Niềm đam mê sáng tạo của cô gái khuyết tật

22/07/2014 09:23

Dù cơ thể bị khiếm khuyết nhưng không ngăn được những đam mê, sức sáng tạo của một người con gái giàu nghị lực.



Chị Nga (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng


Chỉ cao 1,1 m và nặng 29 kg, cột sống bị vẹo, lưng gù, chân tay co quắp, việc đi lại hết sức khó khăn… nhưng những rào cản đó không ngăn được những đam mê, sức sáng tạo của một người con gái giàu nghị lực.

Học để tự chủ

Trong những lớp học như thế cũng có không ít những mảnh đời thiếu may mắn, những hoàn cảnh khó khăn, bằng việc làm và thái độ sống tích cực của mình, chị Nga đã truyền cho họ niềm lạc quan, tin tưởng.

Đó là chị Vũ Thị Nga - giáo viên trợ giảng dạy nghề của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) 8-3 thuộc Hội Phụ nữ tỉnh. Sinh ra, chị đã bị khuyết tật do bố chị bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 10 tuổi, chị mới lẫm chẫm biết đi, nói chuyện cũng chưa rõ ràng nhưng được sự hỗ trợ từ bố mẹ cộng với sự nỗ lực của bản thân, chị đã dần dần tự lập trong mọi việc từ sinh hoạt cá nhân đến làm một số việc vặt trong nhà, vừa để rèn luyện sức khỏe, vừa để tự chủ trong khả năng của mình. Tinh thần ham học là một tính cách đáng quý mà mọi người đều thấy ở chị Nga. Được bố mẹ đồng ý cho đi học đã khó, vượt qua những mặc cảm, tự ti của bản thân và những bình phẩm của người đời với chị còn khó khăn gấp bội. Mong muốn chứng tỏ cho mọi người thấy mình không phải là một thứ vô dụng, Nga đã nỗ lực và liên tục để đạt học sinh giỏi trong nhiều năm liền khiến cho tất cả thầy cô, bạn bè đều thán phục.

Năm 2002, chị tham gia lớp học nghề dành cho người khuyết tật của tỉnh tại Trung tâm DVVL 8-3. Niềm vui được đi học để có một công việc nuôi sống bản thân là động lực giúp chị vươn lên. Vừa hoàn thành chứng chỉ tin học văn phòng, chị vừa học thêu, móc. Nhận thấy việc thêu, móc phù hợp với sức khỏe và mình cũng có chút năng khiếu, đam mê nên chị đã dành nhiều thời gian thực hành, tìm tòi và sáng tạo những sản phẩm mới. Những sản phẩm đầu tay  được mọi người đón nhận, động viên, chị Nga càng cố gắng để đường thêu, nút móc ngày một đẹp. Bạn bè, người thân “đặt hàng” khi thì chiếc áo len, khăn quàng cổ, khi thì những con thú đồ chơi... Tiếng lành đồn xa, khách hàng của chị bây giờ có cả người ở Hà Nội và một số tỉnh khác, chỉ cần gửi số đo, yêu cầu về kiểu dáng, họa tiết, chất liệu là sau 15 ngày có thể nhận được sản phẩm ưng ý. Vì sức khỏe hạn chế, thời gian ít và để bảo đảm chất lượng, uy tín của sản phẩm, chị thường tự đi xe khách lên phố Lương Văn Can (Hà Nội) để chọn mua vải, sợi tốt. Chị Nga không nhận nhiều đơn hàng, mỗi tháng trung bình chỉ làm 4 - 5 sản phẩm, chủ yếu làm vào các buổi tối và thứ bảy, chủ nhật để bảo đảm chất lượng.

