoản Facebook tên Kugan Pillai đăng tải bài viết lên trang cá nhân, kể việc bị nhân viên xuất nhập cảnh đòi tiền tip khi làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu sân bay Nội Bài - Ảnh chụp màn hình
Chưa rõ sự thật thế nào nhưng vụ việc ảnh hưởng đến hình ảnh một đất nước đang ra sức thu hút du khách và nhà đầu tư.
Đó cũng là đề tài mà hàng chục ngàn kiều bào háo hức về nước đón Tết quan tâm. Xem ra chuyện xây dựng hình ảnh niềm nở ở sân bay là chuyện dài nhiều tập.
Khu vực sân bay có ba cơ quan cùng vận hành là hải quan, an ninh hàng không và xuất nhập cảnh. Từ khi khách xuống máy bay, làm thủ tục nhập cảnh, vào bên trong nhận hành lý, vệ sinh cá nhân, đón xe rời sân bay là chuỗi trải nghiệm luôn để lại ấn tượng cho hành khách.
Nhiều người nói khi làm thủ tục nhập cảnh họ không kỳ vọng nhận được lời chào, nụ cười... nhưng cũng đừng lạnh lùng, hoặc nói bâng quơ những quy định dễ gây lo sợ ở người làm thủ tục nhập cảnh. Họ chỉ cần nhân viên có trách nhiệm ở sân bay làm "đúng quy trình" để mọi việc suôn sẻ.
Thế nhưng những câu chuyện không hay, thậm chí xấu xí mà nhiều người "phải" trải nghiệm vẫn được lan truyền.
Có vụ việc đã xảy ra từ lâu, có chuyện mà người trong cuộc kể là mới xảy ra... nhưng ai cũng có thể giành nhau kể mỗi khi có dịp. Cứ thế này, câu hỏi "niềm nở ở sân bay" bao giờ, chẳng lẽ chỉ là ước mơ!?
Công bằng mà nói, cơ quan chức năng rất nỗ lực để có được sự thân thiện ở sân bay. Nhân viên an ninh sân bay được huấn luyện theo quy định riêng của ngành, cán bộ hải quan được đào tạo lại cách thức giao tiếp, văn hóa ứng xử..., nhưng "sểnh ra" vẫn có chuyện xấu xí.
Ông bà thường nói "tiếng dữ đồn xa". Vì vậy cơ quan chức năng phải làm rát hơn may ra mới có được sự thân thiện ở sân bay. Và sự thân thiện đó phải gấp nhiều lần tiếng dữ mới gột rửa những hình ảnh xấu xí đã lưu cữu nhiều năm.
Có chấn chỉnh nhưng giám sát và xử lý không nghiêm thì "bệnh cũ" rất dễ tái phát.
Một chuyên gia hải quan cho rằng tiêu cực phát sinh do "ranh giới mỏng manh". Trong khi đó có quá nhiều lý do để "chia sẻ" với những cán bộ, nhân viên làm việc ở sân bay.
Chẳng hạn như hải quan, chính sách hiện chưa rõ ràng, thu thuế hàng hóa, còn hành lý lại không dễ dẫn đến nhũng nhiễu, vòi vĩnh.
Trong khi đó, không ít Việt kiều không giấu nổi cảm xúc bồi hồi khi đặt chân xuống sân bay sau thời gian xa quê đã muốn qua cửa khẩu nhanh chóng, rời khỏi sân bay, chấp nhận thỏa hiệp "trả phí" khi nhận thấy có sự "chần chừ", "khó dễ" nào đó từ người gác cổng.
Sân bay là nơi ghi hình ảnh đầu tiên trong một du khách đến một quốc gia. Có quá nhiều so sánh về sự thân thiện, niềm nở, chất lượng phục vụ giữa các sân bay của các quốc gia.
Nhưng không có cơ chế cạnh tranh, giám sát, đánh giá thì không biết bao giờ chất lượng dịch vụ các sân bay ở Việt Nam cải thiện.
Nhũng nhiễu ở sân bay không chỉ liên quan pháp luật mà còn là danh tiếng của quốc gia và nó càng không phải chuyện nội bộ của một cơ quan nào đó. Vì vậy các sai phạm cần xử lý công khai.
Từ khi mở cửa đổi mới, chúng ta đã làm được rất nhiều việc, cả việc khó nhất là làm cho cuộc sống người dân khấm khá hơn. Vậy lẽ gì mà không thể xây dựng được hình ảnh một sân bay niềm nở dù đã nỗ lực nhiều năm!?
Theo Tuổi trẻ