Dạy nghề cho mọi người

Một cánh cửa mới đã mở ra trong cuộc sống của chị Nga vào năm 2010 khi chị được mời quay trở lại Trung tâm DVVL 8-3 làm giáo viên trợ giảng dạy nghề. Tại đây, chị vừa có cơ hội truyền đạt những kinh nghiệm thêu, móc của mình cho các học viên, vừa được tham gia các hoạt động xã hội. Khi dạy nghề tại trung tâm cũng như khi trực tiếp xuống các cơ sở ở khắp nơi trong tỉnh, chị Nga đều nhiệt tình, tỉ mỉ hướng dẫn học viên. Ban đầu, mọi người còn ái ngại, có người bảo: “Chân tay cô giáo như thế, giọng nói như bị thiếu hơi, dạy dỗ thế nào đây?”, nhưng càng nhìn chị làm, nghe chị hướng dẫn, chị em càng tin tưởng, yêu quý và cảm phục. Có học viên học mãi không làm được định bỏ học nhưng khi nhìn bàn tay gầy guộc của chị thoăn thoắt, nhìn những sản phẩm đẹp mắt, họ đã bảo: “Cô giáo bị khuyết tật còn làm đẹp thế, vậy vì sao mình lại không cố gắng làm được”. Trong những lớp học như thế cũng có không ít những mảnh đời thiếu may mắn, những hoàn cảnh khó khăn, bằng việc làm và thái độ sống tích cực của mình, chị Nga đã truyền cho họ niềm lạc quan, tin tưởng. Chị em tham gia lớp học không chỉ học được những kỹ năng thêu, móc mà hơn cả là cảm phục và học được ở chị Nga ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Khi tham gia các dự án xã hội do các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ mà Trung tâm DVVL 8-3 là đối tác, có những dự án dành cho người khuyết tật và các đối tượng yếu thế, chị Nga đã có cơ hội được giao lưu, gặp gỡ nhiều bạn bè cũng là người khuyết tật. Cũng từ những hoạt động như thế, website của Hội Người khuyết tật Việt Nam và Hội Người khuyết tật tỉnh Đồng Nai đã giới thiệu những sản phẩm thêu, móc của chị. Nhờ đó, những sản phẩm thêu, móc cũng như tấm gương giàu nghị lực của chị Nga đã được nhiều người biết đến và có những đơn đặt hàng đến qua kênh này. Truy cập vào facebook của chị cũng có thể thấy hình ảnh những con thú đồ chơi ngộ nghĩnh, những chiếc áo len, khăn len được thêu tỉ mỉ, rất hợp thời trang.

Một kỷ niệm đáng nhớ đối với chị Nga là lần tham gia Ngày phụ nữ sáng tạo Việt Nam 2013 với chủ đề “Nâng cao quyền và năng lực kinh tế của phụ nữ” do Hội Phụ nữ Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) tổ chức. Tại đây, những sản phẩm thêu, móc của chị được chọn là 1 trong 38 công trình nghiên cứu và sản phẩm tiêu biểu nhất của phụ nữ cả nước - những sản phẩm sáng tạo được lựa chọn từ 130 sản phẩm gửi đến tham dự - để trưng bày, tôn vinh, giới thiệu đến đông đảo công chúng.

Không chỉ nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, sáng tạo những sản phẩm thêu, móc thủ công có tính ứng dụng cao, chị Nga còn nhiệt tình với các hoạt động cộng đồng. Hằng ngày, nhờ sự hỗ trợ của người thân, đồng nghiệp, chị vẫn tham gia đều đặn công việc trợ giảng tại Trung tâm DVVL 8-3, đi dạy tại cơ sở và tiếp tục nhận thêm những đơn hàng để có thêm thu nhập, vừa thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo. Chị Nga còn ấp ủ ước mơ thành lập một câu lạc bộ cho phụ nữ khuyết tật để những người phụ nữ thiệt thòi như chị có thể kết nối, hỗ trợ nhau cùng vượt qua những mặc cảm, tự ti, những thách thức, khó khăn trong cuộc sống.

Cuộc sống phía trước còn nhiều thử thách. Mong rằng ngọn lửa của tinh thần vượt khó, của niềm đam mê sáng tạo luôn thắp sáng trong tâm hồn người phụ nữ khuyết tật bé nhỏ ấy để chị có thể sưởi ấm nhiều mảnh đời còn chịu thiệt thòi trong xã hội, tiếp thêm động lực giúp họ sống cuộc sống bình thường, ý nghĩa.

THÙY LÂM

(0) Bình luận
Niềm đam mê sáng tạo của cô gái khuyết tật